Số ca mắc sốt xuất huyết đang gia tăng tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Đáng lo ngại, chủng vi rút Dengue type 2 (Den-2) đang chiếm ưu thế, làm gia tăng nguy cơ biến chứng nặng, đặc biệt ở những trường hợp tái nhiễm.
Trong khi bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tiêm vắc xin là giải pháp phòng ngừa chủ động quan trọng, cần được triển khai song song với các biện pháp truyền thống như diệt muỗi, loại bỏ bọ gậy và giữ gìn vệ sinh môi trường.
Không thể chủ quan
Theo báo cáo của Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế), từ đầu năm 2025 đến giữa tháng 7, cả nước đã ghi nhận hơn 32.000 ca mắc sốt xuất huyết. Đáng lo ngại, kết quả giám sát dịch tễ cho thấy Việt Nam hiện lưu hành đồng thời cả 4 type vi rút Dengue (Den-1, Den-2, Den-3 và Den-4), trong đó Den-2 đang chiếm ưu thế so với Den-1 - chủng vi rút từng phổ biến trước đây. Đây là type vi rút có khả năng gây biến chứng nặng và thường liên quan đến các đợt bùng phát dịch quy mô lớn. Đặc biệt, những người từng mắc các chủng khác có nguy cơ gặp biến chứng nghiêm trọng khi tái nhiễm Den-2.
Từ đầu năm đến ngày 17-7, tại Hà Nội đã ghi nhận 392 ca mắc sốt xuất huyết, chưa có trường hợp tử vong. Tuy nhiên, số ca bệnh đang có xu hướng gia tăng rõ rệt trong thời gian gần đây. Cụ thể, trong tháng 6-2025, trung bình mỗi tuần chỉ ghi nhận từ 11 - 13 ca, thì sang tháng 7 con số này đã tăng lên 26 - 34 ca/tuần. Theo đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, hiện đã xuất hiện một số ổ dịch, trong đó chỉ số côn trùng (bọ gậy, lăng quăng - nguồn phát sinh muỗi truyền bệnh) tại các điểm giám sát đều ở mức nguy cơ cao. Dự báo, số ca mắc có thể tiếp tục tăng do Hà Nội đang bước vào mùa cao điểm của dịch sốt xuất huyết hằng năm.
Đáng lo ngại, sự chủ quan trong cộng đồng về mức độ nguy hiểm của bệnh vẫn khá phổ biến. PGS.TS Đỗ Duy Cường - Viện trưởng Viện Y học nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết: Nhiều người vẫn cho rằng sốt xuất huyết Dengue chỉ nguy hiểm khi có sốt cao hoặc xuất huyết rõ rệt, từ đó trì hoãn việc kiểm tra, điều trị tại bệnh viện. Trên thực tế, tiểu cầu hạ rất thấp mới xuất huyết. Có những trường hợp không có triệu chứng rõ ràng, đến viện muộn khi đã sốc, suy đa tạng - giai đoạn có thể dẫn đến tử vong. Trong khi đó, nếu được phát hiện và điều trị sớm, bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát và cứu chữa kịp thời.
“Chìa khóa” để ngăn chặn dịch bùng phát
Lý giải về cơ chế tái nhiễm sốt xuất huyết, bác sĩ chuyên khoa I Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết: Sau khi mắc sốt xuất huyết lần đầu, cơ thể sẽ tạo ra kháng thể đặc hiệu với type vi rút đó, đồng thời có miễn dịch chéo tạm thời (khoảng 6 tháng) với các type vi rút Dengue còn lại. Tuy nhiên, nếu tái nhiễm với một type vi rút khác, các kháng thể cũ có thể liên kết với vi rút mới theo cơ chế “tăng cường phụ thuộc kháng thể” (ADE). Thay vì vô hiệu hóa vi rút, các kháng thể này lại giúp vi rút xâm nhập dễ dàng hơn vào các tế bào miễn dịch, làm tăng phản ứng viêm và kích hoạt hiện tượng gọi là “cơn bão cytokine” - quá trình các chất trung gian miễn dịch tấn công ngược lại các tế bào và cơ quan khỏe mạnh. Hệ quả là tình trạng xuất huyết trở nên nghiêm trọng hơn, có thể dẫn đến chảy máu ồ ạt, suy đa cơ quan và nguy cơ tử vong cao. “Tái nhiễm sốt xuất huyết có thể gây bệnh nặng, tỉ lệ tử vong cao gấp nhiều lần so với lần đầu tiên. Nghiên cứu cho thấy, nếu may mắn sống sót sau nhiễm sốt xuất huyết nặng có biến chứng, gần 70% bệnh nhân giảm khả năng lao động, hơn 50% người sống chung với triệu chứng bệnh như đau khớp, đau cơ, suy nhược, yếu tay chân, rụng tóc... đến 2 năm” - bác sĩ Bạch Thị Chính cảnh báo.
Trong bối cảnh đó, việc chủ động tiêm phòng bằng vắc xin là giải pháp được các chuyên gia đánh giá là hiệu quả và lâu dài nhất để kiểm soát dịch bệnh. Từ tháng 9-2024, Việt Nam chính thức triển khai tiêm vắc xin của Takeda (Nhật Bản) đã được Bộ Y tế phê duyệt để phòng sốt xuất huyết. Đây là loại vắc xin sống giảm độc lực, có khả năng bảo vệ trước cả 4 type vi rút Dengue, áp dụng cho người từ 4 tuổi trở lên, bất kể đã từng mắc bệnh hay chưa. Với chỉ hai mũi tiêm cách nhau ba tháng, vắc xin đã được chứng minh có thể giảm trên 80% nguy cơ mắc bệnh và giảm đến 90% nguy cơ nhập viện do sốt xuất huyết.
Các chuyên gia y tế cũng cảnh báo, người dân không nên đợi đến khi dịch bùng phát mới tiêm vắc xin. Sau khi tiêm, cơ thể cần ít nhất hai tuần để bắt đầu tạo kháng thể và chỉ đạt hiệu quả tối đa sau khi tiêm đủ hai mũi. Việc tiêm vắc xin sớm không chỉ bảo vệ bản thân, mà còn góp phần hình thành lá chắn miễn dịch cộng đồng, giúp giảm áp lực lên hệ thống y tế và hạn chế thiệt hại về người và kinh tế do dịch bệnh gây ra.
Trong khi sốt xuất huyết vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, phòng bệnh bằng các biện pháp cụ thể như tiêm vắc xin đúng lịch, diệt muỗi, loại bỏ lăng quăng tại hộ gia đình, giữ vệ sinh môi trường sống, mặc quần áo dài tay và ngủ trong màn kể cả ban ngày là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cộng đồng. Chủ động phòng ngừa từ sớm chính là “chìa khóa” để ngăn chặn những thảm kịch y tế đã từng xảy ra trong quá khứ, như đợt dịch năm 2022 khiến hơn 370.000 người mắc và 140 ca tử vong. Đã đến lúc mỗi người dân cần ý thức rõ hơn vai trò của mình trong cuộc chiến chống lại sốt xuất huyết - một căn bệnh tuy không mới nhưng đầy nguy hiểm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.