Xã hội

Quyết liệt chống hàng giả, thực phẩm “bẩn”:Rõ quyền lợi, rõ trách nhiệm

Nhóm phóng viên 26/05/2025 15:08

Trước bối cảnh hàng giả, thực phẩm “bẩn” tràn lan, việc siết chặt công tác quản lý chất lượng hàng hóa, an toàn, vệ sinh thực phẩm đang trở thành câu chuyện cấp bách.

Một trong những việc cần làm để đạt mục tiêu này là sớm sửa đổi và bổ sung các quy định pháp luật, làm rõ quyền hạn và trách nhiệm của các cá nhân và cơ quan có thẩm quyền.

Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Trần Việt Nga:
Tăng cường đầu tư nhân lực, kinh phí cho công tác hậu kiểm

ba-1.jpg

Tình trạng thực phẩm giả, kém chất lượng nói riêng và hàng hóa giả nói chung không chỉ tồn tại ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới. Theo một số tài liệu, việc sản xuất thực phẩm giả gây thiệt hại cho cộng đồng châu Âu hàng chục tỷ euro mỗi năm. Các chuyên gia độc lập cũng ước tính ngành công nghiệp thực phẩm toàn cầu chịu thiệt hại khoảng 40 tỷ USD do thực phẩm giả. Tại Việt Nam, tình trạng này có một phần nguyên nhân từ những bất cập trong cơ chế quản lý. Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự công bố sản phẩm, tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp tự công bố và chịu trách nhiệm về chất lượng, an toàn của sản phẩm. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đã lợi dụng cơ chế này để làm ăn phi pháp. Rõ ràng, doanh nghiệp có thể tự công bố và sản xuất ngay sản phẩm mà không cần cơ quan quản lý nhà nước thẩm định hồ sơ. Ngoài ra, thủ tục về hoạt động này khá đơn giản, hồ sơ không phức tạp và không mất phí. Nhiều doanh nghiệp ồ ạt tự công bố sản phẩm, nhưng số lượng sản xuất kinh doanh thực tế có thể không đúng với số lượng đã công bố, gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong thanh tra, hậu kiểm. Về phía cơ quan quản lý, bên cạnh hành vi cố tình vi phạm của doanh nghiệp, chúng tôi cũng gặp khó khăn do số lượng sản phẩm công bố quá lớn. Trong khi đó, lực lượng hậu kiểm còn hạn chế. Công tác hậu kiểm bao gồm nhiều hoạt động như kiểm tra hồ sơ, kiểm tra cơ sở sản xuất, lấy mẫu sản phẩm trên thị trường hoặc tại cơ sở sản xuất để kiểm nghiệm, chi phí cho công tác kiểm nghiệm khá cao, gây khó khăn cho các địa phương.

Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ đang tiến hành sửa Luật An toàn thực phẩm, chúng tôi đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ Y tế trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 15/2018/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng thắt chặt quản lý và khắc phục những tồn tại hiện nay. Chúng tôi cũng kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng cường đầu tư về nhân lực và kinh phí cho công tác hậu kiểm.

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong:
Kiểm tra, xử lý vi phạm phải công khai, nghiêm túc

o-2.jpg

Cùng với sự vào cuộc của các bộ, ngành, cơ quan chức năng, để công tác quản lý an toàn thực phẩm tiếp tục phát huy hiệu quả, ngay từ chính quyền cơ sở cũng cần tăng cường kiểm tra thực tế và kiên quyết xử lý vi phạm, thay vì chỉ đôn đốc, nhắc nhở; đồng thời công khai cơ sở vi phạm để người dân biết, không sử dụng sản phẩm của những cơ sở này. Cụ thể, Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm các quận, huyện, thị xã phải chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát lại toàn bộ hộ kinh doanh, sản xuất thực phẩm trên địa bàn. Tiếp đến, cần tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn, yêu cầu chủ cơ sở phải chuẩn hóa lại quy trình sản xuất, đầu tư trang thiết bị, dụng cụ; chuẩn hóa lại hồ sơ pháp lý, khám sức khỏe định kỳ cho công nhân tham gia sản xuất... Cùng với việc tuyên truyền vận động, cơ quan chức năng phải hướng dẫn các cơ sở này tuân thủ quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, thẩm định các điều kiện, tiêu chuẩn tại cơ sở. Qua kiểm tra, nếu phát hiện sai phạm cần xử lý nghiêm, thậm chí là đình chỉ hoạt động. Theo chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm phải được công khai, nghiêm túc, không bao che.

