(HNM) - Tổng cục TDTT đang xây dựng kế hoạch 3 dự án đào tạo HLV, VĐV cho các mục tiêu như ASIAD năm 2018 và Olympic 2020. Kinh phí đầu tư cho những nhóm HLV, VĐV trọng điểm sẽ không ít nhưng sẽ là thiếu nếu không chú ý đến đội ngũ bác sĩ cho các nhóm HLV, VĐV nói trên.
VĐV Nguyễn Thị Lụa (phải) đã mất vé dự Olympic vào phút chót do thể lực không kịp hồi phục. |
Khi nói về hành trình tham dự của Đội tuyển thể dục dụng cụ tại Giải Vô địch thế giới 2015 vừa qua với hàng loạt tuyển thủ bị chấn thương, một HLV trong nghề đã nói: "Môn thể dục dụng cụ từ bao lâu nay vẫn vậy. Vẫn là vượt khó, dùng sức người để vượt qua khó khăn, giành thành tích chứ không như các đội tuyển hàng đầu, thậm chí tầm trung thế giới". Vị HLV từng tham dự nhiều giải quốc tế này kể rằng, những đội hàng đầu thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Rumania..., rồi đến đội hạng trung như Canada mỗi khi góp mặt ở các giải quốc tế luôn có chuyên gia hồi phục, bác sĩ tâm lý. Chính nhờ đội ngũ bác sĩ này mà các VĐV luôn vào cuộc đấu cũng như tập luyện với trạng thái tâm lý tốt nhất. Các bác sĩ, chuyên gia hồi phục sẽ giúp VĐV không bị "tích lũy" hậu quả từ các chấn thương nhẹ sau mỗi buổi tập, buổi thi đấu. Bởi như người xưa vẫn nói, "tích tiểu thành đại", những cơn đau, nhức mỏi sau mỗi buổi tập, buổi thi đấu cứ tích tụ lại sẽ thành chấn thương nặng. Nếu chúng được giải quyết ngay từ đầu thì tuổi thọ nghề của VĐV sẽ tăng lên, thành tích thi đấu của họ sẽ ổn định hơn.
Chẳng riêng đội thể dục dụng cụ, nhiều đội tuyển khác, kể cả ở những môn trọng điểm, cũng hiếm khi có chuyên gia hồi phục, thậm chí là bác sĩ dành riêng cho đội, trừ các đội tuyển bóng đá nam, nữ. Như Đội tuyển vật quốc gia tham dự Giải Vô địch thế giới tại Mỹ vừa qua cũng không có bác sĩ riêng. Thầy trò cứ tự xoay xở với nhau và nếu có vấn đề về chấn thương thì đành trông vào bác sĩ của Ban tổ chức giải đấu. Vì thế khi thi đấu, Nguyễn Thị Lụa không giữ nổi tấm vé dự Olympic 2016 khi để thua đối thủ trong 30 giây cuối do bị trật khớp vai (vốn đã có biểu hiện mỗi khi cô tập luyện với cường độ mạnh). Đã có không ít tiếc nuối bởi nếu có bác sĩ đi cùng đội thì chưa chắc Nguyễn Thị Lụa đã mất vé dự Olympic vào phút chót.
Thực tế, đây không phải là vấn đề mới với thể thao Việt Nam. Những người từng lăn lộn tại các giải đấu quốc tế thừa biết chuyện này và luôn mong muốn không phải kém chị, kém em về khâu bác sĩ cho đội tuyển. Từ cách đây gần 20 năm, chuyên gia đầu ngành về y học thể thao Việt Nam Lê Quý Phượng (hiện là Hiệu trưởng Trường ĐH TDTT TP Hồ Chí Minh) đã đề cập đến chuyện này và coi đây là một trong những điểm thua kém rõ rệt của Thể thao Việt Nam với các nền thể thao hàng đầu thế giới, châu lục, thậm chí là Đông Nam Á. Còn những nhà quản lý thể thao nước nhà cũng đã hiểu chuyện. Tất nhiên, kinh phí luôn là rào cản để ngành Thể thao thực hiện việc đưa bác sĩ đến với các đội tuyển.
Thế nhưng với nhóm VĐV trọng điểm, thực sự cần thiết phải có bác sĩ hồi phục, bác sĩ tâm lý cho từng nhóm hoặc từng VĐV để họ hoàn thành nhiệm vụ gặt hái huy chương tại các giải đấu quan trọng. Bởi như người trong nghề lý giải thì VĐV trọng điểm dù có được chế độ tiền công, chế độ dinh dưỡng tốt hơn các VĐV khác nhưng nếu không được chăm sóc đến nơi đến chốn về tâm lý, sức khỏe thì vẫn dính chấn thương nặng hoặc bị chấn thương dai dẳng khó hồi phục như thường. Lúc ấy, tiền đầu tư của ngành Thể thao sẽ kém hiệu quả. Vì thế, thà tốn tiền nhưng bảo đảm VĐV giữ và nâng thành tích còn hơn là tiết kiệm nhưng VĐV lúc nào cũng có nguy cơ chấn thương thể xác và tâm lý, dẫn đến không thể đáp ứng được kỳ vọng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.