Điểm đến

Tu viện Tsz Shan - chốn thiền tịnh giữa núi rừng

Bài và ảnh: Trần Ngọc Nga 25/11/2024 - 06:24

Nhiều người nghĩ rằng, Hong Kong (Trung Quốc) chẳng có gì ngoài nhà cửa cao tầng san sát và các trung tâm mua sắm hiện đại.

Nhưng giữa những tòa cao ốc chọc trời, giữa những ồn ào sầm uất, Hong Kong vẫn có rất nhiều ngôi chùa, thiền viện tĩnh lặng mang lại cảm giác bình an, thư thái. Một trong số đó là tu viện Tsz Shan, tọa lạc tại khu Tuệ Sơn (quận Đài Phổ, Hong Kong).

hongkong.jpg
Tu viện Tsz Shan mang lối kến trúc của thời nhà Đường.

Quá trình xây dựng

Tu viện Tsz Shan (hay Từ Sơn tự) là tu viện Phật giáo mang lối kiến trúc của thời nhà Đường kết hợp với các triều đại Bắc Tống, Liêu và Kim do tỷ phú Lý Gia Thành bảo trợ. Lý Gia Thành là tỷ phú giàu nhất Hong Kong với khối tài sản khoảng 37 tỷ USD.

Ngay từ khi còn trẻ, tỷ phú Lý Gia Thành đã chịu ảnh hưởng và gắn bó mật thiết với Phật giáo. Với tinh thần giác ngộ và mong muốn tạo ra một nơi để tu thiền, ông đã cho xây dựng tu viện Tsz Shan như một học viện Phật giáo.

Việc xây dựng tu viện do quỹ Lý Gia Thành tài trợ, bắt đầu vào năm 2003 và được hoàn thành hơn mười năm sau đó. Đến nay, quỹ đã đóng góp hơn 3,3 tỷ đô la Hong Kong để mua đất, xây dựng cũng như trang trải cho các chi phí hoạt động của Tsz Shan. Tu viện này bắt đầu mở cửa cho du khách từ tháng 4-2015.

Quần thể Tsz Shan có diện tích hơn 5.000m2 với tổng kinh phí xây dựng gần 200 triệu USD. Nơi đây có bức tượng Phật Bà Quan Âm được xem là cao thứ hai thế giới hiện nay với chiều cao 76m.

Tu viện Tsz Shan tách biệt với cuộc sống phồn hoa đô hội, nằm tựa lưng vào núi, giữa khoảng rừng xanh mướt và nhìn thẳng ra biển. Đặc biệt, Tsz Shan sử dụng tối đa các yếu tố thiên nhiên trong kiến trúc. Rất nhiều loại cây cối, hoa cỏ bản địa và có nguồn gốc từ nước ngoài được cắt tỉa công phu, quy hoạch gọn gàng ở tu viện. Gỗ padauk màu sẫm, đá granit trắng, đá cẩm thạch và đồng là những vật liệu chính xây dựng nên tu viện. Các tòa nhà hòa quyện và thống nhất với thiên nhiên, tạo ra một không gian lý tưởng để thiền định.

Đặc biệt, ở tu viện Tsz Shan không dùng hương, rượu, thịt và vật phẩm khác để cúng bái mà chỉ dùng nước. Du khách múc nước từ những bể được xây sẵn, đổ vào bát rồi dâng lên các vị Phật để tỏ lòng thành kính.

Kiến trúc độc đáo

Mỗi ngày, tu viện Tsz Shan chỉ cho phép 400 người vào tham quan, vì vậy, du khách phải đăng ký trước. Từ cổng chính, du khách sẽ tới điện Di Lặc và Đại Phật điện nằm trên trục trung tâm của tu viện. Ở hai bên điện Di Lặc là tháp Trống và tháp Chuông. Thư viện nằm ở phía tây của sảnh chính, tiếp đó là một Phật điện lớn. Ở trung tâm có một bức tượng Quan Âm sáu tay. Các bức tường ở hai bên chạm khắc thư pháp ghi những lời nguyện của Phổ Hiền Bồ tát và Quan Âm Bồ tát cứu độ chúng sinh. Bên ngoài là một hồ nước đường kính 8m hình dạng hai vòng tròn đồng tâm, nhìn xa trông như một tấm gương phản chiếu.

Điểm nhấn của tu viện Tsz Shan là tượng Quan Âm Bồ tát được đúc bằng đồng, đài sen ba tầng được xây trên nền đá granit cao 6m. Bức tượng được phủ một lớp sơn màu trắng và được mô phỏng theo các tác phẩm điêu khắc thời nhà Tống. Trên búi tóc của Quan Âm Bồ tát có tượng Phật A Di Đà nhỏ. Tay phải của Bồ tát cầm một viên ngọc mani trí tuệ, còn tay trái cầm một chiếc bình. Tương truyền, nước tinh khiết từ chiếc bình có thể tẩy rửa những điều xấu xa của hồng trần.

Dưới chân của tượng Quan Âm Bồ tát là Con đường Từ bi, hai bên đường trồng 18 cây thông, ở giữa có một vạc nước lớn bằng đồng được gọi là “ao Ngàn ước”, nơi khách du lịch dâng nước cúng dường Quan Âm Bồ tát.

Ngay dưới chân tượng Quan Âm là bảo tàng trưng bày hơn 100 bức tượng Phật liên quan tới lịch sử phát triển Phật giáo tại châu Á. Phật giáo bắt nguồn từ Ấn Độ, do đức Phật Thích Ca Mâu Ni sáng lập vào thế kỷ VI trước Công nguyên. Thông qua con đường tơ lụa và các tuyến đường hàng hải, Phật giáo đã được truyền bá tới Trung Quốc, Nepal, Tây Tạng, Myanmar, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Các tác phẩm nghệ thuật trải dài từ Gandhara tới Đôn Hoàng, Myanmar tại bảo tàng đã mang đến cho người xem cái nhìn sơ lược về các giai đoạn lịch sử. Các tác phẩm điêu khắc tinh xảo, màu sắc được giữ nguyên vẹn làm nổi bật vẻ đẹp và sự sang trọng của nghệ thuật Phật giáo châu Á.

Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni cổ kính đứng tại bảo tàng có khuôn mặt trái xoan, mái tóc gợn sóng và một sợi dây mảnh buộc quanh búi tóc. Đây là hiện vật cổ, điển hình của khuôn mặt đức Phật mang phong cách Hy Lạp - La Mã mạnh mẽ như chiếc mũi cao thẳng, lông mày tương đối thấp, đôi mắt to sáng hơi cụp xuống. Đức Phật mặc một áo choàng dày với các nếp gấp đặc trưng của Hy Lạp. Với kích thước tương đương người thật, hình dáng cơ thể cân đối, biểu cảm sống động và các chi tiết chân thực, bức tượng đã trở thành một kiệt tác cuối triều đại Quý Sương (tức Đế quốc Kushan, tồn tại vào khoảng thế kỷ I - III). Tỷ phú Lý Gia Thành đã cho xây dựng bảo tàng kết hợp cả hiện vật cổ và hiện đại với mong muốn kể lại câu chuyện về Phật giáo và cách tồn tại của nó trong suốt tiến trình lịch sử.

Với không gian rộng lớn, nằm giữa núi đồi, tách biệt khỏi thế giới xô bồ và ồn ào, tu viện Tsz Shan là nơi bạn có thể cảm nhận được sự thư thái trong từng bước chân. Tsz Shan xứng đáng là một điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi tới Hong Kong.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tu viện Tsz Shan - chốn thiền tịnh giữa núi rừng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.