Theo dõi Báo Hànộimới trên

Từ sự cố cháy nhà số 47 Hàng Bạc: Hướng đi nào cho bảo tồn phố cổ?

Hiền Dung| 01/03/2010 06:57

(HNM) - Thời gian qua, liên tiếp xảy ra các vụ cháy nhà, sập nhà trong khu phố cổ Hà Nội, gần đây nhất là cháy căn nhà số 47, phố Hàng Bạc vốn được coi là cổ và có kiến trúc đẹp nhất trong khu phố cổ Hà Nội đã đẩy nhiều hộ dân rơi vào hoàn cảnh không nhà. Song điều đáng nói là những sự cố đáng buồn này vốn đã là vấn đề rất cũ, đã được bàn bạc nhiều nhưng chất lượng sống trong khu phố cổ Hà Nội, khâu quản lý, bảo tồn và triển khai kế hoạch di dân vẫn dậm chân tại chỗ.

Bốn hộ dân sống trong một nhà

Con số trên là thực tế khó tin nhưng có thật ở nơi được coi là trung tâm Thủ đô - khu phố cổ Hà Nội. Chị Thu Lan, chuyên viên BQL phố cổ Hà Nội cho biết: Mật độ dân số tại đây đã lên tới hơn 84.000 người/km², thuộc loại cao nhất thế giới. Chính sự "quá tải" đó đã làm ảnh hưởng tới chất lượng sống, sinh hoạt của người dân khu phố cổ.

Phố cổ đã trở nên “quá tải” do diện tích hẹp, mật độ dân số đông... 

Đúng như khẳng định của chị Lan, cụ Nguyễn Văn Ngọc, hơn 90 tuổi may mắn thoát nạn trong vụ hỏa hoạn ở số nhà 47 Hàng Bạc cho biết: Nhà 47 có tổng diện tích hơn 100m2 với bề rộng mặt tiền xấp xỉ 7m, có 4 hộ dân với hơn 20 nhân khẩu sinh sống. Tầng một là nhà ở của gia đình cụ Ngọc. Tầng hai là điện thờ chung của các hộ... Sau vụ hỏa hoạn, cụ Ngọc cùng gia đình con trai đang ở tạm trong căn phòng cơi nới, rộng chưa đầy 15m2. Tương tự, tại nhà số 36 Hàng Bè, khi bà Nguyễn Thị Nhẫn - một người dân ở số nhà này dẫn chúng tôi vào tham quan, thật bất ngờ vì toàn bộ căn nhà nằm ở nơi ngõ sâu hun hút, tối om này có tới 12 gia đình trú ngụ. Đáng nói hơn, căn nhà này chỉ có 2 khu vệ sinh, một ngõ đi rộng hơn nửa mét, một khoảng sân sinh hoạt chung rộng chưa đầy 2m2... Hệ thống dây điện được các hộ buộc thành bó chạy dọc theo con ngõ chỉ cao chừng đầu người.

Theo số liệu của các nhà nghiên cứu xã hội học, mỗi người dân cần ít nhất 8m² mặt bằng mới bảo đảm được điều kiện sinh hoạt. So sánh với con số trên, không ít người phát hoảng bởi trung bình mỗi người dân khu phố cổ Hà Nội chỉ có 1,5-2m² để sinh hoạt.

Dự án di dân sau 10 năm vẫn là... dự án

Vô vàn vấn đề xoay quanh phố cổ và nếp sinh hoạt của người dân nơi đây, để rồi dự án di dân sang khu đô thị mới rộng hơn 11ha thuộc xã Việt Hưng (huyện Gia Lâm, nay là quận Long Biên) để bảo tồn phố cổ sau 10 năm vẫn nằm trên giấy. Bởi lẽ có tới 75% số dân khu phố cổ muốn giữ nguyên hiện trạng hoặc muốn thay đổi một chút; chỉ có 6,7% muốn thay đổi chỗ ở; 18,3% còn lại giữ ý kiến trung lập. Thực tế này khiến các nhà quản lý "đau đầu". Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, Trưởng BQL Phố cổ Hoàng Công Khôi khẳng định.

