Theo dõi Báo Hànộimới trên

Từ ý thức đến hành động

Thanh Mai| 26/01/2011 07:48

(HNM) - Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có nguồn tài nguyên năng lượng sơ cấp (than, dầu, khí ga) đa dạng, nhưng do khai thác và sử dụng không hiệu quả, nên nguồn năng lượng này ngày càng cạn kiệt. Vì vậy, sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả cần phải trở thành ý thức của cả cộng đồng.


Bắt đầu từ ý thức


Sản xuất tại Công ty Cơ khí Tân Định (Tổng Công ty Vật liệu xây dựng số 1 - Bộ Xây dựng) - một trong những đơn vị thực hiện tốt việc tiết kiệm điện. Ảnh: Ngọc Hà


Theo đánh giá của Bộ Công thương, hơn 90% doanh nghiệp (DN) ở Việt Nam là các DN nhỏ và vừa, tập trung kinh doanh, sản xuất ở các lĩnh vực xi măng, sắt thép, gốm sứ, đông lạnh, hàng tiêu dùng… có tiềm năng tiết kiệm năng lượng (TKNL) đến 20%; trong các ngành xây dựng dân dụng và giao thông vận tải, con số này có thể lên tới 30%. Hệ thống thiết bị, đường dây truyền tải ở một số khu vực đã quá cũ, chưa được cải tạo, nâng cấp cũng là nguyên nhân lãng phí và giảm hiệu quả sử dụng năng lượng, vì thế cải thiện được hệ thống này cũng sẽ giúp tiết kiệm điện (TKĐ)... Nhưng, ở nước ta, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả chưa được đặt ra đúng tầm, hệ thống quy phạm pháp luật về lĩnh vực này cũng chưa đủ. Bộ Công thương cho biết, sau 5 năm thực hiện chương trình TKĐ theo Chỉ thị 19/2005/CT-TTg và Quyết định 79/2006/QĐ-TTg về chương trình TKNL với sự tham gia tích cực của các đơn vị, tập đoàn, tổng công ty, tổ chức xã hội và nhất là ý thức của người dân trong việc TKĐ, cả nước đã tiết kiệm được hơn 3% năng lượng sử dụng. Riêng năm 2010 đã tiết kiệm được hơn 1% lượng điện tiêu thụ. Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu không có giải pháp trong việc tìm, khai thác các nguồn năng lượng mới, có khả năng Việt Nam phải nhập khẩu năng lượng như than đá, dầu, khí ga…

Để góp phần giải quyết vấn đề mất cân đối cung cầu về năng lượng, trên cơ sở chỉ thị của Thủ tướng, Bộ Công thương đang có dự thảo về TKNL, chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm hướng tới mục tiêu đến năm 2015 tiết kiệm được 8-10% năng lượng sử dụng; giảm khoảng 20% cường độ sử dụng năng lượng. Trong năm 2011, Bộ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý trong lĩnh vực TKNL; trong đó có việc xây dựng, ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn thực thi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, các tiêu chuẩn, quy chuẩn và văn bản hướng dẫn với các nhóm khách hàng công nghiệp trọng điểm, tòa nhà thương mại, trang thiết bị sử dụng năng lượng..., xây dựng và áp dụng giá năng lượng phù hợp để thúc đẩy các hoạt động TKNL. Cùng với việc đề nghị điều chỉnh Chỉ thị 19 đã được ban hành từ năm 2005 cho phù hợp với tình hình hiện nay, Bộ Công thương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ chủ động xây dựng kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, gắn với chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bên cạnh đó, các tập đoàn kinh tế cũng cần chủ động, tích cực triển khai các chương trình TKĐ nhằm giảm suất tiêu hao trên đơn vị sản phẩm, đặc biệt chú trọng đối với một số lĩnh vực tiêu thụ nhiều năng lượng như thép, xi măng, khai thác khoáng sản, đóng tàu, hóa chất... Riêng Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần tiếp tục đóng vai trò chủ động phối hợp với các địa phương để triển khai có hiệu quả các hoạt động TKNL; triển khai tiếp các chương trình quảng bá sử dụng đèn compact, giàn đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời và các sản phẩm được dán nhãn TKNL.

Thực hiện đồng bộ các biện pháp tiết kiệm điện

Hà Nội được coi là địa phương tiên phong trong việc đẩy mạnh tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Tiến Long cho biết, để góp phần giảm thiếu điện, ngoài việc thực hiện Quyết định 80/2006/QĐ-TTg và Chỉ thị 19/2005/CT-TTg về TKĐ trong sản xuất và tiêu dùng của Thủ tướng Chính phủ, Sở còn tập trung vào 3 mục tiêu, đó là đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ DN thực hiện TKĐ; tuyên truyền TKĐ, đẩy mạnh cuộc vận động các hộ TKĐ trên địa bàn; tiếp tục chương trình quản lý nhu cầu sử dụng điện, TKĐ trong các cơ quan hành chính, đơn vị công lập…

Để thực hiện tốt các mục tiêu trên, Sở Công thương Hà Nội đề nghị Bộ Công thương phối hợp với các ngành có liên quan sớm trình cấp thẩm quyền ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn, thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trong đó có chế tài xử phạt các đơn vị không thực hiện TKĐ; tăng cường hỗ trợ cho thành phố triển khai phong trào cuộc vận động "Hộ gia đình TKĐ", TKĐ trong các cơ quan nhà nước…; tiếp tục hỗ trợ cho thành phố nâng cao nguồn lực tổ chức, triển khai việc thực hiện TKĐ từ cơ sở tiêu thụ điện; bảo đảm cấp đủ điện cho thành phố để phục vụ phát triển KT-XH và các sự kiện quan trọng diễn ra trên địa bàn Thủ đô. Trong bối cảnh thiếu điện hiện nay, việc thành lập Hội Khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của Việt Nam là hết sức cần thiết. Tổ chức này sẽ cùng các Bộ Công thương; Khoa học và Công nghệ tập hợp, liên kết các tổ chức, cá nhân các nhà khoa học - công nghệ trong, ngoài nước trong việc ứng dụng kinh nghiệm quản lý năng lượng tiên tiến, ứng dụng các giải pháp khoa học - công nghệ, thúc đẩy chuyển giao công nghệ hiệu quả năng lượng, cũng như phổ biến kiến thức, nâng cao ý thức sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất cũng như đời sống.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Từ ý thức đến hành động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.