Theo dõi Báo Hànộimới trên

Từ vụ tai nạn ở Bình Thuận: Vì sao xe khách giường nằm dễ cháy?

Theo Phạm Minh/VOV| 30/05/2016 08:25

Từ vụ tai nạn ở Bình Thuận có thể thấy xe khách giường nằm dễ cháy có rất nhiều nguyên nhân.


Những ý kiến không đồng ý việc tồn tại của xe giường nằm cho rằng, chủng loại xe này không an toàn như xe khách, chỉ có ghế ngồi thông thường, do trọng tâm xe cao, hành khách khi nằm sẽ bị động hơn tư thế ngồi khi xe va chạm khiến mức độ va đập lớn hơn.

Ngoài ra, còn có quan điểm cho rằng, khi xe giường nằm gặp nạn thường có số thương vong rất cao, nên rất nhiều nước trên thế giới như Thái Lan, Trung Quốc, châu Âu... đã loại chủng loại phương tiện này ra khỏi danh mục phương tiện vận tải hành khách.

Trao đổi với Xe Giao thông, người đứng đầu một doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách, hiện đang sử dụng nhiều xe giường nằm cho rằng, chủng loại xe này không thể an toàn như xe chỉ trang bị ghế ngồi và xe ở Việt Nam không có Quy định về Cửa thoát hiểm nên rất nguy hiểm cho hành khách khi xe gặp tai nạn.

Bên cạnh đó, vị này cũng cho hay, trên các đường quốc lộ không có các dãy phân cách cũng là nguyên nhân chính dễ làm cho các lái xe gây tai nạn. Bởi vậy, dù đang khai thác rất nhiều xe giường nằm, nhưng doanh nghiệp vẫn ủng hộ việc loại bỏ chủng loại xe này tồn tại ở Việt Nam.

Một số người lại lập luận, xe giường nằm thường chỉ phù hợp với mô hình giao thông lại một số nước phát triển, với những trục đường lớn và bằng phẳng. Còn trong điều kiện đường nhỏ và cong như ở ta, những chiếc xe này thường dễ rung lắc và khó điều khiển khi vào đường cua, đường xấu, đèo dốc bởi có trọng tâm nằm khá cao so với mặt đường.

Thiết kế xe có vấn đề

Cả tuần nay, trên các diễn đàn mạng xã hội sôi nổi tranh luận về nguyên nhân gây ra vụ cháy xe khách giường nằm ở Bình Thuận khiến 12 người chết. Nhiều ý kiến đã phần nào lý giải nguyên nhân.

Vụ cháy xe ở Bình Thuận không phải là hy hữu bởi trước đó không lâu, trong các ngày 14/4 và 23/4, đã xảy ra 2 vụ cháy xe khách giường nằm tại Vũng Tàu và Kon Tum. Câu hỏi đặt ra là tại sao xe khách giường nằm lại dễ cháy đến thế?

Theo nhiều ý kiến của thành viên diễn đàn Otofun.net thì sự thay đổi trong thiết kế vị trí bình dầu trên xe giường nằm so với xe khách ghế ngồi chính là nguyên nhân của các vụ cháy nổ.

Khác với xe khách ghế ngồi có vị trí bình dầu nằm giữa thân xe, xe giường nằm thiết kế vị trí bình dầu nằm ngay dưới ghế tài xế, dưới hệ thống dây dẫn và bảng điện của xe. Đây là vị trí khá nguy hiểm khi xảy ra tai nạn đâm trực diện bởi vị trí lái xe luôn là vị trí chịu thiệt hại nặng nhất trọng mọi vụ tai nạn. Sức ép từ vụ va chạm đã gây vỡ bình dầu cộng với tia lửa do va chạm và nhiệt độ cao ngoài trời dễ gây ra vụ cháy kinh hoàng.

Một nguyên nhân nữa cũng dễ gây ra cháy là vị trí bình dầu nằm ngay dưới hệ thống điện của xe, mọi sự cố về điện cũng có thể là nguyên nhân khởi nguồn cho vụ cháy. Tuy dầu diesel là loại nhiên liệu khó bắt lửa, nhưng dưới điều kiện thời tiết nắng nóng tại các tỉnh phía Nam cộng với mồi lửa từ vụ chập điện, hỏa hoạn vẫn sẽ dễ dàng xảy ra.

Bàn thêm về thiết kế xe, cộng đồng mạng cho rằng, chính các vật liệu dễ cháy trên xe khách giường nằm như xốp cách nhiệt, đệm mút, chăn, gối mới là “kẻ tiếp tay” cho vụ cháy mau chóng lan rộng ra toàn xe. Khác với xe khách ghế ngồi thường có thiết kế thoáng rộng, xe khách giường nằm có hệ thống giường đệm san sát nên khả năng cháy lan rất cao. Do thiết kế đặc thù, hầu hết các xe giường nằm chỉ có 1 cửa lên xuống khiến cho việc thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn thêm khó khăn. Đây chính là nguyên nhân gây ra thiệt hại lớn về người trong vụ cháy vừa qua.

Một điểm lỗi quan trọng trong thiết kế xe giường nằm là không có thiết bị cắt dây đai an toàn cho khách khi xảy ra tai nạn và cháy nổ. Chúng ta thường ít khi thấy hành khách đi xe ghế ngồi thắt dây đai an toàn, nhưng trên xe giường nằm lại khác. Để chống rung lắc khi xe chạy, nhiều khách đi xe thường thắt dây an toàn khi ngủ, đồng thời cũng đề phòng khi xảy ra tai nạn. Tuy nhiên, đây lại là nguyên nhân khiến khách trên xe không thể thoát thân khi xảy ra cháy. Khi xảy ra va chạm, vỏ xe bị xô đi khiến dây đai an toàn bị kẹt không thể mở bằng khóa. Không thể cắt dây an toàn, khách trên xe mau chóng bị ngạt và ngất đi trước khi ngọn lửa kịp lan tới. Thực tế hiện trường trong vụ tai nạn vừa qua tại Bình Thuận đã cho thấy điều đó.

Nguyên nhân từ tài xế

Đa số xe khách giường nằm ở Việt Nam thường chạy vào đêm với những cự ly xa từ trên 300km trở lên để giúp hành khách tiết kiệm thời gian. Một xe giường nằm thường có 2 lái xe để thay ca, cứ người này ngủ thì người kia lái. Do đặc thù giường nằm nên khi xe chạy, hầu như hành khách trên xe đều ngủ, tài xế trở thành người duy nhất thức trong suốt hành trình.

Thời gian khi trời gần sáng sẽ là lúc nguy cơ ngủ gật đối với lái xe cao nhất. Nếu là trên xe khách ghế ngồi, chắc chắn sẽ có người nhắc nhở kịp thời khi thấy lái xe có biểu hiện ngủ gật. Còn trên xe giường nằm, mọi người sẽ chẳng biết gì cho tới khi tai nạn xảy ra.

Nhiều ý kiến từ cộng đồng mạng mong muốn các nhà xe nên lắp thêm thiết bị giám sát giờ lái của tài xế, tránh tình trạng lái xe trong tình trạng quá sức và mỏi mệt, rất dễ gây ra tai nạn. Đây cũng chính là điều mà khách đi xe quan tâm nhất bởi khi bước chân lên xe, tính mạng của hơn 40 con người sẽ nằm trong tay tài xế và mọi vụ tai nạn dù lớn hay nhỏ, nguyên nhân cũng không nằm ngoài khả năng điều khiển của người cầm lái./.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Từ vụ tai nạn ở Bình Thuận: Vì sao xe khách giường nằm dễ cháy?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.