Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2021: Bảo đảm quyền lợi cho thí sinh

Thống Nhất| 13/08/2021 06:10

(HNM) - Đợt 2 của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vừa khép lại, cũng là thời điểm các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng trên cả nước gấp rút triển khai công tác chuẩn bị cho kỳ xét tuyển năm 2021. Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, các nhà trường tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tối đa, bảo đảm công bằng và quyền lợi xét tuyển cho mọi thí sinh.

Các trường đại học, cao đẳng triển khai nhiều phương thức xét tuyển, tạo thuận lợi cho thí sinh. Trong ảnh: Thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 tại điểm thi Trường Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt (quận Đống Đa). Ảnh: Nhật Nam

Hỗ trợ tối đa

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2021 đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở đào tạo kịp thời điều chỉnh, nhằm hỗ trợ, tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh. Các mốc thời gian tổ chức tuyển sinh đại học, cao đẳng được lùi lại hơn 3 tuần so với kế hoạch để các thí sinh thi tốt nghiệp trung học phổ thông đợt 1 và đợt 2 được tham gia xét tuyển cùng một thời điểm. Tất cả các trường sẽ tổ chức xét tuyển từ ngày 13-9 đến 17h ngày 15-9-2021. Mối lo lớn nhất đối với các thí sinh không thể dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông đợt 2 cũng được giải tỏa qua việc có thể tham gia kỳ thi đánh giá năng lực, xét tuyển qua học bạ.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo (Đại học Quốc gia Hà Nội), đơn vị đã xây dựng kế hoạch triển khai kỳ thi đánh giá năng lực, dự kiến tổ chức vào tháng 9. Căn cứ số lượng thí sinh có nguyện vọng, nhà trường sẽ tổ chức kỳ thi tại từng địa phương để các em không phải di chuyển. Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã chỉ đạo 12 trường đại học, khoa trực thuộc rà soát, bổ sung phương thức xét tuyển học bạ đối với các ngành đào tạo phù hợp, tạo thuận lợi cho thí sinh không thể xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp.

Còn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, nhà trường đã quyết định dừng tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy, chuyển toàn bộ chỉ tiêu đó sang xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Như vậy, chỉ tiêu của phương thức xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp sẽ là 80-85%, cao hơn ban đầu khoảng 30%, tạo thêm cơ hội cho thí sinh.

Bà Nguyễn Thị Cúc, phụ huynh học sinh Trường Trung học phổ thông Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) chia sẻ: "Qua theo dõi, tôi rất mừng vì những điều chỉnh kịp thời về tuyển sinh, nhất là việc Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh tổ chức kỳ thi riêng để thí sinh diện đặc cách tốt nghiệp có thể tham dự, lấy điểm xét tuyển đại học, cao đẳng".

Công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2021 cần bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh. Trong ảnh: Đo thân nhiệt thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 tại điểm thi Trường Trung học phổ thông Chu Văn An (quận Tây Hồ). Ảnh: Đỗ Tâm

Không để thí sinh bị thiệt thòi

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước có hơn 15.000 thí sinh đủ điều kiện nhưng chưa thi tốt nghiệp trung học phổ thông đợt 2 năm nay. Đồng hành hỗ trợ để thí sinh bớt thiệt thòi trong xét tuyển đại học, cao đẳng là nỗ lực của các nhà trường.

Trong số 193 thí sinh của thành phố Hà Nội không thể dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông, Trường Trung học phổ thông Mỹ Đức B (huyện Mỹ Đức) có tới 149 em. Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mỹ Đức B Vũ Trí Thức cho biết, nhà trường vẫn thường xuyên cập nhật các thông tin liên quan đến công tác thi, tuyển sinh, trong đó có kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội để các em yên tâm, duy trì tốt việc ôn tập. Cùng với đó, nhà trường theo dõi thường xuyên những điều chỉnh về đối tượng, phương thức, chỉ tiêu trong đề án tuyển sinh của các trường, hỗ trợ học sinh đăng ký xét tuyển kịp thời…

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) thông tin, nhà trường đã bổ sung đối tượng xét tuyển là thí sinh thuộc diện đặc cách tốt nghiệp trung học phổ thông đợt 2 năm nay và dành 1% tổng chỉ tiêu (tương ứng với 54 sinh viên) cho đối tượng này. Để tham gia xét tuyển, thí sinh cần có điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội hoặc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, đạt từ 20 điểm trở lên.

Là một trong những thí sinh diện đặc cách tốt nghiệp, em Hoàng Thị Vân Anh, học sinh Trường Trung học phổ thông Chương Mỹ A (huyện Chương Mỹ) chia sẻ: "Ngoài việc dựa vào kết quả thi tốt nghiệp, năm nay các trường có thêm nhiều phương thức xét tuyển nên em yên tâm hơn. Em đã nộp hồ sơ xét tuyển học bạ vào Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông. Em mong có nhiều trường bổ sung đối tượng, tăng chỉ tiêu xét tuyển học bạ để chúng em có thêm lựa chọn".

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, với phương châm bảo đảm quyền lợi cho tất cả thí sinh, Bộ đã điều chỉnh thời gian xét tuyển đại học, cao đẳng và yêu cầu các cơ sở đào tạo bổ sung phương thức, dành riêng chỉ tiêu cho đối tượng thí sinh diện đặc cách tốt nghiệp.

“Căn cứ số lượng thí sinh diện đặc cách tốt nghiệp của từng địa phương, các cơ sở đào tạo điều chỉnh, bổ sung phương thức xét tuyển phù hợp, tạo thuận lợi cho thí sinh, trong đó có phương thức xét tuyển dựa vào học bạ và kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cùng các phương thức khác. Bộ và hai đại học quốc gia cùng các địa phương sẽ tính toán, xác định thời gian, địa điểm thi, công bố rộng rãi để thí sinh đăng ký dự thi, đồng thời đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các cơ sở đào tạo có sử dụng kết quả thi. Thí sinh có thể yên tâm và cần thường xuyên theo dõi thông tin để kịp thời chuẩn bị hồ sơ theo quy định”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2021: Bảo đảm quyền lợi cho thí sinh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.