(HNMO) - Công nghệ thông tin đang dần là câu chuyện không thể thiếu đối với nhiều ngành nghề và giáo dục cũng không phải ngoại lệ.
Máy tính bảng - một công cụ hữu hiệu trong giảng dạy. |
Tại Việt Nam, tầm nhìn ứng dụng CNTT trong giảng dạy đang được chú trọng và bắt đầu đi vào triển khai một vài năm trở lại đây. Môi trường lớp học trong tương lai sẽ trở nên “mở” và thân thiện hơn, giúp học sinh tăng cường khả năng sáng tạo và tự chủ nhờ sự trợ giúp hiệu quả của những giải pháp công nghệ thông tin.
Nhằm hỗ trợ CNTT được áp dụng thích hợp, hữu ích đến thầy cô giáo trong tương lai, một chương trình khảo sát đang được Intel Việt Nam phối hợp với Mạng cộng đồng giáo viên Violet và Trung tâm nghiên cứu Thiết bị dạy học thuộc Viện Khoa học giáo dục Việt Nam triển khai với tên gọi “Khảo sát tình hình ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy” dành cho giáo viên trên toàn quốc. Khảo sát này được thiết kế với những câu hỏi sát thực nhằm đưa ra những kết quả mang tính thực tiễn cao nhằm phản ánh chính xác nhất nhu cầu và mong muốn của các thầy cô giáo. Thông qua kết quả khảo sát, những quan ngại về tình trạng thiếu đồng bộ trong quá trình ứng dụng CNTT vào công tác giảng dạy, hay nhu cầu tập huấn và áp dụng sâu rộng hơn nữa những phần mềm chuyên dụng cho giáo viên sẽ được phân tích nhằm tìm ra các giải pháp hiệu quả nhất. Khảo sát đã nhận được sự ủng hộ của hàng ngàn các thầy cô giáo đến từ khắp các tỉnh thành trên toàn quốc với mong muốn góp ý kiến xây dựng một môi trường CNTT hiệu quả trong giảng dạy tại Việt Nam.
Có thể khẳng định một điều rằng công nghệ thông tin đang xâm nhập và dần dần trở thành một phần không thể thiếu trong các tiết giảng. Sự thay đổi tích cực này đến từ chính các thầy cô, những người nắm phần quyết định lớn đến tương lai nền giáo dục nước nhà. Những cô giáo mầm non đến các giảng viên đại học đều sử dụng khá thành thạo các công cụ công nghệ, biết đến và áp dụng thường xuyên các phần mềm giảng dạy nhằm tăng khả năng tương tác của bài giảng đến với học trò của mình. Chiếc máy tính hiện nay được xem như công cụ hỗ trợ chính trong quá trình soạn bài giảng và truyền tải kiến thức. Thông qua khảo sát, các nhà phân tích nhận định rằng sự quan tâm và hiểu biết về CNTT của giáo viên Việt Nam ngày một tăng. Ngoài việc thụ hưởng công cụ từ trường học, các thầy cô luôn có nhu cầu tìm hiểu các thiết bị cập nhật nhất và thật thú vị khi biết rằng có nhiều thầy cô đã tìm tòi để tự lắp ráp cho chính mình một chiếc máy tính cá nhân.
Phần lớn các ý kiến đóng góp của thầy cô đều cho rằng CNTT cần được hỗ trợ để có thể ứng dụng nhiều hơn nữa trong công tác giảng dạy của giáo viên. Hiệu suất công việc tăng, hỗ trợ đắc lực trong công việc, giúp tư duy và phong cách giảng dạy hiện đại, năng động cùng nhiều mô tả khả quan khác là những gì mà chương trình khảo sát thu nhận từ các thầy cô tham gia chương trình.
Cũng như công nghệ “giấy”, công nghệ “thông tin” sẽ chỉ dừng lại là một công cụ đơn thuần nếu như giáo viên không được phổ biến và đào tạo có hệ thống. Nắm rõ các tính năng cơ bản sẽ là tiền đề giúp giáo viên nâng cao khả năng làm chủ công cụ giảng dạy của mình. công nghệ “thông tin” phát triển không đồng nghĩa với sự mất đi của công nghệ “giấy” trong từng bài giảng cụ thể. Cái khó và cái khéo của giáo viên là làm sao có thể kết hợp linh hoạt các phương pháp giảng dạy, tăng hiệu quả bài giảng và khả năng tư duy của thế hệ trẻ Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.