Bà Phạm Thị Thanh Nhàn, Trưởng phòng Y tế quận Cầu Giấy:
Khó kiểm soát thực phẩm được bán trên mạng

ba-3.jpg

Hiện nay, việc mua bán thực phẩm qua mạng “nở rộ” trên các mạng xã hội Zalo, Facebook, TikTok hay các trang web... Mọi người có thể ngồi ở nhà đặt mua từ thức ăn bình dân đến thực phẩm cao cấp, hải sản vùng miền... Với hình thức thanh toán, giao hàng nhanh gọn, các bà nội trợ được giảm bớt gánh nặng của việc đi chợ. Thế nhưng, nguy cơ hàng giả, hàng nhái được đưa vào các kênh bán hàng trực tuyến rất cao trong khi việc kiểm tra loại hình kinh doanh này lại vô cùng khó khăn. Thậm chí, rất khó khăn để xác định địa chỉ kinh doanh của những đơn vị hoặc cá nhân cung cấp hàng hóa bởi vì địa chỉ ghi trên mạng và địa chỉ thật nhiều khi hoàn toàn khác nhau. Do đó, ngay cả khách hàng nếu mua phải thực phẩm kém chất lượng cũng rất khó để khiếu nại, khiếu kiện. Trước thực tế này, để bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe, điều đầu tiên là người dân cần nâng cao nhận thức trong “mua sắm online”. Khi chọn mua thực phẩm trực tuyến nên chọn nơi uy tín, nguồn gốc rõ ràng. Người dân không nên ham rẻ mà mua thực phẩm không rõ nguồn gốc, không an toàn. Sau đó cũng cần chọn đơn vị vận chuyển, giao hàng chuyên nghiệp vì họ thường sẵn có dụng cụ bảo quản. Khi nhận hàng phải kiểm tra kỹ nơi sản xuất, hạn sử dụng.

Bà Lê Thị Chương, Tổ trưởng Tổ dân phố số 2, phường Việt Hưng (quận Long Biên):
Cần có một hành lang pháp lý chặt chẽ hơn

ba-4.jpg

Thời gian gần đây, liên tiếp có nhiều vụ thực phẩm “bẩn”, hàng giả, hàng kém chất lượng được cơ quan chức năng phanh phui. Mỗi lần như vậy là thêm một lần người tiêu dùng hoang mang, lo lắng. Nỗi lo ăn gì, uống gì cho an toàn đang trở thành câu hỏi thường trực trong mọi gia đình. Ăn uống là nhu cầu hằng ngày, nếu người dân không còn tin vào những gì mình đang sử dụng thì hệ lụy không chỉ là sức khỏe mà còn là sự bất an, hoài nghi trong toàn xã hội. Thực tế này đòi hỏi cần phải có một hành lang pháp lý chặt chẽ hơn, một hệ thống kiểm soát nghiêm minh hơn. Người dân mong muốn cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra định kỳ, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm ngay từ đầu vào. Nhà nước cần đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống truy xuất nguồn gốc, tăng cường kiểm tra đột xuất, xử lý công khai và có chế tài mạnh mẽ để bảo vệ người tiêu dùng. Phải có biện pháp quyết liệt hơn đối với các cá nhân, doanh nghiệp cố tình sản xuất và kinh doanh hàng giả, thực phẩm “bẩn”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyết liệt chống hàng giả, thực phẩm “bẩn”: Rõ quyền lợi, rõ trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.