Tài chính

Tư vấn cho hợp tác xã còn bỏ ngỏ

Bạch Thanh 21/07/2023 - 07:43

Trong quá trình hoạt động, kinh doanh, các hợp tác xã có nhiều khúc mắc cần tư vấn, hỗ trợ. Tuy nhiên, với không ít hợp tác xã của thành phố Hà Nội, việc tiếp cận đơn vị tư vấn vẫn gặp nhiều khó khăn. Việc này khiến đây là khâu còn bỏ ngỏ trong quá trình phát triển các hợp tác xã hiện nay của thành phố...

khach-hang-chon-mua-san-pha.jpg
Khách hàng chọn mua sản phẩm gạo thơm Bối Khê của Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng (huyện Thanh Oai). Ảnh: Đỗ Tâm

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng (huyện Thanh Oai) Đỗ Văn Kiên cho biết, chất lượng gạo thơm Bối Khê của hợp tác xã được nhiều doanh nghiệp tiêu thụ. Từ năm 2017, sản phẩm gạo thơm Bối Khê được Tổng hội NN&PTNT Việt Nam chứng nhận Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam. Trong đó, 2 sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng và Bắc thơm số 7 đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao của thành phố Hà Nội vào các năm 2019, 2022.

Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng cũng đã khẳng định được vị thế, tiếp tục phát triển chuỗi lúa gạo theo hướng bền vững, phát huy lợi thế vùng trồng lúa chất lượng cao trọng điểm của thành phố Hà Nội nhưng khi đưa sản phẩm tham gia xuất khẩu, cụ thể là xuất khẩu sang Nhật Bản thì hợp tác xã còn lúng túng...

Tương tự, ông Phan Huy Chiến, đại diện Hợp tác xã Nông nghiệp Đông La (huyện Hoài Đức) cho biết, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2-2-2018 của Chính phủ quy định các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ không phải cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Vậy, với quy mô sản xuất theo mô hình hợp tác xã thì việc truy xuất nguồn gốc, xin giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm có cần thiết không?

Hay như băn khoăn của Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Minh Quang (huyện Ba Vì) Ngô Văn Thắng: Hợp tác xã rất muốn xây dựng vùng rau an toàn chất lượng cao có sự liên kết với doanh nghiệp trong bao tiêu sản phẩm, kiểm soát chất lượng... nhưng nhiều năm qua, việc tìm đơn vị giới thiệu, tư vấn, kết nối vấn đề này luôn là việc khó...

Có thể thấy, trong quá trình sản xuất, kinh doanh, các hợp tác xã gặp rất nhiều khúc mắc cần hỗ trợ, tư vấn như trồng cây gì, nuôi con gì cho phù hợp, quy trình chứng nhận ra sao, kinh doanh thế nào thì hiệu quả; vấn đề marketing, chuyển đổi số bắt đầu từ đâu, quy định xuất khẩu như thế nào…

Theo lãnh đạo nhiều hợp tác xã, hợp tác xã không dễ dàng tiếp cận được với các doanh nghiệp, đơn vị, trung tâm tư vấn. Nguyên nhân một phần do nguồn kinh phí của hợp tác xã hạn hẹp; một phần do dịch vụ, trung tâm, cơ sở tư vấn chưa thực sự phổ biến. Để tiếp cận hoặc giải đáp khó khăn, phần lớn hợp tác xã phải trực tiếp gặp cơ quan quản lý, liên hệ với các trường, viện hoặc tự tìm hiểu trên internet... nên có thể thông tin và cách giải quyết vấn đề chưa triệt để…

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Minh Quang (huyện Ba Vì) Nguyễn Tiến Tha chia sẻ: Hiện, đối với nhiều hợp tác xã nông nghiệp, thành viên và giám đốc chủ yếu xuất thân từ nông dân hoặc không có chuyên môn về kinh doanh xuất khẩu nên việc ứng dụng khoa học công nghệ, mở rộng thị trường, tiếp cận điều mới còn khó khăn. Nếu có sự đồng hành của các đơn vị tư vấn thì những khó khăn nêu trên sẽ được tháo gỡ...

Không chỉ hợp tác xã gặp khó trong tiếp cận tư vấn mà ngay cả các doanh nghiệp muốn tìm kiếm hợp tác xã để kết nối cũng không dễ dàng. Theo bà Nguyễn Thu Liên (Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch - AFT), đã có doanh nghiệp muốn tìm kiếm các hợp tác xã để thực hiện ký kết hợp đồng và họ tìm kiếm cả trên internet vẫn khó khăn. Bà Liên cho rằng, có thể doanh nghiệp chưa tiếp cận đúng địa chỉ tư vấn, cơ quan chủ quản của khu vực kinh tế tập thể. Qua đó cho thấy, nhu cầu doanh nghiệp nắm bắt thông tin, tìm hiểu hoạt động của hợp tác xã là có song hai bên chưa "đến" được với nhau.

Theo Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Hà Nội Nguyễn Tiến Phong, với đa số nông dân, thành viên hợp tác xã, việc tư vấn hỗ trợ không thể dừng ở trao đổi qua điện thoại, qua công nghệ gửi văn bản hướng dẫn mà cần đến tận nơi để khảo sát, nghiên cứu, thậm chí "cầm tay chỉ việc", dẫn chứng thực tế thì mới đạt hiệu quả như mong muốn.

"Trong bối cảnh kinh phí cho lĩnh vực này còn hạn chế, để tư vấn, hỗ trợ hợp tác xã hiệu quả hơn, Liên minh Hợp tác xã Hà Nội trở thành trung tâm kết nối, cùng doanh nghiệp, chuyên gia hỗ trợ hợp tác xã thì rất mong thành phố có chính sách ưu tiên nguồn lực cho khu vực này", ông Phong kiến nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tư vấn cho hợp tác xã còn bỏ ngỏ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.