Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tuyến cao tốc đô thị đầu tiên của quốc gia

Nguyễn Đức| 22/10/2012 06:18

(HNM) - Ngày 21-10, Bộ GTVT đã tổ chức thông xe dự án đường Vành đai 3, giai đoạn 2, đoạn Mai Dịch - Bắc hồ Linh Đàm. Ủy viên BCT, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và tuyên bố thông xe.

Cùng dự có Ủy viên BCT, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị; Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yasuaki Tanizaki, cùng đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ngành của trung ương, chính quyền địa phương và nhân dân sở tại.

Đường Vành đai 3 thành phố Hà Nội có vai trò rất quan trọng trong hệ thống giao thông không chỉ của Thủ đô mà còn của khu vực. Với vai trò đó, Chính phủ và UBND thành phố đã liên tục chỉ đạo các đơn vị, sở, ngành, quận, huyện nỗ lực đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành giai đoạn 1 dự án vào dịp kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tháng 6-2010, dự án đường Vành đai 3, giai đoạn 2 trên cao, đoạn Mai Dịch - Bắc hồ Linh Đàm cũng được khởi công xây dựng trên phần dải phân cách rộng 28m đã được bố trí trước đó. Ý thức được tầm quan trọng của dự án, đại diện chủ đầu tư (Ban Quản lý Dự án Thăng Long) và các nhà thầu đã nỗ lực đẩy nhanh tiến độ dự án.

Dự án được chia thành 3 gói thầu, gói thầu số 1, đoạn Mai Dịch - Trung Hòa dài gần 3,6km; gói số 2 đoạn Trung Hòa - Thanh Xuân dài gần 2,1km và gói số 3 đoạn Thanh Xuân - Bắc hồ Linh Đàm dài gần 3,3km. Ngày 30-6-2012, gói thầu số 3, dài gần 3,3km, khởi công ngày 4-6-2010, đã hoàn thành, chính thức thông xe vào ngày 30-6-2012, vượt tiến độ đề ra ban đầu 5 tháng. Gói thầu này do Liên danh Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long - Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 8 - Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 4 thi công. Đến ngày 21-10-2012, gói thầu số 1, đoạn Mai Dịch - Trung Hòa do Liên danh Samwhan (Hàn Quốc) - Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 4 và gói thầu số 2, đoạn Trung Hòa - Thanh Xuân do Công ty TNHH Xây dựng Sumitomo Mitsui (Nhật Bản) cũng đã hoàn thành, lần lượt vượt tiến độ đề ra là 8 tháng và 15 tháng.

Tuyến cao tốc đô thị trên cao trong ngày thông xe. Ảnh: Huy Hùng

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, đây là dự án quan trọng không chỉ với Hà Nội mà còn với nhiều địa phương khác, kết nối các tuyến cao tốc: Đại lộ Thăng Long, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Thái Nguyên, quốc lộ 18, quốc lộ 32… tạo ra sức sống, động lực mới trong toàn vùng. Còn theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo, đây là tuyến đường không chỉ kết nối các tuyến hướng tâm, trục ở thành phố mà còn là dự án hiện đại đầu tiên ở thành phố hoàn thành sau khoảng một năm Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội. Điều này thể hiện năng lực và trách nhiệm của các bộ, ngành, nhà thầu với sự phát triển của Thủ đô nói riêng, khu vực nói chung.

Việc hoàn thành dự án vượt tiến độ đề ra đã đem lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội cho Hà Nội và các tỉnh lân cận, đồng thời đã tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng. Không chỉ vậy, việc hoàn thành tuyến cao tốc đô thị trên cao đầu tiên của cả nước còn đem lại diện mạo mới cho Thủ đô Hà Nội. Đại diện một số nhà thầu khẳng định, việc không có vướng mắc trong GPMB và bố trí đủ vốn là nhân tố quan trọng để đẩy nhanh tiến độ dự án. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, dự án đường Vành đai 3, giai đoạn 2 là dự án kiểu mẫu cho cả nước học tập. Điều đó thể hiện, khi có tầm nhìn quy hoạch, tiến độ các dự án sẽ tiến triển hết sức tích cực.

Tuyến đường được đưa vào sử dụng giúp rút ngắn 50% thời gian di chuyển từ phía tây sang phía nam Thủ đô. Ảnh: Hoàng Hà

Hiện các cơ quan chức năng đang chỉ đạo nghiên cứu lắp đặt lớp chống ồn trên đường cao tốc trên cao đạt tiêu chuẩn các tuyến đường cao tốc trên cao trên thế giới. Dự kiến, đầu năm 2013, đoạn Linh Đàm sẽ được lắp đặt thí điểm bằng vật liệu nhẹ, cản âm thanh hiệu quả và tiết kiệm chi phí.

- Dự án đường Vành đai 3, giai đoạn 2, đoạn Mai Dịch - Bắc hồ Linh Đàm dài gần 9km, đạt tiêu chuẩn đường cao tốc, gồm 4 làn xe, bảo đảm cho xe chạy với vận tốc 100km/h, có tổng mức đầu tư hơn 5,5 nghìn tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản. Dự án này kết hợp với gói thầu 3A cầu cạn Linh Đàm đã hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, tạo thành tuyến cao tốc đô thị trên cao đầu tiên của cả nước.

* Tại đường cao tốc trên cao (ĐTC) cấm tất cả các phương tiện được phép lưu thông dừng, đỗ xe, chỉ thực hiện việc dừng, đỗ trong các trường hợp khẩn cấp theo quy định. Ô tô (xe tải, xe khách, xe con) từ Cầu vượt Mai Dịch - Phạm Hùng đi cầu Thanh Trì, đi các tuyến đường phía bắc Vành đai 3, được đi trên tuyến ĐTC.

* Tuyệt đối nghiêm cấm các loại xe 2 bánh, 3 bánh, 4 bánh tự chế và người đi bộ lưu thông trên ĐTC. Các phương tiện trên và người đi bộ chỉ được lưu thông theo quy định tại đường phía dưới của ĐTC.

* Ô tô từ ĐTC từ Cầu vượt Mai Dịch - Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển - Nghiêm Xuân Yêm đến bắc Hồ Linh Đàm và ngược lại được hoạt động bình thường xuống các điểm tiếp đất gần nhất để ra Đại lộ Thăng Long, đường trục bắc Hà Đông (Lê Văn Lương kéo dài) và Hồ Tùng Mậu, quốc lộ 32. Đối với xe tải từ Cầu vượt Mai Dịch đi đường Phạm Văn Đồng đến cầu Thăng Long và ngược lại (xe tải có trọng lượng toàn bộ từ 1,25 tấn trở lên) chỉ được hoạt động trong thời gian sau: Sáng từ 9h-15h, tối từ 21h-6h sáng hôm sau.

* Trên đường Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển - Nghiêm Xuân Yêm (tại đường phía dưới). Xe tải có toàn bộ trọng lượng 1,25 tấn trở lên chỉ được hoạt động từ 21h-6h sáng hôm sau. Ngoài thời gian trên phải có giấy phép do Sở GTVT cấp.

* Ô tô khách đối với các loại xe hợp đồng đưa đón cán bộ, công nhân, học sinh, sinh viên, xe du lịch được phép hoạt động 24/24 (các loại xe này phải có hợp đồng phù hiệu xác định loại hình dịch vụ do Sở GTVT cấp theo quy định).

Ngoài ra các loại xe vũ trang, công vụ, xe phục vụ tang lễ, đám cưới được hoạt động theo quy định…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tuyến cao tốc đô thị đầu tiên của quốc gia

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.