Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Từ mặt đất đến bầu trời"

Nguyễn Thanh| 14/12/2022 17:29

(HNMO) - Những ký ức về 12 ngày đêm bão lửa trong chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” một lần nữa được tái hiện trong triển lãm “Từ mặt đất đến bầu trời”, giúp công chúng thêm hiểu, thêm yêu mảnh đất “một thời đạn bom, một thời hòa bình” - Hà Nội.

Triển lãm khai mạc ngày 14-12 tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long, do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, Bảo tàng Chiến thắng B-52 và Ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn Không quân 923 phối hợp tổ chức, thiết thực kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12/1972 - 12/2022). Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng tới dự. 

Các cựu phi công kể về những chiến công trong 12 ngày đêm bảo vệ Hà Nội.

“Mỗi chuyến bay đêm là một chuyến đi cảm tử”

Cách đây 50 năm, trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, quân và dân Thủ đô đã anh dũng chiến đấu, đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng đường không của đế quốc Mỹ phá hoại miền Bắc, buộc Chính phủ Mỹ phải ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, góp phần tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sự kiện 12 ngày đêm có ý nghĩa như một trận Điện Biên Phủ trên không, chứng tỏ tinh thần quyết chiến, quyết thắng của dân tộc Việt Nam, không khuất phục trước bất cứ thế lực quân sự nào. Chung sức vào chiến công ấy có sự chiến đấu anh dũng, quả cảm của các chiến sĩ thuộc Đại đội bay đánh đêm, những người đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đánh máy bay B-52, bảo vệ bầu trời Tổ quốc, vĩnh viễn trở thành một phần không thể tách rời của chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” huyền thoại.

Triển lãm “Từ mặt đất đến bầu trời” bao gồm nhiều hoạt động trưng bày, tọa đàm, giới thiệu sách, trình diễn công nghệ…, góp phần làm rõ hơn về thế trận phòng không mà quân và dân Hà Nội và các tỉnh miền Bắc Việt Nam đã triển khai để đánh bại không quân Mỹ. Đặc biệt là vai trò chỉ huy, kết nối thông suốt các mặt trận của Bộ Tổng tham mưu tại căn hầm Tác chiến (hầm T1) thuộc khu di sản Hoàng thành Thăng Long. 

Tại đây, lần đầu tiên câu chuyện của 108 phi công Việt Nam, những nhân chứng đã tham gia chiến đấu bảo vệ nền độc lập dân tộc, thống nhất đất nước được giới thiệu, trong đó có những phi công đã trực tiếp tham gia chiến đấu đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B-52 của đế quốc Mỹ cuối năm 1972.

Cựu phi công Phi đội bay đánh đêm Hoàng Biểu chia sẻ: Ngay từ đầu chiến dịch, Mỹ đã dàn quân đánh phá toàn bộ sân bay của ta, gây bất lợi cho phía ta cất cánh. Tuy nhiên, bằng sự quyết tâm, mưu trí, trên dưới đồng lòng, quân ta vượt qua tất cả khó khăn, trắc trở để triển khai thành công nhiệm vụ. 

“Trong cả 12 ngày đêm, không quân ta đều tham chiến được. Lực lượng được phân tán về các sân bay dã chiến như Hòa Lạc, Miếu Môn, Thọ Xuân, Yên Bái…, để cất cánh an toàn, góp phần vào chiến công bắn rơi nhiều máy bay hiện đại của Mỹ”, ông Hoàng Biểu chia sẻ. 

Nhớ lại chiến công khi trực tiếp tham chiến trên bầu trời miền Bắc, Đại tá phi công Bùi Doãn Độ cho biết: “Đêm 29-12, khi đang trên đường bay, tôi bất ngờ được Sở chỉ huy thông báo phát hiện một chiếc máy bay cách khoảng 7-8km. Khi ấy, tôi cũng phát hiện thấy ánh đèn nhấp nháy di chuyển theo đúng hướng nhận định, nên lập tức tăng tốc đuổi theo và phóng tên lửa trúng đích. Máy bay địch cháy sáng rực đến nỗi có thể trông rõ từng con ốc bắt trên thân”. Đây là chiếc máy bay cuối cùng bị không quân Việt Nam bắn rơi trên bầu trời Hà Nội, cũng là chiếc cuối cùng của quân đội Mỹ bị phi công ta bắn hạ trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, khép lại thắng lợi lịch sử của chiến dịch 12 ngày đêm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.

