(HNM) - Xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, nước ta là nước bị thực dân Pháp đô hộ cùng sự tồn tại song hành của chế độ phong kiến. Cuộc sống của nhân dân vô cùng cơ cực “kiếp người cơm vãi, cơm rơi, biết đâu nẻo đất phương trời mà đi” (Tố Hữu). Trong hoàn cảnh đó, các phong trào yêu nước, các cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta đã bùng nổ ở khắp ba miền Bắc, Trung, Nam. Nhiều cuộc khởi nghĩa do các chí sĩ giàu lòng yêu nước, có uy tín lớn trong xã hội lãnh đạo, nhưng đều thất bại.
Tuổi thơ được tắm mình trong môi trường giàu lòng yêu nước, thương nòi của gia đình và quê hương, Nguyễn Tất Thành đã thấu hiểu nỗi bần hàn, cơ cực ấy của người dân mất nước luôn trăn trở nghĩ suy để tìm một con đường cứu nước đúng đắn hơn. Và hành trang của Người trong quá trình bôn ba chỉ có trái tim vì dân, vì nước và đôi bàn tay lao động.
Những năm tháng không quản ngại gian lao, người thanh niên yêu nước đã lăn lộn thực tiễn, dày công học tập, nghiên cứu. Đó cũng chính là con đường từ Nguyễn Tất Thành đến Nguyễn Ái Quốc. Con đường này là một quá trình biến đổi trong tư duy chính trị của một lãnh tụ tương lai. Những năm tháng dài bôn ba, gian khổ ấy đã đưa một con người yêu nước chân chính Việt Nam đến với học thuyết cách mạng và khoa học của thời đại. Từ đây, Người tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, dồn tâm trí vận động tuyên truyền, huấn luyện, đào tạo cán bộ, chuẩn bị các điều kiện cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Lịch sử chính trị Việt Nam không thể không ghi nhận Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là người tạo bước chuyển đổi về chất trong lịch sử chính trị Việt Nam ở đầu thế kỷ XX với sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Với đôi bàn tay lao động không biết mệt mỏi qua nhiều nghề, với tâm trí cứu nước, cứu dân, Người đã hòa mình cùng giới cần lao của nhiều dân tộc, màu da để sống, tìm hiểu, khám phá, học tập, nghiên cứu. Thực tiễn sống động của giới cần lao thế giới giúp Người nhận ra rằng những người lao động ở đâu cũng là bạn, thực dân đế quốc ở đâu cũng là kẻ thù. Tư tưởng đoàn kết quốc tế được hình thành từ thực tiễn đó và hành trình trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Tuy thấy được tinh thần cách mạng Pháp, nhưng Người không thể đi theo con đường của họ.
Danh xưng Nguyễn Ái Quốc bắt đầu từ “Yêu sách của nhân dân An Nam” gửi Hội nghị Véc-xây vào tháng 6-1919, với yêu cầu các nước thắng trận trong thế chiến I, trong đó có Pháp, hãy tôn trọng quyền tự do, bình đẳng của nhân dân Việt Nam. Năm 1920, Nguyễn Ái Quốc tiếp cận Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin. Nguyễn Ái Quốc đã tin và đi theo khi biết Lênin coi phong trào giải phóng dân tộc là một phạm trù của phong trào cách mạng vô sản. Nguyễn Ái Quốc đã đến với Lênin như một cuộc “gặp gỡ lịch sử” giữa chủ nghĩa yêu nước chân chính Việt Nam với học thuyết cách mạng và khoa học của thời đại.
Tháng 12-1920, Người tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp với lý do Đảng này bênh vực nhân dân các nước thuộc địa. Năm 1921, Người cùng một số nhà yêu nước của các thuộc địa Pháp lập ra Hội Liên hiệp Thuộc địa nhằm tập hợp các dân tộc bị áp bức đứng lên chống chủ nghĩa đế quốc. Năm 1922, Người cùng một số nhà cách mạng thuộc địa lập ra báo Le Paria (Người cùng khổ) và làm chủ nhiệm kiêm chủ bút, nhằm tố cáo chính sách đàn áp, bóc lột của chế độ thực dân. Tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” bằng tiếng Pháp (Procès de la colonisation francaise) do Nguyễn Ái Quốc viết được xuất bản năm 1925, đã tố cáo chính sách thực dân tàn bạo của Pháp và đề cập đến phong trào đấu tranh của các dân tộc thuộc địa.
