Theo dõi Báo Hànộimới trên

Từ “xóa đói” đến “tăng hộ khá”

Bài và ảnh: Đình Hiệp| 10/12/2011 08:17

(HNM) -

Giảm hộ nghèo, tăng hộ khá

Liên tục vài tuần trở lại đây, lãnh đạo TP cùng đại diện Ban chỉ đạo "Chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá" đã làm việc với một số quận, huyện về việc triển khai thực hiện chương trình này. Bí thư Quận ủy quận 9 Phan Nguyễn Như Khuê cho biết, nhờ quán triệt mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2009- 2015 đến các cấp, ngành và đưa vào nghị quyết hằng năm để thực hiện, tỷ lệ hộ nghèo ở quận này đã giảm từ 12,36% năm 2009 xuống còn 5,03%. Để thực hiện tốt mục tiêu của chương trình giai đoạn 3, Quận ủy đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm như: Bổ sung Quỹ xóa đói giảm nghèo 350 triệu đồng, nâng tổng quỹ xóa đói giảm nghèo của quận lên 9,7 tỷ đồng; phấn đấu giúp 900 hộ nâng thu nhập lên 8 triệu đồng/người/năm, 1.000 hộ có thu nhập trên 10-12 triệu đồng/người/năm; giảm hộ nghèo đến cuối năm 2012 còn 2.632 hộ, chiếm tỉ lệ 3,74% tổng số hộ dân.

Chi phí cho dịch vụ y tế vẫn là gánh nặng với người nghèo ở TP Hồ Chí Minh.


Huyện Hóc Môn cũng là địa phương thực hiện tốt "Chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá" với mô hình "một hộ khá giúp một hộ khó" của Hội Nông dân, chương trình dạy nghề miễn phí của Đoàn thanh niên, cấp học bổng, giảm học phí, hỗ trợ cho vay vốn… Nhờ triển khai hiệu quả, chương trình giảm nghèo ngày càng trở thành phong trào hành động rộng rãi, có tính xã hội cao, thu hút nhiều tầng lớp nhân dân tham gia, đến nay đã có hơn 230 nghìn lượt hộ được thoát nghèo.

Ông Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP, cho biết: Chương trình đã đạt được hiệu quả ban đầu bởi TP không thực hiện theo lối mòn mà đã tìm những giải pháp thích ứng trong điều kiện và bối cảnh mới của tình hình kinh tế - xã hội của TP. Nó gợi lên nhiều bài học kinh nghiệm cho chương trình xóa đói giảm nghèo trong 5 năm tới bằng những giải pháp phù hợp và tích cực hơn, theo những mục tiêu, dự án cụ thể để vừa phát triển nhanh về quy mô nhưng vẫn bảo đảm sự vững chắc.

Cần những giải pháp bền vững

Thống kê mới nhất của Văn phòng Ban chỉ đạo "Chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá" TP cho thấy, đến hết tháng 9-2011, tại 24 quận, huyện vẫn còn 96.744 hộ nghèo với 443.054 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 5,3% hộ dân. Đáng nói là có tới 2.629 hộ với 7.571 nhân khẩu thuộc diện đặc biệt khó khăn, mức thu nhập chỉ dưới 1 triệu đồng/người/năm, chủ yếu tập trung ở 2 huyện Hóc Môn và Nhà Bè. TP đặt mục tiêu trong năm 2012 phấn đấu có 10-12 nghìn hộ vượt chuẩn nghèo, hạ tỷ lệ hộ nghèo còn 4,5%; nâng thu nhập cho 15 nghìn hộ dưới 8 triệu đồng/ người/năm lên 8 triệu đồng/ người/năm; nâng thu nhập 20-25 nghìn hộ từ dưới 10 triệu đồng/người/năm lên trên 10 triệu đồng/người/năm…

Ông Trương Văn Lương, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo, cho biết, để đạt những chỉ tiêu trên, Ban chỉ đạo đã đưa ra một loạt giải pháp cụ thể như: Huy động các nguồn vốn cho vay ưu đãi và tín dụng nhỏ trên địa bàn TP cung cấp vốn vay cho hộ nghèo đến cuối năm 2012 đạt 2.800 tỷ đồng; tiếp tục công tác tư vấn, hướng nghiệp, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người nghèo, hộ nghèo, trong đó sẽ đào tạo nghề cho 1.200-1.500 lao động, giải quyết việc làm trong nước cho 10 nghìn lao động; đồng thời khảo sát nhu cầu hộ cận nghèo có thu nhập 12-16 triệu đồng/người/ năm để xây dựng, phát triển các loại hình kinh tế hợp tác, DN nhỏ và vừa, phát triển kinh tế hộ gia đình nhằm bảo đảm giảm nghèo bền vững, không để tái nghèo.

Để thực hiện mục tiêu trên, ngoài việc tập trung nâng mức thu nhập cho các hộ nghèo, TP còn miễn 100% hoặc 50% học phí và tiền cơ sở vật chất đối với học sinh con em hộ nghèo; giảm ít nhất 50% các khoản đóng góp khác cho nhà trường; mua bảo hiểm y tế bắt buộc cho thành viên hộ nghèo có mức thu nhập dưới 8 triệu đồng/người/năm và đối tượng bảo trợ xã hội. Ngoài ra, TP sẽ miễn thuế 2 năm đầu và giảm 50% cho năm tiếp theo đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ nghèo; kiến nghị trung ương miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp kể từ năm 2010...

Sự quyết tâm, đồng thuận của các cấp, ngành sẽ là "chìa khóa" để TP Hồ Chí Minh thực hiện thắng lợi "Chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá", sớm đạt mục tiêu giảm tỉ lệ hộ nghèo từ 8,4% (năm 2009) còn khoảng 1% vào năm 2015.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từ “xóa đói” đến “tăng hộ khá”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.