(HNMCT) - Ngày 22-10-1921, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, vở “Chén thuốc độc” của Vũ Đình Long được công diễn - sự kiện có ý nghĩa đánh dấu sự ra đời của nghệ thuật kịch nói Việt Nam. 100 năm sau, cũng tại “thánh đường” sân khấu này, những người làm nghệ thuật lại gặp nhau, háo hức, tự hào nhưng cũng đầy trăn trở trước hiện tại và tương lai của kịch nói Việt.
Nhớ thuở vàng son
Dịch tạm lắng, cũng vừa lúc đến Lễ kỷ niệm “100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam 1921 - 2021”. Niềm vui của những người làm sân khấu Thủ đô như được thổi bùng lên sau những dồn nén của chuỗi ngày giãn cách. Nhà hát Lớn Hà Nội lại sôi nổi trong loạt hoạt động chào mừng, đặc biệt là những đêm diễn với những vở được đánh giá xuất sắc như: “Chén thuốc độc” (Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam), “Người tốt nhà số 5” (Nhà hát Kịch Việt Nam), “Ai là thủ phạm” (Nhà hát Tuổi trẻ), “Bạch đàn liễu” (Sân khấu Lucteam), “Phải có ba đồng” (Nhà hát Kịch Hà Nội), “Chí Phèo - Thị Nở” (Sân khấu Lệ Ngọc). Đây đều là những kịch bản nổi tiếng, giá trị đã được khẳng định, và những buổi diễn này như một cách để nhớ về những dấu mốc vàng son của sân khấu Việt.
Phó Giáo sư Tất Thắng đánh giá: “Ra đời muộn hơn kịch nói nhân loại đến 2.500 năm, song kịch nói Việt Nam lại có cái lợi là được tiếp nhận tinh hoa mà các nền kịch nói từ cổ đại đến phục hưng, khai sáng, lãng mạn, hiện thực... tích lũy được. Kịch nói Việt Nam, kể từ vở “Chén thuốc độc” của Vũ Đình Long đã phát triển, tiến bộ theo những quy luật vừa mang tính cộng đồng nhân loại, vừa mang bản sắc Việt Nam”.
Còn NSND Lê Huy Quang thì khẳng định: Suốt 100 năm tồn tại, phát triển với không ít những khó khăn, thách thức, nghệ thuật kịch nói Việt Nam đã tạo nên một phong cách độc đáo, có diện mạo, bản sắc, phong cách riêng: Đậm đà cốt cách dân tộc, trữ tình, đằm thắm, nhưng lại bắt kịp những nét tiên tiến, hiện đại của sân khấu thế giới. Hàng ngàn tác phẩm lớn, nhỏ với đề tài phong phú, đa dạng đã để lại những tình cảm tốt đẹp trong lòng công chúng yêu nghệ thuật kịch nói trên cả nước...
Trăn trở với hiện tại
Ôn lại lịch sử, nhắc nhớ tới hàng loạt gương mặt đã làm nên lịch sử vàng son của sân khấu, từ thế hệ những người đặt nền móng đầu tiên cho nền kịch nghệ Việt như Nguyễn Văn Vĩnh, Vũ Đình Long, Thế Lữ... đến những thế hệ vàng kế tiếp đã tạo nên “những đêm không ngủ” của sân khấu, nhiều người không khỏi có cảm giác buồn, hụt hẫng khi nói về sân khấu hiện nay.
Ngay trong cuộc hội thảo “100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu kịch Việt Nam - Những vấn đề đặt ra, định hướng và giải pháp phát triển”, NSND Lan Hương đã không giấu nổi sự sốt ruột khi xin phép chủ tọa đề nghị các tham luận hãy tập trung trả lời câu hỏi: "Làm thế nào để sân khấu lại có người xem?". Đây đúng là câu hỏi lớn nhất, trăn trở nhất và là bài toán khó giải nhất của sân khấu ở thời điểm này.
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái nhìn nhận: “Kể từ đầu thế kỷ XXI đến năm 2021, năm đầu thập niên thứ 3, khán giả xem kịch đã thưa vắng đến mức đáng coi là “bi kịch trắng khán giả”. Sân khấu nhà nước, sân khấu tư nhân, sân khấu lớn, sân khấu nhỏ, sân khấu “xã hội hóa”, các hội diễn kịch toàn quốc, kịch địa phương của Thủ đô Hà Nội, của thành phố Hồ Chí Minh... tất cả đều không tìm được người xem. Những người xem của thời sân khấu lớn hoàng kim, sân khấu nhỏ hoàng kim và những hội diễn kịch hoàng kim của thế kỷ trước, người xem tấp nập phủ kín khán phòng, không một ghế trống... chỉ còn là hồi ức và kỷ niệm. Đó là chưa kể các vở diễn thuộc loại hình sân khấu dân tộc như tuồng, chèo, cải lương, rối nước... cũng bị cuộc khủng hoảng khán giả nhấn chìm. Các nhà hát, rạp hát, điểm diễn sân khấu ở các thành phố lớn đều bị đứt mạch kịch trường hàng đêm. Và còn điều đáng tiếc nữa: Đại dịch Covid-19 toàn cầu đã khiến cầu nối giữa sân khấu và khán giả, vốn đã lung lay từ 2020, đến thời điểm cuối năm 2021, đã rơi vào thảm trạng đứt gãy!”.
