Theo dõi Báo Hànộimới trên

Từ Nhà nước dân chủ nhân dân đến Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

PGS.TS Bùi Đình Phong| 02/09/2016 07:01

(HNM) - Trong tiến trình vận động đi đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trên nền tảng nhận thức vấn đề Nhà nước trong lý luận Mác - Lênin và xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, Hồ Chí Minh và Đảng ta có một sự phát triển tư duy lý luận về vấn đề Nhà nước, xây dựng từ Nhà nước dân chủ nhân dân đến Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, tạo nguồn lực mới đưa đất nước tiến vững chắc trên con đường CNH-HĐH, hội nhập kinh tế quốc tế.Ảnh: Bảo Đan


Chính phủ toàn quốc, có đủ nhân tài Trung, Nam, Bắc

Năm 1927, trong tác phẩm Đường cách mệnh, Nguyễn Ái Quốc mới nói đến quan điểm “Làm cách mệnh đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc”. Khi Đảng ta ra đời, viết về phương diện chính trị trong Chánh cương vắn tắt, Nguyễn Ái Quốc đề cập “dựng ra Chính phủ công nông binh”, một loại hình Nhà nước theo kiểu Nhà nước Xô Viết ở Nga năm 1917. Việc ra đời Xô Viết ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh những năm 1930-1931 là theo nhận thức và mô hình đó.

Sau 30 năm hoạt động ở nước ngoài, trở về Tổ quốc, triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương 8 (5-1941), xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc và Đảng ta đã khẳng định, sau lúc đánh đuổi được Pháp - Nhật “sẽ thành lập một nước Việt Nam Dân chủ mới theo tinh thần tân dân chủ. Chính quyền cách mạng của nước dân chủ mới ấy không phải thuộc quyền riêng của một giai cấp nào mà là của chung cả toàn thể dân tộc, chỉ trừ có bọn tay sai của đế quốc Pháp - Nhật và những bọn phản quốc, những bọn thù, không được giữ chính quyền, còn ai là người dân sống trên dải đất Việt Nam thảy đều được một phần tham gia giữ chính quyền, phải có một phần nhiệm vụ giữ lấy và bảo vệ chính quyền ấy”.

Điểm sáng của Hội nghị Trung ương 8 là khẳng định việc thiết lập chính thể dân chủ cộng hòa, tức là chủ quyền thuộc về nhân dân. Nghị quyết viết: “Không nên nói công nông liên hiệp và lập chính quyền Xô Viết mà phải nói toàn thể nhân dân liên hợp và lập Chính phủ dân chủ cộng hòa”. Trong Chương trình Việt Minh cũng ghi rõ: “Sau khi đánh đuổi được đế quốc Pháp, Nhật, sẽ thành lập một chính phủ nhân dân của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chính phủ ấy do quốc dân đại hội cử ra”. Sự thay đổi chiến lược quan trọng này là một bước phát triển mới về văn hóa chính trị của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Đông Dương.

Đại hội quốc dân họp ở Tân Trào đã quyết định thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời, do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Cách mạng Tháng Tám thành công, Chính phủ lâm thời đã tự cải tổ mời thêm một số nhân sĩ tham gia. Tiếp đó, Chính phủ lâm thời lại tự cải tổ một lần nữa thành Chính phủ liên hiệp lâm thời gồm 18 thành viên.

Sau cuộc Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946, Quốc hội họp ngày 2-3-1946 đã thành lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Hồ Chí Minh giữ chức Chủ tịch. Tại kỳ họp thứ II, trong bối cảnh mới, Quốc hội đã biểu quyết danh sách Chính phủ mới do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Hồ Chí Minh đã đọc lời tuyên khẳng định: “Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ toàn dân đoàn kết và tập hợp nhân tài không đảng phái. Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ liêm khiết, biết làm việc, có gan góc, quyết tâm đi vào mục đích trong thì kiến thiết, ngoài thì tranh thủ độc lập và thống nhất của nước nhà”. Sau khi Chính phủ được thành lập, thay mặt Chính phủ mới, Hồ Chí Minh tuyên bố: “Chính phủ này tỏ rõ cái tinh thần quốc dân liên hiệp, là một Chính phủ chú trọng thực tế và sẽ nỗ lực làm việc, để tranh thủ quyền độc lập và thống nhất lãnh thổ cùng xây dựng một nước Việt Nam mới. Chính phủ này là Chính phủ toàn quốc, có đủ nhân tài Trung, Nam, Bắc tham gia”.

Hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa

Mười năm sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất đến trước đổi mới (1975-1985), chúng ta đã xây dựng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nhà nước chuyên chính vô sản, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong việc tiến hành ba cuộc cách mạng, xây dựng chế độ mới, nền kinh tế mới, nền văn hóa mới, con người mới... Trong khoảng mười năm đó, như Đại hội VI của Đảng đánh giá, chúng ta đã trả giá đắt để thu được những hiểu biết và kinh nghiệm ngày nay.

Một trong những hiểu biết và kinh nghiệm đó là tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (1-1994), Đảng ta khẳng định xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Và đến Đại hội VIII (6-1996) và sau đó là Đại hội IX (4-2001), Đại hội X (4-2006), tiếp tục khẳng định xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, mang bản chất giai cấp công nhân, có tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc. Đại hội XI, vấn đề này đã được hoàn thiện hơn trong Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 và được chế định trong Hiến pháp năm 2013.

Cần phải khẳng định, trong đổi mới tư duy về hệ thống chính trị, thì đổi mới nhận thức về Nhà nước có tầm quan trọng đặc biệt. Vấn đề không chỉ là sử dụng khái niệm hệ thống chính trị thay cho hệ thống chuyên chính vô sản bao gồm Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, mà điều quan trọng hơn như Cương lĩnh 1991 khẳng định “Toàn bộ tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị của nước ta trong giai đoạn mới là nhằm xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân”.

Đảng ta khẳng định phải xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tất cả quyền lực Nhà nước đều thuộc về nhân dân. Nhà nước bảo đảm quyền công dân, quyền con người, nâng cao trách nhiệm pháp lý giữa Nhà nước và công dân; thực hành dân chủ, đồng thời tăng cường kỷ cương, kỷ luật. Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Nhân dân thực hiện quyền làm chủ thông qua hoạt động của Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện. Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là một đòi hỏi tất yếu khách quan, cấp thiết; là một trong tám đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng, là sự tiếp thu thành tựu
của nhân loại về Nhà nước pháp quyền, đồng thời thể hiện bản sắc, đặc điểm riêng của Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từ Nhà nước dân chủ nhân dân đến Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.