Năm 1923, Nguyễn Ái Quốc đến Mátxcơva học tại Trường Đại học Phương Đông. Tại đây Người đã dự Hội nghị lần thứ nhất Quốc tế Nông dân 10-1923), được bầu vào Ban Chấp hành và Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân. Đại hội lần thứ 5 Đệ Tam Quốc tế (năm 1924), Người được cử làm Ủy viên Ban Phương Đông, phụ trách Cục Phương Nam.
Từ hoạt động thực tiễn và nghiên cứu chủ nghĩa Lênin, Người đã khẳng định một quan điểm cách mạng là “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”(1#). Đồng thời, Người cho rằng, cách mạng giải phóng dân tộc là một bộ phận khăng khít của cách mạng vô sản thế giới. Kẻ thù của giai cấp vô sản của “chính quốc” cũng là kẻ thù của các dân tộc thuộc địa. Người còn nói cách mạng vô sản ở “chính quốc” và cách mạng thuộc địa như hai cánh của một con chim. Cho nên, giai cấp vô sản ở “chính quốc” và giai cấp vô sản ở các nước thuộc địa cần đoàn kết chống lại kẻ thù chung. Người khẳng định phong trào cách mạng thuộc địa có thể giành thắng lợi trước khi giai cấp vô sản ở “chính quốc” giành chính quyền, cách mạng thuộc địa còn tác động mạnh mẽ đến cách mạng vô sản ở “chính quốc”. Đây là một phát hiện mới của Nguyễn Ái Quốc bổ sung, đóng góp làm phong phú học thuyết Mác - Lênin và đến đây đã hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường giải phóng dân tộc.
Rời Mátxcơva, Nguyễn Ái Quốc tới Quảng Châu (Trung Quốc) cuối năm 1924, danh tính hoạt động ở đây là Lý Thụy và tích cực chăm lo trực tiếp cho sự nghiệp cách mạng nước nhà. Người sáng lập Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên (6-1925), mở nhiều lớp huấn luyện đào tạo cho cán bộ từ trong nước sang. Bằng cách đó, Người tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam và dồn tâm trí của mình cho sự chuẩn bị các điều kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Người tập hợp các bài giảng tại các lớp huấn luyện chính trị của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên thành cuốn Đường Kách mệnh, xuất bản năm 1927.
Hoạt động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và nhiều đồng chí cách mạng tiền bối khác góp phần quan trọng đưa phong trào đấu tranh của công nhân chuyển dần từ tự phát sang tự giác. Các điều kiện ra đời một Đảng thống nhất của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ngày càng chín muồi, các tổ chức cộng sản ra đời ở cả Bắc, Trung, Nam. Sự trưởng thành về chất của phong trào cách mạng Việt Nam là điều kiện tiên quyết cho ra đời Đảng Cộng sản của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.
Ngày 3-2-1930, tại Hương Cảng, các tổ chức Cộng sản ở Việt Nam hợp nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị đã thảo luận và thông qua Chính cương văn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ tóm tắt của Đảng do chính đồng chí Nguyễn Ái Quốc soạn thảo. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với phong trào công nhân, phong trào yêu nước Việt Nam. Đồng thời, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử tư tưởng Việt Nam là hình thành một nền tảng tư tưởng cách mạng Việt Nam.
Từ đây, phong trào cách mạng Việt Nam bắt đầu có ngọn cờ chính trị dẫn đường. Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành một tất yếu lịch sử qua các chặng đường đấu tranh cách mạng. Từ nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, đào tạo đội ngũ, bổn phận của Đảng chuyển sang trực tiếp lãnh đạo phong trào trong từng giai đoạn phù hợp với sự biến đổi thời cuộc, tiến tới giành độc lập dân tộc và xây dựng nhà nước kiểu mới của công - nông. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân cả nước đã dấy lên một phong trào đấu tranh rộng lớn, điển hình là cao trào cách mạng 1930 - 1931 với đỉnh cao là Xô viết - Nghệ Tĩnh; cao trào đấu tranh chính trị 1936 – 1939 thông qua Mặt trận dân chủ; các cuộc khởi nghĩa ở Nam kỳ, Bắc Sơn, Ba Tơ; cao trào kháng Nhật cứu nước, đặc biệt là sự quy tụ sức mạnh toàn dân tộc trong Mặt trận Việt Minh tiến hành Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thắng lợi. Thực tế, những sự kiện trên minh chứng một quá trình tranh đấu để trưởng thành qua tư duy chiến lược lãnh đạo, chiến thuật chỉ đạo, vừa bảo tồn lực lượng cách mạng, vừa đấu tranh gian khổ, chịu đựng nhiều hy sinh.
