Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tự ý phun thuốc diệt muỗi: Lợi bất cập hại!

Thu Trang| 04/08/2017 07:14

(HNM) - Dịch sốt xuất huyết đang gia tăng và diễn biến phức tạp khiến người dân lo lắng, tìm cách diệt muỗi, phòng bệnh. Nắm bắt tâm lý đó, dịch vụ bán thuốc diệt muỗi và sản phẩm chống muỗi đua nhau mọc lên như nấm.


Nhân viên Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội phun hóa chất diệt muỗi tại xã Dân Hòa (huyện Thanh Oai).


“Cháy hàng” thuốc diệt muỗi

Gõ cụm từ “phun thuốc diệt muỗi” trên Google sẽ thấy xuất hiện hàng chục công ty quảng cáo các loại thuốc nhập từ Anh, Pháp, Mỹ… với đủ loại giá dịch vụ cho các hộ gia đình, công ty, văn phòng, trường học… Trung bình, giá phun thuốc diệt muỗi tại nhà từ khoảng 4 nghìn đồng đến 7 nghìn đồng/m2.

Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới tại các tuyến phố như: Lê Duẩn, Trường Chinh, Đê La Thành, Phương Mai, Minh Khai… có rất nhiều cửa hàng bán thuốc diệt muỗi. Trên phố Đê La Thành, chủ một cửa hàng đã giới thiệu về các loại thuốc phun sử dụng phổ biến hiện nay là Icon, Permethrin 50EC, Fendona 10SC… đều nhập khẩu từ Anh, Pháp, Đức. Người bán hàng cũng không quên khẳng định, các loại thuốc bán ở đây đều nhập ngoại nên bảo đảm an toàn về chất lượng. Loại rẻ nhất là Fendona 10SC giá 15 nghìn đồng/gói, một gói pha được với một lít nước. Còn loại đắt như Permethrin 50EC (nhập khẩu từ Anh) có giá 1,5 triệu đồng/lít. Ngoài tiền mua thuốc, muốn thuê người phun phải thêm chi phí 300.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, do tình trạng “cháy hàng” nên muốn thêm dịch vụ phun thuốc, phải đặt lịch trước từ 3 đến 5 ngày...

Chị Lê Hoài Nam (ở phố Tô Vĩnh Diện, quận Thanh Xuân) cho biết vừa chi gần 2 triệu đồng để thuê một công ty đến phun thuốc diệt muỗi toàn bộ căn nhà 4 tầng của gia đình. Thế nhưng, sau khi phun xong, con gái chị bị dị ứng mẩn đỏ khắp người. Không chỉ vậy, dù công ty khẳng định đợt phun này có hiệu quả diệt muỗi trong vòng 3-4 tháng nhưng mới phun được ít ngày, tầng dưới nhà chị đã thấy xuất hiện rất nhiều muỗi.

Bên cạnh các loại thuốc phun, trên thị trường, các sản phẩm chống muỗi cũng hết sức đa dạng như: Vợt diệt muỗi, đèn bắt muỗi, nhang xua muỗi, kem chống muỗi… Do lo lắng về chất lượng của các loại thuốc phun diệt muỗi trôi nổi ngoài thị trường, nhiều người dân đã tìm mua các loại tinh dầu từ thiên nhiên, an toàn khi sử dụng để xua muỗi.

Chị Nguyễn Thị Hường, nhân viên Công ty TNHH Tinh dầu Đất Việt cho biết, tinh dầu sả chanh có mùi hương tươi mát, đuổi muỗi và đuổi côn trùng rất hiệu quả. Thời điểm hiện tại, tinh dầu sả chanh là mặt hàng bán chạy nhất và mang lại doanh thu chính cho công ty...

Cán bộ Sở Y tế Hà Nội kiểm tra công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại phường Khương Trung (quận Thanh Xuân).

Quan trọng nhất vẫn là diệt lăng quăng, bọ gậy

Nói về việc người dân tự ý mua thuốc về phun hoặc thuê người đến nhà phun thuốc diệt muỗi, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho rằng, điều này có thể “lợi bất cập hại”. Bởi nếu phun không đúng liều lượng, không đúng quy trình sẽ không diệt được muỗi. Hơn nữa, nguy cơ muỗi bị nhờn thuốc, kháng thuốc, người dùng bị dị ứng thuốc phun muỗi do không rõ cách sử dụng hoàn toàn có thể xảy ra. Người dân, nếu có nhu cầu phun thuốc nên đến trạm y tế xã, phường hoặc gọi tới đường dây nóng của Sở Y tế để được tư vấn đầy đủ.

“Hiện thuốc diệt muỗi được ngành Y tế sử dụng là loại tốt, còn máy phun chuyên dụng được nhập từ Đức. Loại thuốc mà đội dập dịch y tế dự phòng phường, xã tới nhà phun sẽ được miễn phí, người dân không phải trả bất cứ một khoản tiền nào. Nếu nơi nào phun chống dịch thu tiền thì không phải lực lượng chống dịch của ngành Y tế”, ông Nguyễn Nhật Cảm nói.


Còn theo bác sĩ Phạm Hùng, Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), việc phun thuốc phải được thực hiện bởi nhân viên y tế để bảo đảm hiệu quả diệt muỗi và an toàn cho cộng đồng. Người dân có thể sử dụng các bình xịt muỗi đã được cấp phép lưu hành trên thị trường để phun diệt ở phạm vi hẹp trong gia đình. Tuy vậy, việc tự phun, xịt, diệt muỗi trong nhà chỉ giúp diệt muỗi tức thì, ít ngày sau muỗi có thể xuất hiện trở lại nếu không loại trừ được các ổ lăng quăng, bọ gậy ở hộ gia đình và khu vực xung quanh.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết thêm, hiện đã xuất hiện các trường hợp giả danh cán bộ của Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Sốt rét - Côn trùng - Ký sinh trùng trung ương đi phun thuốc diệt muỗi và thu tiền. Người dân khi thấy nghi ngờ cần báo ngay cho chính quyền địa phương.

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nêu rõ, khi thực hiện phun thuốc diệt muỗi cần tuân thủ theo các hướng dẫn của ngành Y tế. Cụ thể, dọn nhà cửa gọn trước khi phun thuốc. Thông thường, các loại thuốc diệt muỗi không có mùi hoặc có mùi hắc nhẹ. Vì vậy, để tránh ảnh hưởng tới sức khỏe, người dân nên ra khỏi nhà để nhân viên phun thuốc, sau 30-45 phút có thể vào nhà. Trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh, người già, phụ nữ mang thai nên ở ngoài từ 1-2 tiếng rồi mới vào nhà nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Ngày 3-8, qua Đường dây nóng Báo Hànộimới, chị Trần Thị Ngân, số nhà 33, ngõ 43, phố Đông Tác (phường Trung Tự, quận Đống Đa) cho biết: Sáng 1-8, chị gặp một nhóm người phun thuốc diệt muỗi có trang phục, thiết bị phun thuốc diệt muỗi giống với Đoàn của Trạm Y tế phường nên đã đề nghị họ vào phun thuốc tại nhà mình. Tuy nhiên, nhóm người này yêu cầu mỗi gia đình trả 195.000 đồng. Đáng chú ý, khi phun thuốc cho ngôi nhà 30m2 của gia đình chị Ngân xong, nhóm người này lại "hét" đòi giá 1,2 triệu đồng. Vụ việc cho thấy, người dân cần cảnh giác, tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng, cơ sở y tế để cùng chống dịch sốt xuất huyết đúng cách, hiệu quả.


Kim Vũ

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tự ý phun thuốc diệt muỗi: Lợi bất cập hại!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.