(HNM) - Ngày 13-3 (9-2 âm lịch), hàng nghìn người dân phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy (Hà Nội) cùng du khách thập phương đã tưng bừng dự Lễ kỷ niệm 1.000 năm vua Lý Thái Tổ đặt tên làng Bái Ân và làm lễ Nghênh xuân Tân Mão.
Sử sách ghi lại rằng, đầu xuân Tân Hợi 1011, vua Lý Thái Tổ ngự thuyền trên sông Tô Lịch ra ngoại thành đến bến Giang Tân (gần chợ Bưởi ngày nay) thì thấy mấy vuông lĩnh vẽ một con rồng uốn khúc bay, vua liền cho dừng thuyền lên bờ hỏi thăm các cụ già. Các cụ cho đức vua biết dân làng Bái Đồng có nghề dệt lĩnh, lụa, còn dân làng Nghè vẽ rồng tượng trưng cho sự kiện rồng bay lên (Thăng Long) để đón chào nhà vua. Đức Lý Thái Tổ cảm kích bèn đổi tên xóm Bến, xóm Nghè, xóm Dâu thành Nghĩa Đô và làng Bái Đồng (xóm Bãi) thành Bái Ân (ơn thấm khắp cả). Hiện các địa danh này thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy.
Ông Nguyễn Công Trứ, Trưởng BTC lễ hội cho biết: việc tổ chức lễ hội kỷ niệm 1.000 năm vua Lý Thái Tổ đặt tên cùng với lễ Nghênh xuân truyền thống của làng Bái Ân nhằm mục đích nhắc nhở con cháu hiểu truyền thống, tự hào truyền thống và biết phát huy truyền thống để xây dựng quê hương Nghĩa Đô ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Cùng với các nghi lễ truyền thống như tế nam, tế nữ, tế cáo, rước kiệu, lễ Nghênh xuân làng Bái Ân xuân Tân Mão còn có nhiều hoạt động văn hóa dân gian như: hát chèo, chọi gà, cờ tướng, bịt mắt bắt dê… thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.