(HNM) - Những hiện tượng tiêu cực gần đây đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh môi trường du lịch Hà Nội.
Du khách nước ngoài tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Bảo Lâm |
- Hàng loạt vụ lừa đảo, "chặt chém" du khách nước ngoài đã xảy ra tại Hà Nội trong thời gian gần đây. Ông đánh giá thế nào về thực trạng này?
- Trên thực tế, nơi nào tập trung đông khách du lịch, nơi đó càng dễ xảy ra tình trạng lừa đảo, bắt chẹt khách. Không riêng gì Hà Nội mà ở bất kỳ thành phố nào trên thế giới cũng có thể xảy ra những hiện tượng tiêu cực này. Mức độ nhẹ là đeo bám, chèo kéo, quấy rầy khách, nặng hơn là trộm cắp, cướp giật, lừa đảo, "chặt chém", thét giá "trên trời", thỏa thuận một đằng lại tính tiền một nẻo...
Từ lâu, Hà Nội cũng như các điểm đến khác trên cả nước đều có kế hoạch, biện pháp, hành động cụ thể để xử lý loại tệ nạn này. Chẳng hạn, thời gian trước đây, người lái xích lô hoạt động lộn xộn ở khu vực phố cổ, thành phố đã đưa ra chủ trương, văn bản, quyết định chấn chỉnh lại hoạt động kinh doanh, dịch vụ, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và các lái xe xích lô du lịch. Đến nay, tình hình đã tốt hơn. Mặt khác, thành phố cũng có văn bản yêu cầu tăng cường thanh - kiểm tra, thực hiện nếp sống văn minh, kiểm soát hàng rong… Điều đó khiến cho vấn nạn chèo kéo khách giảm hẳn.
- Theo ông, sự vào cuộc ấy đã triệt để? Có thể hy vọng gì?
- Đúng là chưa triệt để! Theo quan điểm của tôi, cũng không thể quá kỳ vọng là mọi tiêu cực sẽ không bao giờ tái diễn. Chúng ta chỉ có thể tiến tới một xã hội, một cộng đồng ngày càng tốt hơn nếu như ngày hôm nay tốt hơn hôm qua, tháng này tốt hơn tháng trước, năm nay tốt hơn năm trước, đó đã là thành công. Cần thấy rằng địa bàn rộng, lượng khách du lịch ngày càng gia tăng, hiện tượng tiêu cực có thể xảy ra ở bất kỳ đâu, bất kỳ thời điểm nào trong khi lực lượng chức năng còn mỏng, vì vậy rất khó ngăn ngừa, giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm triệt để.
Tuy nhiên, sự vào cuộc của các cấp chính quyền, đặc biệt là chính quyền sở tại, trực tiếp là quận, huyện, phường, xã và thậm chí cả người dân cần tích cực hơn nữa. Bởi nếu chỉ dựa vào mỗi ngành du lịch thì không bao giờ có thể cải thiện được tình hình. Mặt khác, mức chế tài cũng cần phải có sự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế. Hiện nay, mức chế tài còn quá nhẹ, chưa có tác dụng răn đe đối tượng vi phạm. Đơn cử, khi hàng rong chèo kéo khách, mức phạt cao nhất chỉ từ 80.000 đến 100.000 đồng. Ngay cả việc mới đây, khi lái xe taxi cấu kết với nhân viên khách sạn để lừa du khách, ngành chức năng cũng chỉ có thể phạt lái xe taxi ở mức cao nhất là 20 triệu đồng.
- Thường xảy ra hiện tượng tiêu cực trong những dịp nghỉ lễ, như kỳ nghỉ 30-4 và 1-5 vừa qua. Cần giải pháp cụ thể gì, thưa ông?
- Sự lộn xộn không chỉ có trong những kỳ nghỉ kéo dài, mà thường xảy ra vào buổi trưa, ngày cuối tuần. Để giải quyết tình trạng ép khách, "chặt chém" như hiện nay, lực lượng chức năng cần có những tính toán phù hợp, tăng cường công tác thanh - kiểm tra ngoài giờ làm việc, đồng thời tăng cường tuyên truyền, giáo dục ý thức của cộng đồng dân cư, đặc biệt là ở những khu vực có khách du lịch tập trung đông. Tới đây, ngành du lịch Hà Nội sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trên địa bàn nhằm tăng cường thanh - kiểm tra các cơ sở kinh doanh lưu trú, hoạt động của xích lô, taxi ở khu vực phố cổ, từng bước chấn chỉnh môi trường du lịch.
- Không ít lần Hà Nội được ghi danh là điểm đến hấp dẫn nhất thế giới. Ông có lo ngại những vụ việc nói trên sẽ làm giảm sức hút của Thủ đô?
- Những sự việc xảy ra trong thời gian qua đã gây ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh du lịch Thủ đô. Thế nhưng, sự vào cuộc nhanh chóng của cơ quan chức năng đã lấy lại niềm tin của du khách. Dù có những sự việc không hay kể trên, nhiều du khách nước ngoài khẳng định sẽ quay trở lại Hà Nội bởi theo họ, những hiện tượng tiêu cực này có thể xảy ra ở bất kỳ điểm du lịch nào chứ không riêng gì Hà Nội. Và đó chỉ là hiện tượng đơn lẻ.
Tuy vậy, điều đó không có nghĩa là chúng ta cho phép tái diễn hành vi gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh Thủ đô. Sẽ có giải pháp nhằm hạn chế tiêu cực đến mức thấp nhất.
- Xin cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.