Y tế

Tự ý điều trị sốt xuất huyết có thể gánh hậu quả khôn lường

Thu Trang 09/10/2023 - 15:30

Ngay trong tuần đầu của tháng 10-2023, số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội tiếp tục gia tăng với gần 2.600 ca và có thêm 105 ổ dịch, cao nhất từ đầu năm 2023 đến nay.

Các chuyên gia y tế cảnh báo, nhiều ca bệnh trở nặng do xử trí không đúng cách, hoặc bệnh nhân đến cơ sở y tế quá muộn, lúc đó đã có các biểu hiện suy đa tạng hoặc sốc, dẫn đến nguy cơ tử vong cao.

Tỷ lệ bệnh nhân nặng, có dấu hiệu cảnh báo tăng

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần (từ ngày 29-9 đến 6-10), Hà Nội có thêm 2.593 ca mắc sốt xuất huyết tại 29 quận, huyện (tăng 1,5 lần so với tuần đầu tháng 9-2023). Dẫn đầu bệnh nhân ghi nhận trong tuần qua là Phú Xuyên với 231 ca, tiếp đến là Hoàng Mai (162 ca), Đống Đa (150 ca), Hà Đông (149 ca), Thanh Oai (134 ca)…

Như vậy, từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội có 17.974 ca mắc sốt xuất huyết (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022); trong đó có 3 ca tử vong.

benh-nhan-sxh-dieu-tri-tai-bv-bach-mai.jpg
Chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai).

Ngoài ra, tuần qua cũng ghi nhận 105 ổ dịch tại 23 quận, huyện, thị xã; trong đó, quận Hà Đông nhiều nhất với 11 ổ dịch, Đống Đa có 10 ổ dịch, Quốc Oai có 8 ổ dịch…

Tổng số ổ dịch từ đầu năm đến nay là 1.143; hiện còn 264 ổ dịch đang hoạt động tại 28 quận, huyện, thị xã; trong đó có một số ổ dịch diễn biến phức tạp kéo dài như: Xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất có 506 bệnh nhân; xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất có 365 bệnh nhân; thôn Đống, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai có 81 bệnh nhân…

Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại các bệnh viện trên địa bàn Thủ đô cho thấy, bệnh nhân nhập viện do sốt xuất huyết tăng mạnh, trong đó, tỷ lệ bệnh nhân ở thể nặng, có dấu hiệu cảnh báo cũng tăng.

Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), số lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đang điều trị tại đây chiếm 1/3 tổng số bệnh nhân. Mỗi ngày, trung tâm tiếp nhận 30-50 ca sốt xuất huyết đến khám; trong đó, có 15-20 ca nặng có dấu hiệu cảnh báo cần phải nhập viện.

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) nhận định, tình hình dịch sốt xuất huyết đang diễn biến khá phức tạp. Tính đến nay, tại đây đã ghi nhận 6 trường hợp tử vong, đa số là do đến bệnh viện muộn với bệnh cảnh sốc giảm thể tích, rối loạn đông máu và suy đa phủ tạng. Ngoài ra, có một số trường hợp đặc biệt cần theo dõi chặt như: Phụ nữ có thai, người đang mắc các bệnh nền như bệnh tim, phổi, ung thư, chạy thận nhân tạo...

Tương tự, từ tháng 7-2023 đến nay, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa điều trị nội trú khoảng 1.500 bệnh nhân. Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Đình Phúc cho biết, trong số bệnh nhân điều trị nội trú, tỷ lệ bệnh nhân diễn biến trung bình và nặng chiếm 27%. “Nhiều người vẫn có tâm lý chủ quan khi mắc sốt xuất huyết, không chủ động đi khám mà tự chẩn đoán và điều trị tại nhà. Hậu quả là khi đến bệnh viện thì bệnh đã chuyển sang mức độ trung bình và nặng”, bác sĩ Nguyễn Đình Phúc lưu ý.

cham-soc-benh-nhan-mac-sxh-tai-bv-da-khoa-dong-da.jpg
Bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa.

Cũng theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút mang Dengue (với 4 type huyết thanh D1, D2, D3 và D4) có trong muỗi vằn lây truyền từ người này sang người khác qua vết cắn của muỗi. Diễn biến lâm sàng của bệnh trải qua 3 giai đoạn. Cụ thể, từ ngày thứ 1 đến ngày 3 là giai đoạn sốt, ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 là giai đoạn nguy hiểm, từ ngày thứ 7 đến ngày thứ 10 là giai đoạn hồi phục.

