Theo dõi Báo Hànộimới trên

Từ lời Bác dạy

TRẦN TRUNG HIẾU - Phó Chủ tịch Thành hội Người mù Hà Nội| 04/01/2012 06:52

Trước năm 1954, ở miền Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng chỉ có duy nhất một trường dành cho người khiếm thị, đó là trường


Trường dạy người khiếm thị biết sử dụng chữ braille và học văn hóa cấp I, nhưng học xong thì ai về nhà nấy. Có chữ, có văn hóa, nhưng làm thế nào để có một việc làm? có một tổ chức của mình để hoạt động. Ngày 19-5-1955, Trường Thương binh hỏng mắt Hà Nội được thành lập. Trường đón nhận thương binh từ các chiến trường về an dưỡng, nghỉ ngơi, chứ chưa có một định hướng gì để hoạt động. Đêm Giao thừa năm Bính Thân ngày 1-2-1956, Bác Hồ đến thăm trường và Người dạy "Tàn nhưng không phế" thì mọi người như bừng tỉnh với một tràng pháo tay không dứt.

Sau năm 1956, các thương binh của trường đã dấy lên "Ba ngọn cờ", đó là: Ngọn cờ tiến vào lao động sản xuất, học tập và các hoạt động xã hội. Ngày 22-12-1960, Trường Chữ nổi Ba Đình được thành lập đã quy tụ rất nhiều thương binh và người mù trong xã hội tham gia học chữ, học văn hóa và tổ chức sản xuất một số sản phẩm thủ công.

Như vậy là lời Bác đã trở thành động lực thúc đẩy mọi người suy nghĩ phải làm một việc gì đó, phải "tùy theo sức của mình học lấy một nghề để tiếp tục phục vụ nhân dân, tiếp tục giữ vững danh hiệu là người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận mới"... Nhưng trước khi đi tìm nghề mọi người đều thấy phải học chữ trước, phải tập hợp, quy tụ người khiếm thị trong một tổ chức và từ đó hình thành cao trào thành lập Hội Người mù Việt Nam trong các năm 1968-1969. Sự ra đời của Hội Người mù Việt Nam đã cổ vũ tinh thần, nỗ lực vươn lên để tự khẳng định mình của người mù các tỉnh miền Bắc. Ngày 3-2-1972, Hội Người mù Hà Nội ra đời. Ban Thường vụ Thành hội khóa I đã quyết định lấy lao động sản xuất là hoạt động trung tâm. Đây chính là con đường dẫn đến những thành công của hội trong những năm tiếp theo. Từ những thành công trong lao động sản xuất của cơ sở mang tên: "Cao su 3-2" hay của Tổ sản xuất An Toàn (Quận hội Ba Đình)... trong những năm 70 của thế kỷ trước. Trải qua bao thăng trầm của thời kỳ chuyển đổi nền kinh tế xã hội và những khó khăn trong thời kinh tế thị trường, đến nay hội vẫn tiếp tục tổ chức, quản lý và tạo việc làm cho trên 660 người khiếm thị tại 29 cơ sở của hội và trên 60 cơ sở tự lực do các hội viên làm chủ. Hội còn quản lý trên 10,5 tỷ đồng vốn vay phát triển kinh tế gia đình cho trên 1.200 hộ vay, góp phần giải quyết việc làm cho hơn 3.000 lao động mỗi năm. Thông qua việc truyền dạy chữ nổi cho hội viên trong 40 năm qua, hội đã xóa mù chữ nổi cho hàng ngàn người khiếm thị, tạo cơ hội và điều kiện để hội viên tham gia học mới hoặc nâng cao trình độ học vấn ở các bậc học. Hiện nay, hội đã có trên 60 hội viên tốt nghiệp và 29 hội viên trẻ khác đang là sinh viên cao đẳng, đại học, hàng trăm người tốt nghiệp cấp II, cấp III; Nhiều người có đủ tiêu chuẩn đã được ra nước ngoài học tập hoặc biểu diễn âm nhạc. Có người tốt nghiệp đạt danh hiệu "Thủ khoa", được tôn vinh là một trong 10 gương mặt trẻ, tài năng, tiêu biểu của cả nước, nhiều người đạt các danh hiệu "Hiệp sỹ công nghệ thông tin", "Vận động viên thể thao khuyết tật toàn quốc", "Nghệ sĩ ưu tú"... Ngoài ra hội còn hỗ trợ, mở lớp học và tạo điều kiện cho người khiếm thị được học, sử dụng thành thạo vi tính. Sau 3 năm hợp nhất Hà Nội và tỉnh Hà Tây, hội đã thực hiện nối mạng internet cho 100% các đơn vị trực thuộc và đã đào tạo cho khoảng 300 người biết sử dụng tin học; triển khai các cuộc vận động "Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và cuộc vận động "Hai vượt - Bốn rèn - Năm phấn đấu" của hội, cùng nhiều hoạt động thăm hỏi, động viên giúp đỡ nhau về tinh thần, vật chất...

Đến nay, Thành hội Người mù Hà Nội đã có một trung tâm dạy nghề cho người khiếm thị, đã phát triển tổ chức hội tới 29/29 quận, huyện và một chi hội trực thuộc (Chi hội Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu) với hàng trăm chi hội cơ sở xã, phường, thị trấn, trở thành mái nhà chung, là điểm tựa tin cậy của gần 12 ngàn người khiếm thị trên địa bàn Thủ đô.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Từ lời Bác dạy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.