(HNM) - Tình trạng cuộc gọi quấy rối (cuộc gọi rác), trong đó có gọi quảng cáo tự động được ghi âm sẵn (robocall) ảnh hưởng không nhỏ đến công việc, sinh hoạt của người dân có chiều hướng gia tăng.
Để bảo vệ quyền lợi của người dùng, Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cùng các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông đang triển khai các giải pháp "tuyên chiến" với cuộc gọi rác. Hy vọng những biện pháp mạnh này sẽ ngăn chặn được những phiền phức cho người dùng cả nước.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Minh Thắng, Trưởng phòng Tài nguyên và Thông tin thống kê, Cục Viễn thông cho biết, chỉ trong một tháng (tháng 3-2020), hệ thống chặn lọc cuộc gọi rác thí điểm tại Viettel đã phát hiện khoảng 49 triệu cuộc gọi nghi ngờ cuộc gọi rác từ hơn 26.700 số điện thoại, ảnh hưởng đến khoảng 18 triệu khách hàng. Các cuộc gọi rác tập trung nhiều nhất vào dịch vụ rao bán nhà đất, căn hộ, condotel, mời mua bảo hiểm, dịch vụ tài chính, học tiếng Anh… Do vậy ngày 29-6, Cục Viễn thông đã có Văn bản số 2568/CVT-TNTK yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông triển khai biện pháp ngăn chặn cuộc gọi rác.
Ông Lê Đăng Biển, chuyên viên Phòng Tài nguyên và Thông tin kết nối, Cục Viễn thông cho biết, dựa trên dữ liệu về hành vi, đặc điểm cuộc gọi (không phải thông tin riêng của người sử dụng), các doanh nghiệp viễn thông áp dụng các thuật toán dự đoán trên hạ tầng dữ liệu lớn (Big data), học máy (Machine learning) đối với tất cả các cuộc gọi nội, ngoại mạng để xác định thuê bao phát tán cuộc gọi rác. Trong đó, nhà mạng thu thập ý kiến phản hồi của khách hàng để xác định hành vi phát tán cuộc gọi rác và thực hiện biện pháp ngăn chặn (khóa chiều gọi đi đối với thuê bao nội mạng và khóa chiều gọi đến đối với thuê bao liên mạng).
Về phía các doanh nghiệp, ông Cao Anh Sơn, Tổng Giám đốc Tổng công ty Viễn thông Viettel (Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel) cho hay, nhận thấy các cuộc gọi rác ngày càng gia tăng gây phiền phức cho khách hàng, Viettel là nhà mạng đầu tiên đề xuất với Bộ Thông tin và Truyền thông thí điểm triển khai các giải pháp chặn cuộc gọi rác.
Đại diện Tổng công ty Dịch vụ viễn thông (VNPT VinaPhone), Tổng công ty Viễn thông MobiFone đều cam kết ngăn chặn cuộc gọi rác, nhất là các cuộc gọi tự động cũng là cách bảo vệ quyền lợi khách hàng của chính nhà mạng. Theo đó, Tổng công ty Viễn thông Viettel chính thức triển khai trong tháng 7 này; VNPT, MobiFone sẽ triển khai trước ngày 1-8; các doanh nghiệp viễn thông còn lại triển khai trước ngày 1-10-2020.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới chiều 2-7, ông Cao Anh Sơn cho biết, để chuẩn bị cho việc ngăn chặn cuộc gọi rác, Viettel đã nhắn tin truyền thông cảnh báo đến các thuê bao di động cũng như cảnh báo khách hàng. Còn đại diện Tập đoàn VNPT cho biết nhà mạng này đang hoàn thiện các biện pháp kỹ thuật để sớm triển khai giải pháp chặn cuộc gọi rác trước ngày 1-8-2020. Ngoài ra các nhà mạng cũng nghiên cứu, triển khai cơ chế phối hợp trong trao đổi thông tin, giải quyết khiếu nại của khách hàng khi ngăn chặn cuộc gọi rác nội mạng, liên mạng. Đặc biệt các nhà mạng triển khai cung cấp dịch vụ để định danh cuộc gọi, cung cấp thông tin về doanh nghiệp thực hiện cuộc gọi và mục đích cuộc gọi để khách hàng quyết định đồng ý hoặc không đồng ý nhận cuộc gọi.
“Từ kết quả thử nghiệm chặn cuộc gọi rác của Viettel cho thấy, tỷ lệ khách hàng phản hồi tin nhắn của nhà mạng để xác thực sau khi nhận cuộc gọi nghi ngờ cuộc gọi rác là rất thấp. Trong khi đó, chất lượng và hiệu quả của giải pháp ngăn chặn cuộc gọi rác lại phụ thuộc nhiều vào tỷ lệ phản hồi của khách hàng. Do vậy, rất cần sự ủng hộ của người dùng đối với biện pháp ngăn chặn cuộc gọi rác bằng cách phối hợp trả lời tin nhắn thu thập ý kiến phản hồi của các khách hàng đã nhận cuộc gọi nghi ngờ có hành vi tạo cuộc gọi rác”, ông Lê Đăng Biển nhấn mạnh.
Như vậy, với những biện pháp quyết liệt của cơ quan quản lý và nhà mạng triển khai trong thời gian gần đây về quản lý thông tin thuê bao, dừng phát hành sim mới trên kênh phân phối và giải pháp ngăn chặn cuộc gọi rác, hy vọng quyền lợi chính đáng của người dùng sẽ được bảo vệ triệt để, góp phần phát triển thị trường viễn thông bền vững và lành mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.