(HNMO) - Ngày 24-12, qua 2 ngày xét xử, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định tuyên phạt các bị cáo: Dương Văn Hòa (nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Đô) 12 năm tù; Trần Kim Oanh (nguyên Phó Hiệu trưởng) 10 năm tù; Lê Ngọc Hà (nguyên Phó Hiệu trưởng) 9 năm tù cùng về tội danh "Giả mạo trong công tác".
Cũng với tội "Giả mạo trong công tác", Trần Ngọc Quang (nguyên Phó Trưởng phòng Quản lý đào tạo và quản lý sinh viên) bị tuyên phạt 6 năm tù; Nguyễn Thị Huệ (nguyên Trưởng phòng Tài chính, kế toán) bị áp dụng 3 năm tù và Phạm Vân Thùy (nguyên nhân viên Viện Đào tạo liên tục) bị tuyên phạt 30 tháng tù. Các bị cáo còn lại lần lượt bị tuyên phạt từ 12 tháng tù đến 30 tháng tù cũng về tội "Giả mạo trong công tác", nhưng đều được hưởng án treo.
Theo nhận định của Hội đồng xét xử, lời khai của các bị cáo tại phiên tòa phù hợp với nhau, phù hợp với các tài liệu, chứng cứ đã thu thập được. Từ đó đủ cơ sở kết luận, trong quá trình tuyển sinh đào tạo, Trần Khắc Hùng (Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học Dân lập Đông Đô) thấy một số cá nhân có nhu cầu dùng văn bằng 2 ngôn ngữ tiếng Anh để làm nghiên cứu sinh, học thạc sĩ, thi tuyển công chức, thi nâng ngạch nên đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ đạo Ban Giám hiệu, Viện Đào tạo liên tục và các đơn vị liên quan làm, cấp văn bằng 2 giả cho những người có nhu cầu.
Từ tháng 4-2018 đến tháng 3-2019, Hùng và đồng phạm đã làm, cấp bằng, giấy chứng nhận giả cho 431 trường hợp, thu lợi bất chính hơn 7,1 tỷ đồng. Đến nay, cơ quan điều tra làm rõ 210 trường hợp được cấp văn bằng, giấy chứng nhận giả và sử dụng bằng giả để kiến nghị xử lý theo quy định.
Liên quan đến vụ án, bị can Trần Khắc Hùng được xác định là người có vai trò chủ mưu, khởi xướng, tổ chức chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện hành vi phạm tội. Do Trần Khắc Hùng đã bỏ trốn, đến nay việc truy nã chưa có kết quả, nên Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã ra quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.
Về trách nhiệm dân sự, Hội đồng xét xử tuyên buộc Trường Đại học Đông Đô phải nộp lại 7 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước vì đây là số tiền thu lợi bất chính. Đối với những người mua văn bằng giả của Trường Đại học Đông Đô, hiện đã nộp lại bằng giả và bị xử phạt theo quy định, cơ quan tố tụng cũng đề nghị các cơ quan quản lý liên quan xử lý hành vi sử dụng bằng giả. Do đó, Hội đồng xét xử không đề cập xử lý trong vụ án.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.