Sáng 6-3, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cùng lãnh đạo các đơn vị liên quan kiểm tra tiến độ thực hiện dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên và dự án đầu tư xây dựng đường Xuân Diệu (quận Tây Hồ).
Ông Phạm Văn Duân, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội cho biết, Ban đang đôn đốc các nhà thầu thi công phấn đấu hoàn thành thông xe kỹ thuật trước 30-6-2024, chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
Giai đoạn 2 với quy mô đầu tư xây dựng đồng bộ tuyến đường Âu Cơ đoạn từ lối vào khách sạn Thắng Lợi đến nút giao cầu Nhật Tân với chiều dài tuyến bổ sung khoảng 3,7km, gồm xây dựng tường chắn bê tông cốt thép bên phải (phía ngoài đê) để thay thế một phần đê đất kết hợp với mở rộng mặt đường đê, cải tạo và chỉnh trang hệ thống đường gom dân sinh hai bên với quy mô mặt cắt ngang từ 26,5m đến 31m (trong đó mặt đường chính rộng từ 16,5m đến 21m). Tổng mức đầu tư giai đoạn 2 là 544 tỷ đồng.
Trước Tết Nguyên đán 2024, với gói thầu số 39 (đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến nút giao Xuân Diệu dài 1.400m), đơn vị thi công đã hoàn thành toàn bộ tường chắn đê bê tông cốt thép; 5/6 cửa khẩu; 1.000/1.000m tường chắn giao thông trái tuyến; hoàn thành thảm đường dân sinh (đường 5m) hai bên và thảm thô 1.400m mặt cắt đường Âu Cơ mở rộng.
Tại gói thầu số 40 (đoạn từ nút giao Xuân Diệu, gần chợ hoa Quảng An, đến nút giao Lạc Long Quân dài 1.600m), đã hoàn thành 1.580/1.580m tường chắn đê; hoàn thành 1/2 cửa khẩu; 1.600/1.600m tường chắn giao thông trái tuyến; thảm 500/3.200m đường dân sinh, 1.600m đường mở rộng đến lớp đỉnh K95 đường Âu Cơ mở rộng. Ngoài ra, nhà thầu cũng đã hoàn thành cơ bản đoạn từ nút giao Lạc Long Quân đến cuối tuyến (42 An Dương Vương).
“Hiện nay, các nhà thầu thi công đang huy động máy móc, nhân công để triển khai thi công đồng loạt, phấn đấu thông xe kỹ thuật dự án trước 30-6 và hoàn thành các hạng mục phụ trợ, bàn giao đưa vào sử dụng dự án trước 10-10-2024”, ông Phạm Văn Duân cho biết.
Vướng mắc chính hiện nay nằm ở việc phối hợp thi công đồng bộ với dự án tuyến cáp ngầm 110kV Tây Hồ - Yên Phụ do Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN HANOI) làm chủ đầu tư (gồm 2.700m cáp và 5 hầm cáp). Ban Quản lý dự án đã bàn giao mặt bằng cho Ban Quản lý dự án phát triển điện lực Hà Nội (đại diện chủ đầu tư dự án) khoảng 1.750/2.700m trên toàn tuyến và 3/5 vị trí hầm cáp, nhưng đến nay mới thi công xong được khoảng 200m và 2 hầm cáp, đạt khoảng 12% tiến độ.
Lý giải về tiến độ thi công tuyến cáp ngầm 110kV chậm, ông Phạm Hữu Mạnh, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án phát triển điện lực thành phố Hà Nội nêu là do được bàn giao mặt bằng vào giai đoạn cuối năm, lại gặp bất lợi về thời tiết có mưa, thi công gặp nhiều khó khăn khi vừa thi công vừa bảo đảm giao thông.
