(HNMO) – Sáng 4/11, quận Hoàn Kiếm đã tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm hoạt hoạt động Tuyến phố đi bộ mở rộng sang khu bảo tồn cấp I Khu phố cổ Hà Nội gắn với tuyến phố đi bộ Hàng Đào - Đồng Xuân và các tuyến phố chuyên doanh nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia Khu phố cổ Hà Nội.
Theo UBND quận Hoàn Kiếm, sau hơn 1 năm triển khai hoạt động, tuyến phố đi bộ mở rộng đã nhận được sự ủng hộ tích cực của người dân cũng như các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trên tuyến phố, tạo chuyển biến cơ bản về hoạt động kinh doanh dịch vụ, du lịch và thương mại. Hoạt động của tuyến phố đi bộ mở rộng sang khu bảo tồn cấp I phố cổ đã tạo được sức hút rất lớn đối với du khách trong và ngoài nước, điều đó khẳng định việc cho phép mở rộng không gian đi bộ của UBND TP phố là đúng đắn, phù hợp với yêu cầu phát triển, góp phần quảng bá, bảo tồn không gian phố cổ, phát triển kinh tế du lịch, nâng cao đời sống, tạo thêm việc làm, từng bước khôi phục phố nghề ẩm thực truyền thống của khu phố cổ Hà Nội.
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Dương Đức Tuấn phát biểu tại hội nghị. |
Mở rộng tuyến phố đi bộ: Lợi ích kinh tế - xã hội đã rõ
Đứng trên góc độ kinh tế, việc tổ chức tuyến phố đi bộ mở rộng với mục đích giới thiệu không gian, văn hóa, kiến trúc khu phố cổ, nhất là giới thiệu văn hóa ẩm thực đặc trưng của khu vực này đã thu hút được sự quan tâm rất lớn của du khách trong và ngoài nước. Theo thống kê của UBND phường Hàng Buồm, 9 tháng đầu năm, lượng khách du lịch lưu trú tại các khách sạn trên địa bàn phường đạt 152.000 lượt khách, tăng 23,7% so với cùng kỳ. Lượng khách du lịch tham gia vào hoạt động của tuyến phố tăng cao đã tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh trên tuyến phố, các khách sạn, nhà hàng được hưởng lợi, hoạt động hiệu quả hơn; số hộ gia đình tham gia vào các hoạt động kinh doanh dịch vụ trên các tuyến phố tăng hơn so với giai đoạn ban đầu (từ 90 hộ kinh doanh trong giai đoạn thử nghiệm, sau 1 năm triển khai, số hộ kinh doanh trên tuyến phố đã tăng lên thành 489 hộ). Hoạt động của tuyến phố đã góp phần tích cực vào công tác thu ngân sách trên địa bàn phường, 9 tháng đầu năm số thu ngân sách của phường Hàng Buồm là 9,465 tỷ đồng, đạt 83,5% kế hoạch năm, tăng 18,7% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, về mặt xã hội, qua 1 năm đi vào hoạt động, hiệu quả đạt được của tuyến phố đi bộ về mặt xã hội được thể hiện khá rõ, cảnh quan, môi trường khu vực tuyến phố được cải thiện, các di tích lịch sử, công trình văn hóa được quan tâm chỉnh trang, cơ sở hạ tầng được nâng cấp, hoạt động của tuyến phố đi bộ đã tạo ra một sản phẩm du lịch mới của Thành phố, đặc biệt đã kết nối không gian đi bộ mở rộng với tuyến phố thương mại Hàng Đào - Đồng Xuân và các tuyến phố chuyên doanh, phố nghề đã tạo thành một chuỗi kết nối giữa tuyến phố dịch vụ với tuyến phố thương mại, góp phần thúc đẩy phát triển kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân, đồng thời tạo ra giá trị không gian văn hóa mới cho nhân dân Thủ đô.
Việc không bố trí, sắp xếp gian hàng dưới lòng đường, tạo không gian đi bộ thông thoáng, kết hợp tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, hoạt động của tuyến phố đi bộ mở rộng đã nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận.