“Có 2 cơ chế bệnh sinh có thể dẫn đến nguy hiểm. Thứ nhất, khi vi rút tấn công vào cơ thể sẽ ức chế tủy xương gây hạ tiểu cầu, từ đó sẽ dẫn đến xuất huyết. Thứ hai, vi rút làm tổn thương thành mao mạch, gây tăng tính thấm làm thoát huyết tương ra khỏi lòng mạch gây hậu quả là cô đặc máu. Từ đó, bệnh nhân có thể sốc do giảm thể tích tuần hoàn. Hạ tiểu cầu sau một thời gian thì tiểu cầu sẽ lên, nhưng điều trị sốc giảm thể tích do cô đặc máu rất khó chữa. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong”, PGS.TS Đỗ Duy Cường lý giải.

Điều trị tại nhà cũng cần có hướng dẫn của bác sĩ

Theo nhận định của CDC Hà Nội, thành phố đang bước vào cao điểm dịch sốt xuất huyết. Với điều kiện khí hậu và thời tiết như hiện nay, dự báo tình hình dịch tiếp tục diễn biến phức tạp trong các tuần tới. Đây cũng là điều đáng báo động khi người dân còn có tâm lý chủ quan với căn bệnh nguy hiểm này.

Để tránh những hậu quả đáng tiếc do bệnh sốt xuất huyết gây ra, bác sĩ Nguyễn Đình Phúc lưu ý, khi có tình trạng sốt, đau mỏi người, người dân nên đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, xét nghiệm, tìm rõ nguyên nhân. Nếu mắc sốt xuất huyết ở thể nhẹ có thể điều trị tại nhà nhưng cũng cần có hướng dẫn của cán bộ y tế.

dung-cu-chua-nuoc-co-bo-gay.jpg
Sở Y tế Hà Nội kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn quận Tây Hồ.

“Người dân cần tuân thủ theo hướng dẫn điều trị, tái khám của bác sĩ để có lộ trình chăm sóc sức khỏe tốt nhất. Đối với bệnh sốt xuất huyết, nếu được các bác sĩ chuyên khoa theo dõi, bệnh nhân sẽ an toàn hơn rất nhiều”, bác sĩ Nguyễn Đình Phúc khẳng định.

Cũng theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, với các trường hợp nhẹ hoặc sốt xuất huyết trong những ngày đầu có thể điều trị và theo dõi tại nhà. Người bệnh cần uống đủ nước, dùng thuốc hạ sốt, giảm đau paracetamol, kết hợp với việc nghỉ ngơi, xét nghiệm công thức máu hằng ngày. Ngoài ra, người bệnh cần lưu ý không tự ý truyền dịch và không dùng kháng sinh hay thuốc corticoid.

“Đặc biệt từ ngày thứ 4-5 trở đi sẽ có hiện tượng máu cô đặc nếu không bù đủ dịch. Xét nghiệm công thức máu nếu thấy chỉ số Hematocrite tăng trên 20% so với ban đầu tức là máu bị cô đặc, phải hết sức lưu ý trong vấn đề truyền dịch. Trong trường hợp truyền dịch mà không có hiệu quả thì phải dùng dung dịch cao phân tử để kéo nước vào trong lòng mạch”, PGS.TS Đỗ Duy Cường thông tin.

can-bo-y-te-quan-lbien-huong-dan-nguoi-dan-tim-diet-bo-gay-phong-sxh.jpg
Cán bộ y tế quận Long Biên hướng dẫn người dân tìm diệt bọ gậy.

Các trường hợp nặng có dấu hiệu cảnh báo như: Đau bụng vùng gan, tiểu ít, chảy máu cam, máu lợi, nôn hoặc đi ngoài ra máu, rong kinh, rong huyết ở nữ giới, xét nghiệm công thức máu tiểu cầu giảm nhanh hoặc hematocrit tăng nhanh.

Chính vì vậy, PGS.TS Đỗ Duy Cường cảnh báo, nhiều người chủ quan cứ nghĩ sốt vài ngày sẽ khỏi nên ở nhà, chỉ khi nào thấy xuất huyết mới đi viện. Thực tế là nhiều trường hợp sốt nhưng chưa có biểu hiện xuất huyết nhưng bị cô đặc máu dẫn đến sốc. Lúc này, việc điều trị rất khó khăn, thậm chí dễ tử vong. Do đó, khi có biểu hiện sốt, cần đến các cơ sở y tế để xét nghiệm máu, chẩn đoán xác định bệnh và theo dõi điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa, không tự ý điều trị tại nhà.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tự ý điều trị sốt xuất huyết có thể gánh hậu quả khôn lường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.