Ông Hoàng Công Khôi cho biết thêm: Đây là khu đô thị mới hiện đại, đầy đủ tiện nghi, nhưng vẫn kế thừa các đặc trưng văn hóa phố cổ. Các tuyến phố thương mại, hệ thống cửa hàng và khu tiểu thủ công nghiệp sẽ được xây dựng để bảo tồn và phát triển nghề truyền thống. Trong giai đoạn 1 (đến năm 2015), dự án sẽ di chuyển khoảng 1.900 hộ dân đang sống trong các khu di tích (đình chùa, miếu mạo), trường học, công sở hay những gia đình nằm trong các khu nhà xập xệ có nguyện vọng muốn chuyển đi; giai đoạn 2 (đến năm 2020) phấn đấu giãn được 3 vạn dân khu phố cổ sang nơi ở mới. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất để thực hiện dự án di dân hiện nay là kinh phí. Theo dự toán, xây dựng các nhà chung cư để di dời khoảng gần 2.000 hộ phải cần khoảng 4.000 tỷ đồng.

Để khắc phục, quận Hoàn Kiếm đã đề nghị thành phố cho phép xã hội hóa việc xây dựng nhà tái định cư để tính giá bảo đảm kinh doanh chứ không tính lãi.

Cộng đồng là chủ thể bảo tồn di sản?

Theo đánh giá của các chuyên gia, tuy phố cổ Hà Nội và khu đô thị cổ Hội An có nhiều khác biệt nhưng chúng có điểm chung là một di sản văn hóa đô thị, mỗi ngôi nhà là nơi người dân sinh sống cũng là những điểm tham quan của du khách hoặc điểm kinh doanh các sản phẩm du lịch. Kinh nghiệm phát huy tốt giá trị của di sản ở Hội An được Giám đốc Sở VH,TT&DL Quảng Nam Đinh Hài chia sẻ là phải huy động được cộng đồng tham gia bảo tồn và phát huy giá trị của di tích; đồng thời gắn di tích với phát triển du lịch. Bởi du lịch phát triển sẽ mang lại cho người dân sống trong các khu di tích những cơ hội làm ăn tốt hơn, một cuộc sống khá hơn và khi người dân đã thấy được lợi ích thiết thực, họ sẽ chủ động cùng với chính quyền gìn giữ, bảo tồn di sản.

Đây cũng là quan điểm GS Phan Huy Lê cùng nhiều người yêu Hà Nội nhưng phương án này chưa được triển khai hiệu quả ở khu phố cổ. Chị Thu Lan giải thích: Hiện nay, gần 50% ngôi nhà thuộc diện bảo tồn ở khu phố cổ đã xuống cấp nghiêm trọng, thường trực nguy cơ đổ sập, bốc cháy, song do trong các ngôi nhà đó có nhiều hộ cùng sinh sống, sở hữu nên mặc dù Nhà nước bỏ kinh phí để trùng tu cũng phải được sự đồng ý của tất cả các hộ. Hơn thế, có rất nhiều hộ trong những ngôi nhà đó không chứng minh được quyền sử dụng đất nên họ đã dùng biện pháp "lỳ" để có nơi sinh hoạt vì nếu đồng ý với dự án giãn dân họ cũng không đủ cơ sở để được cấp nhà. Chị Thu Lan cho biết thêm, căn nhà số 47 Hàng Bạc (đã bị bốc cháy) đã thu hút sự quan tâm của BQL phố cổ, phía Nhật Bản cũng đã có kế hoạch đầu tư kinh phí bảo tồn từ năm 2004, song do 3/4 hộ sinh sống trong ngôi nhà này không chứng minh được quyền sở hữu nên dự án được dành cho số nhà 51, phố Hàng Bạc.

Vẫn biết công tác bảo tồn và phát huy giá trị của khu phố cổ rộng tới hơn 100ha với 76 tuyến phố là không dễ dàng nhưng nếu các cơ quan hữu quan cứ kêu "khó" với hàng trăm lý do, còn người dân đặt lợi ích cá nhân của mình lên trên hết thì khu di tích đã được xếp hạng quốc gia này sẽ đi về đâu? Niềm tự hào của người dân Thủ đô sẽ đi về đâu, nhất là khi hết thảy đang hướng về Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Câu trả lời xin chuyển đến các cơ quan quản lý và mỗi người dân khu phố cổ!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Từ sự cố cháy nhà số 47 Hàng Bạc: Hướng đi nào cho bảo tồn phố cổ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.