Du khách có nhiều trải nghiệm tham quan, mua sắm trên các tuyến phố đi bộ. |
Vẫn còn nhiều điểm cần khắc phục
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, UBND quận cũng thẳng thắn nhìn nhận hoạt động của tuyến phố đi bộ mở rộng còn một số khó khăn, tồn tại. Đó là nhận thức của một số hộ kinh doanh còn hạn chế trong việc thực hiện nội quy, quy định trong hoạt động kinh doanh. Đến nay còn 39/132 hộ kinh doanh chưa đáp ứng các yêu cầu về văn minh thương mại, cở sở vật của cửa hàng, bàn ghế chưa đạt yêu cầu, rác thải còn nhiều ở nơi bán hàng gây mất vệ sinh. Tình trạng lấn chiếm lòng đường tại khu vực ngã tư phố Tạ Hiện, Đông Thái để kinh doanh còn diễn ra.
Tiêu chí ban đầu về mặt hàng kinh doanh của khu phố là các mặt hàng ẩm thực tiêu biểu của khu phố cổ của Hà Nội, tuy nhiên trong thực tế các hộ kinh doanh chưa nhận thức được hết ý nghĩa, lợi ích của việc phát triển du lịch thông qua mở rộng tuyến phố đi bộ, kinh doanh các mặt hàng chủ yếu chạy theo lợi nhuận nên chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn, tiêu chí theo yêu cầu của đề án là khôi phục văn hóa ẩm thực, một trong những giá trị tiêu biểu của khu phố cổ.
Phát biểu tại hội nghị, ông Đỗ Xuân Thủy – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đồng Xuân thẳng thắn nhìn nhận là đơn vị đang quản lý, khai thác tuyến phố đi bộ nhưng kỹ năng quản lý có nghề của công ty còn yếu kém, cần phải khắc phục trong thời gian tới.
Mặt khác, với đặc thù là tuyến phố dân sinh, không gian mở, nhiều đường vào nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn, một số tồn tại về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường chưa được giải quyết triệt để. Vẫn còn tình trạng phương tiện để trên hè phố, xe máy lưu thông bên trong tuyến phố; Xe ôm tụ tập tại các ngã ba, ngã tư; Trên tuyến phố đi bộ Hàng Đào - Đồng Xuân tình trạng hàng rong lấn chiếm lòng đường để kinh doanh, hàng thịt nướng gây khói mùi còn diễn ra.
Mật độ phương tiện cá nhân của nhân dân trong khu vực phố cổ ngày càng gia tăng, trong khi đó diện tích các điểm giao thông tĩnh còn hạn chế, không đáp ứng đủ nhu cầu dẫn đến xung quanh khu vực một số cửa ra vào của tuyến phố còn tồn tại các nhiều điểm trông xe tự phát, lấn chiếm gây ách tắc, thu quá giá quy định gây bức xúc trong nhân dân.
Theo đó, tại hội nghị, ông Bùi Văng Đang – Phó Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm đề xuất: Quận ủy, UBND quận nghiên cứu sắp xếp thêm bãi để xe cho nhân dân do nhu cầu tăng cao; Tăng thêm camera ở các điểm phố để giảm việc cảnh sát phải đứng đường. Ông Đang cũng nhấn mạnh, cảnh sát làm việc ở khu vực này đều phải nêu cao ý thức là cảnh sát du lịch để có các ứng xử phù hợp với du khách.
Bà Trịnh Thúy – một người dân sống trong môi trường không gian đi bộ phản ảnh: Nhiều thùng rác đầu tư ở tuyến phố đi bộ đã mất cần phải bổ sung lại. Các điểm ca nhạc nên bắt đầu sớm và kết thúc sớm để đỡ ồn ào, cho các cháu nhỏ học bài. Sự kết hợp công ty vệ sinh môi trường và cấp thoát nước chưa tốt trong việc phun rửa đường và dọn dẹp vệ sinh.
Trong khi đó, ý kiến của Sở Du lịch kiến nghị cần chuẩn hóa bàn ghế, vị trí bán hàng mới đảm bảo trật tự văn minh thương mại. Quận quy hoạch một vài điểm quán cà phê, quán bar hoạt động đến 2h sáng để phục vụ du khách.