Còn theo nguyên Phó Sư đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Sư đoàn Không quân 371 Nguyễn Công Huy, bay đêm khác xa bay ngày, từ công tác tổ chức, chuẩn bị, triển khai bay… Phi công bay ngày có thể bay thấp, bay theo vật chuẩn, tự tìm đường về sân bay, trong khi phi công bay đêm không thể làm thế do không thấy rõ mặt đất, xung quanh đều là đêm tối. Các phi công bay ngày còn có thể bay “mật tập” sát cánh, nhào lộn, còn bay đêm lại phải giữ khoảng cách an toàn. Trên thực tế, bay đêm không mấy khi xuất kích biên đội mà chỉ là bay một mình. Mỗi chuyến bay đêm cũng giống như một chuyến bay cảm tử vậy. 

Triển lãm thu hút sự quan tâm của đông đảo người xem.

Thế hệ trẻ tìm hiểu về các chiến công trong 12 ngày đêm bảo vệ Hà Nội năm 1972.

“Hà Nội không bất ngờ” và bài học cho thế hệ hôm nay

Triển lãm “Từ mặt đất đến bầu trời” dành một không gian trang trọng để giới thiệu 100 tài liệu về chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” với 2 chủ đề lớn: “B-52: Hà Nội không bất ngờ!” và “Từ mặt đất đến bầu trời” và 6 tiểu chủ đề, cho thấy chiến thắng quân và dân Thủ đô đã góp phần viết nên trang sử hào hùng nhất của dân tộc trong cuộc đối đầu không cân sức, đập tan uy thế không lực Hoa Kỳ, minh chứng lời tiên đoán thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh: B-52 Mỹ chỉ có thua trên bầu trời Hà Nội, chúng mới chịu thua trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. 

Cũng trong khuôn khổ sự kiện, còn có lễ ra mắt giới thiệu hai cuốn sách: “108 phi công chiến đấu Việt Nam” và “Hầm chỉ huy tác chiến - Bộ Tổng Tham mưu trong khu di sản Hoàng thành Thăng Long”; ra mắt ứng dụng công nghệ 3D mapping tái hiện lại hoạt cảnh “Hầm T1 trong đêm bão lửa”, diễn giải câu chuyện và không khí làm việc dưới hầm T1 trong ngày đầu tiên Mỹ đưa B-52 đánh ra Hà Nội và các tỉnh miền Bắc, đặc biệt là thời khắc chiếc máy bay B-52 đầu tiên bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội trong đêm mở màn chiến dịch, tạo ấn tượng và cảm xúc đặc biệt cho khách tham quan.

Ngoài ra, tại triển lãm còn có hệ thống các poster và không gian trải nghiệm phố phường Hà Nội vào thời điểm năm 1972, phần nào giúp công chúng hình dung rõ nét hơn về cuộc chiến đấu, cuộc sống đầy gian khổ, hy sinh, nhưng cũng hết sức ngoan cường, bền bỉ và anh dũng của lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước, trong đó nòng cốt là bộ đội phòng không - không quân, nổi bật là tinh thần chiến đấu dũng cảm, kiên cường của quân và dân Thủ đô.

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thanh Quang cho biết, những hồi ức được chia sẻ thông qua những câu chuyện chân thực của chính những người trong cuộc, sẽ giúp công chúng và thế hệ trẻ một lần nữa ôn lại truyền thống cách mạng hào hùng của lớp lớp cha anh đi trước, trân trọng ký ức của “một thời đạn bom, một thời hòa bình”, để từ đó tiếp tục phát huy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, đẩy mạnh công tác “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn”, tri ân các anh hùng liệt sĩ và những người có công với đất nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
"Từ mặt đất đến bầu trời"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.