Theo dõi sát sao tình hình quốc tế và trong nước, nắm bắt thời cơ cách mạng, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã lãnh đạo Đảng và nhân dân ta tiến hành Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công. Thắng lợi này mở đầu của một thời đại mới - Thời đại Hồ Chí Minh ở Việt Nam. Như thế, mới 15 tuổi, với khoảng 5.000 đảng viên, lãnh tụ Hồ Chí Minh cùng Đảng của mình đã lãnh đạo nhân dân ta làm Cách mạng Tháng Tám xây dựng nhà nước dân chủ, nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Quả thực, đây là một thành công vĩ đại, có tầm vóc lịch sử được bắt nguồn từ thực tiễn đấu tranh gian khổ, chấp nhận hy sinh của đông đảo đảng viên và nhân dân lao động dưới ngọn cờ tư tưởng cách mạng giải phóng dân tộc của lãnh tụ Hồ Chí Minh.
Con đường cách mạng của người thanh niên yêu nước trải dài từ Nguyễn Tất Thành qua Nguyễn Văn Ba đến Nguyễn Ái Quốc mà thành Hồ Chí Minh. Sau 30 năm bôn ba nhiều nước, trở về Tổ quốc, tên Người là Hồ Chí Minh được gắn liền với cuộc biến đổi lớn lao chưa từng có trong lịch sử Việt Nam. Thắng lợi Cách mạng Tháng Tám mở ra một thời đại mới ở Việt Nam - Thời đại Hồ Chí Minh, trong đó dân là gốc (dân vi bản), dân là chủ, dân làm chủ. Câu hỏi lớn Người đặt ra từ buổi ra đi, lúc này đã được trả lời trên thực tế. Khát vọng một đời của lãnh tụ Hồ Chí Minh: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” và “ Nước độc lập, mà dân không có tự do, thì độc lập ấy chẳng có ý nghĩa gì” nay cũng là khát vọng của toàn Đảng, toàn dân trong sự nghiệp đổi mới, từng bước hiện thực hóa trên con đường xây dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Kể từ Cách mạng Tháng Tám, Đảng Cộng sản Việt Nam thực sự là Đảng cầm quyền ở Việt Nam, không cầm quyền thì không có cơ sở để lãnh đạo nhà nước và xã hội. Song, thiết chế cầm quyền cũng cần được đổi mới theo sự đổi mới của đất nước và của thời đại.
Đảng cầm quyền có nghĩa là Đảng có quyền lực trong thực tế. Trong ngữ cảnh này, bản chất là quyền lực định hướng sự vận động của xã hội không tách rời xu thế phát triển của thời đại trên nền tảng quyền lực nhân dân. Tuy vậy, Đảng cầm quyền không có nghĩa tự biến mình thành chính quyền, làm chức năng của chính quyền, làm thay, lấn sân, đứng trên Nhà nước và những đảng viên được cử tham gia cầm quyền phải ý thức được trách nhiệm trước Đảng cầm quyền và trước nhân dân.
Việc định ra đường lối đúng đã quan trọng, nhưng hiện thực hóa đường lối ấy trong cuộc sống còn quan trọng hơn. Hôm nay, làm thế nào để biến Nghị quyết Đại hội XI và Cương lĩnh của Đảng thành hiện thực cuộc sống là một câu hỏi lớn đòi hỏi các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân phải trả lời bằng hành động thực tế.