Nâng cao chất lượng, phát huy bản sắc
Nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án mở rộng không gian đi bộ theo chỉ đạo của Thành ủy - UBND TP, UBND quận đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý hoạt động của tuyến phố cần tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế, triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ về đảm bảo an ninh trật tự, trật tự đô thị, an toàn phòng chống cháy nổ, văn minh thương mại và vệ sinh môi trường, đảm bảo hoạt động của tuyến phố đi vào ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu đi bộ thăm quan tìm hiểu và thưởng thức văn hóa ẩm thực của nhân dân và du khách.
Ông Phạm Tuấn Long – Phó Trưởng ban thường trực BQL Phố cổ cho biết: BQL Phố cổ là đơn vị triển khai, tạo không gian văn hóa trong khu phố cổ; Duy trì các hoạt động nghệ thuật trên đường phố, đổi mới hoạt động và kêu gọi xã hội hóa trong biểu diễn nghệ thuật. Vừa qua, BQL Phố cổ đã kêu gọi được 1,7 tỷ đồng cho biểu diễn nghệ thuật. Hoạt động trò chơi cho trẻ em được tổ chức Chính phủ Canada tài trợ. Trong thời gian tới, BQL Phố cổ hợp tác thêm với các đơn vị để có thêm nhiều loại hình nghệ thuật đường phố.
Hội nghị cũng rất quan tâm đế ý kiến của PGS TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam khi cho rằng cần quận cần phát huy hơn nữa vai trò cộng đồng. Ví như, giao các sân chơi cho người dân, phường quản lý.
Báo cáo của Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Dương Đức Tuấn cũng cho biết: Trong thời gian tới, quận sẽ nghiên cứu đề xuất UBND TP cho phép xây dựng tuyến xe điện phục vụ việc đi lại của nhân dân, kết nối hoạt động của tuyến phố đi bộ, các tuyến phố chuyên doanh, phố nghề và các di sản của Hà Nội như: Hồ Hoàn Kiếm, phố cổ Hà Nội, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu với hệ thống giao thông công cộng của TP nhằm phát triển thêm một sản phẩm du lịch mới đặc trưng của Thủ đô và góp phần giảm bớt phương tiện cá nhân, hạn chế ùn tắc giao thông, giảm tiếng động, khói mùi ảnh hưởng đến môi trường sống của nhân dân.
Kết luận tại hội nghị, Bí thư quận ủy Hoàn Kiếm Hoàng Công Khôi đánh giá cao ý kiến đóng góp của các đơn vị quản lý, nhà khoa học. Bí thư quận cho biết việc tổ chức phố cổ ở Hà Nội khác với Hội An hay như cả với phố cổ châu Âu. Phố cổ Hà Nội là trung tâm dịch vụ thương mại với những thuận lợi và khó khăn riêng. Chúng ta đã tạo được sức sống cho khu phố cổ; sân chơi cho người dân Thủ đô và du khách. Kích cầu phát triển thương mại và du lịch. Tuy nhiên, hoạt động của tuyến phố đi bộ mới có 3 tối cuối tuần, cần phải mở thêm nhiều tối trong tuần, mở khuya hơn để phục vụ du khách.
Bí thư đề nghị các đơn vị của quận và các lực lượng phải tập trung thực hiện chỉ đạo của TP là hoàn thiện tuyến phố đi bộ từ Hàng Đào tới Hàng Giấy. Quảng bá không gian đi bộ. Tổ chức tập huấn cho các hộ kinh doanh về văn minh thương mại. Về tuyên truyền cho các hộ dân phải có thêm clip về không gian đi bộ của trong và ngoài nước; cho cán bộ - nhân dân đi tham quan để về ứng dụng. Tạo sự tham gia của cả cộng đồng dân cư. Thêm các điểm trình diễn nghề cho du khách. Nâng cao chất lượng phục vụ của các hộ kinh doanh. Công ty cổ phần Đồng Xuân phải tạo sản phẩm ẩm thực độc đáo của Hà thành Thăng Long. Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, lắp thêm camera tại các tuyến phố… Đẩy nhanh việc hình thành khu trung tâm thương mại, dịch vụ chất lượng cao Đồng Xuân – Bắc Qua; khu vực du lịch bãi giữa sông Hồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.