Trước trách nhiệm của ngành Điện đối với dự án này, ông Phạm Hữu Mạnh khẳng định, Ban sẽ huy động tối đa nhân lực của nhà thầu triển khai thi công, phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, khớp nối tiến độ của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội và điều động, tăng cường nhân lực nhằm giải quyết các vướng mắc hiện nay, cam kết hoàn trả lại toàn bộ mặt bằng vào ngày 15-3.
Về dự án nâng cấp tuyến đường Xuân Diệu, phường Quảng An, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến báo cáo, tuyến đường được cải tạo, nâng cấp có chiều dài khoảng 1.087m (điểm đầu tuyến giao với đường Tô Ngọc Vân, điểm cuối tuyến giao với đường Nghi Tàm) với tổng mức đầu tư trên 388 tỷ đồng.
Công tác thi công đã cơ bản hoàn thành và thông tuyến kỹ thuật. Hiện nay, UBND quận Tây Hồ đang chỉ đạo các nhà thầu khẩn trương hoàn thiện thảm mịn, sơn kẻ mặt đường, trồng cây xanh, biển báo giao thông.
UBND quận đã phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ và tái định cư cho 159 trường hợp. Tổng số tiền bồi thường hỗ trợ đã phê duyệt là hơn 123 tỷ đồng (số tiền đã chi trả là hơn 90 tỷ đồng). Tổng số hộ đã bàn giao mặt bằng là 148/159 trường hợp.
Vướng mắc chính của dự án là hiện còn tồn tại 11 trường hợp chưa bàn giao mặt bằng (nằm toàn bộ phía kè hồ Tây với diện tích đất thu hồi 712,02m2) và bố trí tái định cư cho 9 trường hợp với 12 căn.
“Trên cơ sở hồ sơ và vận dụng đối với các dự án đã được UBND thành phố chấp thuận, UBND quận Tây Hồ đề xuất UBND thành phố cho phép vận dụng chính sách về việc ban hành bổ sung một số cơ chế, chính sách phục vụ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô (đoạn trên địa bàn thành phố Hà Nội) để áp dụng cho các trường hợp tại dự án có nguồn gốc sử dụng đất tương tự”, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ nêu.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đề nghị, UBND quận sớm chuyển hồ sơ để cùng rà soát, đề xuất thành phố xem xét áp dụng chính sách đặc thù cho dự án nâng cấp tuyến đường Xuân Diệu tương tự như đang áp dụng một số dự án trọng điểm của thành phố (dự án Vành đai 3, Vành đai 4…). Các chính sách này sẽ giải quyết được phần vướng mắc do nguồn gốc sử dụng đất của các hộ dân tại đây.
Trong quá trình kiểm tra tiến độ thi công, làm việc với các đơn vị chức năng tại công trường các nút giao Lạc Long Quân - Âu cơ, Âu Cơ - Xuân Diệu, Xuân Diệu - Đặng Thai Mai và khu vực nút giao với đường Yên Phụ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn chỉ đạo liên ngành gồm Sở Giao thông Vận tải, Công an thành phố Hà Nội, UBND quận Tây Hồ… tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ Ban Quản lý dự án trong công tác phân luồng tổ chức giao thông phục vụ thi công dự án.
Trước tiến độ thi công của nhà thầu tuyến cáp ngầm 110kV đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ hoàn thành dự án trước 30-6 tới, Phó Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo Tổng công ty Điện lực Hà Nội đôn đốc Ban Quản lý dự án phát triển điện lực Hà Nội, nhà thầu thi công tuyến cáp ngầm 110kV Tây Hồ - Yên Phụ huy động thêm thiết bị, nhân công, tổ chức nhiều mũi thi công đẩy nhanh tiến độ để bàn giao mặt bằng cho dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên trước 15-3 tới.
Với ý nghĩa là những dự án giao thông huyết mạch, giúp hạn chế ùn tắc giao thông cho Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các sở, ngành, đơn vị phối hợp chặt chẽ, nhanh chóng giải quyết các bất cập, vướng mắc phát sinh, tuyệt đối không để ảnh hưởng đến tiến độ thi công.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.