Từ một tổ chức chính trị làm nhiệm vụ tuyên truyền vận động phong trào đấu tranh giành độc lập cho nước nhà đến vị thế là một Đảng cầm quyền là một chặng đường phản ánh sự trưởng thành của Đảng; đồng thời, trách nhiệm của Đảng trước lịch sử càng lớn lao và vinh dự. Hôm nay, bổn phận cầm quyền của Đảng càng đòi hỏi trí tuệ, bản lĩnh của Đảng vững mạnh hơn trước yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh thời cuộc có những biến đổi khó lường. Phải chăng, quyền lực định hướng của Đảng cần được tiếp tục đổi mới các khía cạnh sau:
Một là, Thực hành dân chủ trên thực tế một cách sinh động, thuyết phục để tạo niềm tin của toàn xã hội. Đảng bộ các cấp phải là biểu tượng thực hành dân chủ trên thực tế để dẫn dắt, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Từng bước cụ thể hóa phương thức thực hành dân chủ trên thực tế trong các hoạt động của hệ thống chính trị. Thực hành dân chủ là cách thức động viên, giải phóng toàn bộ mọi tiềm năng tạo sức mạnh toàn dân tộc để xây dựng nội lực quốc gia. Cần thống nhất cao nhận thức và ý thức về thực hành dân chủ trên thực tế là phương thức tạo sức sống nội sinh, sức sống bền vững của Đảng, Nhà nước và chế độ.
Hai là, Thực hành dân chủ phải gắn liền với kỷ cương, pháp luật. Câu hỏi vì sao thành tựu 30 năm đổi mới là to lớn, có ý nghĩa lịch sử, mang tầm vóc thời đại mà lòng dân còn băn khoăn, lo lắng về tệ tham nhũng, lãng phí và sự suy thoái đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện vẫn tồn tại, chưa được đẩy lùi.
Khắc phục yếu kém này, một mặt, thực hành tự phê và phê bình trên tinh thần tự trọng, nêu gương, mặt khác tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong nội bộ Đảng một cách quyết liệt, ráo riết hơn. Con người là cái gốc của công việc (lời Bác Hồ). Vì thế, Đảng phải xây dựng những quy định cụ thể, thiết thực, hiệu quả, mang tính quyết liệt về trách nhiệm người đứng đầu tổ chức Đảng và chính quyền. Tâm lý thu vén, tham vật chất, thích sống buông thả, tư duy hình thành nhóm lợi ích khi nắm quyền lực trong tay đã trực tiếp làm phương hại đến uy tín của Đảng, giảm thiểu lòng tin nơi nhân dân, kìm hãm, phá hoại sự phát triển bền vững của đất nước.
Ba là, vấn đề nêu gương của cán bộ, đảng viên. Trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc, quan hệ đảng - dân đã thực sự hòa quyện, gắn bó máu thịt, Đảng gương mẫu hy sinh, dân một lòng hy sinh chiến đấu dưới ngọn cờ của Đảng vì độc lập dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Nay, đất nước đã qua chặng đường gần 30 năm đổi mới do Đảng khởi xướng, lãnh đạo và tiếp tục đổi mới vì tương lai của dân tộc. Sứ mệnh lịch sử lại tiếp tục đòi hỏi Đảng phát huy đức hy sinh, phụng sự dân tộc, phục vụ nhân dân ở tầm cao mới.
Hôm nay, mỗi đảng viên thực sự nêu gương học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để xứng đáng với lòng tin yêu của nhân dân, góp phần làm cho Đảng thực sự là đạo đức, là văn minh như Bác Hồ đã từng khẳng định. Mỗi cấp ủy, mỗi người đứng đầu cấp ủy, đứng đầu chính quyền phải là tấm gương sáng để nhân dân noi theo. Đó là những tấm gương biết tự trọng trong tự phê bình và phê bình trên tình thương yêu đồng chí, đồng nghiệp; đó là tấm gương về tu thân, tề gia, tham gia lo việc nước, việc dân đầy trí tuệ và không biết mệt mỏi; đó là những tấm gương chỉ biết “Dĩ công vi thượng”, lấy lợi ích của dân làm đầu mà trăn trở với trách nhiệm hiện tại của mình. Những tấm gương ấy phải được xuất hiện ở mọi lúc, mọi nơi, mọi cấp, mọi ngành. Hành động nêu gương của mỗi đảng viên, mỗi cấp ủy từ Trung ương tới cơ sở luôn có, mãi có sức thuyết phục rất lớn lao và tạo niềm tin rất vững bền đối với nhân dân. Có như thế mới xứng đáng với biết bao đồng chí, đồng bào đã hy sinh cuộc đời mình xây nên truyền thống 85 năm đấu tranh anh dũng, kiên cường, trí tuệ và bản lĩnh của Đảng.
(1) Hồ Chí Minh, toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, H.1996, tập 9, trang 314.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.