Đồng tình với quan điểm này, NSND Lê Huy Quang cảm thán: “Quá khứ bao giờ cũng ở phía sau lưng, cho dù đó là một quá khứ huy hoàng và chói lọi, mà không khéo, cái gánh nặng quá khứ nhiều khi làm cho mình khó cất nổi bước chân để đi lên phía trước. Bởi, hình như hôm nay, tình yêu và niềm tin của khán giả đối với sân khấu kịch nói đã có vẻ chững lại, giảm sút. Những “ông hoàng”, “bà chúa” của “thánh đường” sân khấu đã có vẻ không còn hấp dẫn khán giả, nhất là lớp khán giả trẻ. Và cũng bởi, hình như sự thiếu vắng bao nhiêu sự kiện, bao nhiêu nhân vật của hàng ngàn năm lịch sử, cận đại đến hiện đại mà nghệ thuật kịch nói chưa khắc họa, trình bày, để lý giải được một cách rực rỡ và cuốn hút với công chúng yêu mến nghệ thuật kịch nói...”.
Thắp lên hy vọng bằng tình yêu
Nguyên nhân của việc thưa vắng khán giả đã được những người làm sân khấu đi tìm, lý giải trong suốt nhiều năm qua, và dường như “đụng đến đâu cũng có vấn đề”. Theo đạo diễn, tác giả Hoàng Thanh Du, nguyên nhân đầu tiên đến từ “chính chúng ta - đội ngũ những người làm nghề” đã không theo kịp sự phát triển của đời sống. Các tác phẩm không đề cập trực diện được những vấn đề nóng mà khán giả đang quan tâm, khủng hoảng thiếu kịch bản hay, cách làm cũ kỹ không bắt kịp với xu hướng thưởng thức của công chúng... Bên cạnh đó là những nguyên nhân khách quan từ đời sống xã hội, sự cạnh tranh của các loại hình giải trí khác, việc loay hoay giữa làm nghệ thuật với đòi hỏi xã hội hóa, hay cơ sở vật chất nghèo nàn, thiếu kinh phí để biến ý tưởng thành hiện thực...
Có cách nào để giải quyết tất cả những nguyên nhân đó, để sân khấu lại sáng đèn, mỗi vở diễn lại chạm được vào cảm xúc của khán giả? Câu trả lời rất khó, và có lẽ, mỗi nhà hát, nghệ sĩ đều phải tự mày mò tìm lời giải cho chính mình nếu còn tha thiết với sân khấu.
Nhà viết kịch Lê Quý Hiền chia sẻ: “Nhìn lại chặng đường 100 năm qua của kịch nói Việt Nam, bài học lớn nhất của lớp tiền bối để lại là sự đam mê, cống hiến hết mình trong sáng tạo mà không cần điều kiện nào khác. Ngọn lửa trong trái tim lớp lớp nghệ sĩ đã truyền tới công chúng qua các kịch bản và vở diễn, làm nên một kịch mục đồ sộ có giá trị tới hôm nay. Đánh mất điều này, khán giả quay lưng là một điều tất yếu”.
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái kết bài tham luận của mình bằng một ý thú vị: “NSND đạo diễn Nguyễn Đình Nghi đã từng dùng thần thoại Hy Lạp để ví von: Trong chiếc hộp kín mà Pandora đã “đoảng vị” đánh đổ từ trên đỉnh trời, đã làm rơi xuống mặt đất nhiều tai ương chướng họa, thì may thay, Pandora ngó vào hộp thấy còn sót lại một thứ, là “Hy vọng”. Và, tôi bất chợt đọc được một câu của J.K.Rowling: “Ta có thể tìm thấy hạnh phúc ngay cả trong giai đoạn đen tối nhất, chỉ cần ai đó bật đèn lên”. Đúng vậy, chỉ cần người - sân - khấu nào đó ở Hà Nội, Sài Gòn hay bất kỳ đâu đó “bật đèn” sân khấu lên!”.
Trong Lễ kỷ niệm “100 năm Sân khấu Kịch nói Việt Nam” hôm 21-10, thay mặt những diễn viên trẻ, Thu Quỳnh đã rất xúc động khi thổ lộ tình yêu với sân khấu, và cô chia sẻ rằng các bậc cha chú, những người đi trước hãy tin tưởng bởi còn rất nhiều nghệ sĩ trẻ yêu sân khấu, mong muốn sân khấu trở nên hưng thịnh. NSƯT Trần Lực cũng cho biết, anh nhìn thấy ở lớp trẻ tình yêu mãnh liệt với sân khấu kịch và tin tưởng họ sẽ đưa sân khấu trở lại tưng bừng như cha chú đã làm được.
Hãy cứ yêu, cứ làm hết sức thì sân khấu Việt vẫn còn nhiều hy vọng!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.