Theo dõi Báo Hànộimới trên

Từ làng Cơ Xá đến đền thờ Thái úy Quốc công

TUANPHONG| 28/05/2009 07:23

(HNM) - Suốt đoạn sông Hồng chảy qua Hà Nội ngày nay, dài trên 40km, từng duy nhất có một làng mà địa phận nằm ở cả hai bên sông. Làng là nơi sinh thành của một người vào hàng anh hùng dân tộc lớn nhất Việt Nam. Đặc biệt hơn, đó là làng duy nhất có chứng tích cụ thể là làng được thành lập cùng thời gian Lý Thái Tổ mới dời đô ra Thăng Long. Đó là làng Cơ Xá.

(HNM) - Suốt đoạn sông Hồng chảy qua Hà Nội ngày nay, dài trên 40km, từng duy nhất có một làng mà địa phận nằm ở cả hai bên sông. Làng là nơi sinh thành của một người vào hàng anh hùng dân tộc lớn nhất Việt Nam. Đặc biệt hơn, đó là làng duy nhất có chứng tích cụ thể là làng được thành lập cùng thời gian Lý Thái Tổ mới dời đô ra Thăng Long. Đó là làng Cơ Xá.

Đền Cơ Xá nhìn từ bên trong. Ảnh: Nguyệt Ánh

Trước đây dăm chục năm, người Hà Nội biết rằng làng này có bốn bộ phận, một ở bờ sông phía Đông là Cơ Xá Bắc Biên, hai ở bờ phía Tây là Cơ Xá Tây Biên và Cơ Xá Nam Biên; một ở giữa sông là Cơ Xá Đại Xã, còn gọi Cơ Xá Trung Hà, tức Bãi Giữa. Những năm 70 của thế kỷ XX, để giải phóng dòng sông, dân Bãi Giữa chuyển sang bờ Đông lập ra Bắc Biên.

Nay Bắc Biên được coi là địa bàn chính của Cơ Xá vì đình, chùa, đền, miếu của Cơ Xá cũ đều nằm trên đất này. Tây Biên thì nay là Phúc Xá, còn Cơ Xá Nam xưa vốn là bãi nằm ven bờ phía Tây sông Hồng bên ngoài lũy đất mà địa bàn cũ thường gọi là thành Đại La từ chỗ mé ngoài Cột Đồng Hồ xuống đến giáp bãi Đồng Nhân. Nhưng khu vực Cơ Xá bên bờ Tây sông Hồng sau khi bị ngắt ra nhiều đoạn, có thể do bãi bị lở, khi nhiều thì mất hẳn địa bàn, khi ít thì phần còn lại nhập vào các làng thôn kề cạnh.

Cho tới thế kỷ XIX, từ dốc Bắc Cổ trở xuôi là đất Cơ Xá Nam. Ở đây có cửa ô Tây Long xẻ qua thành đất và ngoài cửa ô là đồn Thủy, Quân khu Thủ đô, nằm giữa bãi sông và phố Phạm Ngũ Lão, thời Pháp thuộc lần lượt là dinh Tổng trú sứ Bắc Kỳ - Trung Kỳ, tới Bộ tổng Tham mưu, tiếng Pháp là Ê-ta-ma-giơ nên các cụ dân làng phiên âm dân dã là "Tầm-bà-giò". Cuối khu là nghĩa địa lính Pháp, nay là nhà máy nước ở đầu phố Trần Hưng Đạo.

Sang đầu thế kỷ XX, Cơ Xá Nam gồm có hai xóm: xóm Bãi ở ven sông và xóm Trong ở trong đê. Xóm Bãi thường bị ngập mùa lũ nên dân thưa, chỉ khoảng 40 hộ.

Đến năm 1934-1936, thực dân bắt toàn bộ cư dân xóm Bãi chuyển lên bãi Phúc Xá, còn xóm Trong bị lấy rất nhiều đất để làm bệnh viện Lanessan từ 1893 (gồm Quân y viện 108, Bệnh viện Hữu nghị và Xí nghiệp Dược phẩm II), cư dân một số trụ lại ở quanh các phố Nguyễn Huy Tự, Trần Khánh Dư. Từ 1930, thực dân đô thị hóa khu vực này, bắt phá nhà tranh, xây nhà gạch lợp ngói. Ai không thể thực hiện quy định này phải chuyển dời. Sau đó, trong chiến tranh chống Pháp, dân làng này tản cư rồi chuyển nơi khác, nay (năm 2009) chỉ còn ba gia đình gốc.

Vì nằm ngoài lũy đất mà bức tường ở đoạn này tương ứng với các phố Lý Thái Tổ, Lê Thánh Tông, Trần Thánh Tông, xuyên qua Viện Vệ sinh dịch tễ xuống tới cửa ô Đống Mác nên đất làng Cơ Xá Nam gồm Quân y viện 108, Bệnh viện Hữu nghị, Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng và Xí nghiệp Dược phẩm II.

Tuy vậy, Cơ Xá Nam vẫn có ngôi đền thờ Lý Thường Kiệt ở số 4 Nguyễn Huy Tự. Bài văn khắc trên chuông đúc năm 1690 hiện còn treo ở đình Bắc Biên (quận Long Biên) - vốn thờ các thành hoàng và cả Lý Thường Kiệt - có ghi rõ Lý Thường Kiệt tên thật là Ngô Tuấn. Ông đã xin vua Lý xác định ranh giới làng và miễn mọi thứ thuế cho dân (vì đã nhường đất cho Lý Thái Tổ xây kinh đô).

Đền Cơ Xá Nam là niềm tự hào của dân Cơ Xá, song đã bị hư hại nặng trong thời kháng Pháp (1947-1954). Hòa bình lập lại, đền được dùng làm nhà trẻ và trụ sở hợp tác xã. Vài hộ dân vào đó xây nhà ở. Từ năm 2005, UBND thành phố có kế hoạch đầu tư tu tạo đền Cơ Xá Nam nhằm suy tôn xứng đáng vị anh hùng dân tộc là con em của Thăng Long - Hà Nội. Ở nội thành Hà Nội, ngoài đình Nam Đồng (quận Đống Đa) thờ ông với tư cách là nơi có mộ phần thì chỉ có Cơ Xá Nam là đền thờ ở chính quê hương bản quán của ông. Công việc có nhiều khó khăn, nhất là giải phóng mặt bằng. Song, với quyết tâm của UBND thành phố và quận Hai Bà Trưng, ngày 25-5-2009, đền đã được gắn biển công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nội thất đẹp, đặc biệt Hội Khoa học lịch sử Việt Nam giúp đúc pho tượng Lý Thường Kiệt, kích thước như người thật, rất uy nghi. Đền Cơ Xá Nam là món quà mừng Thăng Long - Hà Nội nghìn tuổi.

Nguyễn Vinh Phúc

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từ làng Cơ Xá đến đền thờ Thái úy Quốc công

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.