(HNM) - Nho sỹ thời Lê không chỉ là người thưởng thức ca trù mà còn là những người thúc đẩy nghệ thuật này phát triển trên đất Thăng Long khi thơ của họ trở thành lời của các bài ca trù.
Nguyễn Công Trứ (1778-1858) là người mê ca trù và ông cũng là tác giả của nhiều bài ca nổi tiếng. Song công lao lớn nhất của Nguyễn Công Trứ là ông cùng những nho sỹ khác nâng lối hát nói lên đến đỉnh cao, làm cho ca trù thêm giá trị. Có một nhà thơ cũng mê mẩn ca trù là Trần Tế Xương (1870-1907). Không chỉ nghe hát, sáng tác các bài hát mà với ông, cô đầu còn là nguồn cảm hứng để sáng tác nhiều bài thơ về đề tài này. Trong bài "Tết tặng cô đầu" của ông có câu: "Nhân sinh quý thích chí. Chẳng gì hơn hú hí với cô đầu". Còn Tiến sỹ Dương Khuê (1839-1902) cũng có "Gặp cô đầu cũ", "Thăm cô đầu ốm".
Nghệ thuật ca trù đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ảnh: Minh Nguyễn |
Từ Hàng Giấy về Thái Hà hát cô đầu đã có sự thay đổi và đến Khâm Thiên thì cô đầu đạt đỉnh của "sự chơi". Và các nhà văn sau này cũng quyết không kém các bậc tiền bối. Trong cuốn "Ca trù nhìn từ nhiều phía" đăng lại bài viết của nhà văn Vũ Bằng có đoạn "Thực tình đến bây giờ (năm 1973) cố moi trí nhớ tôi cũng chưa thấy nhà văn, nhà báo đất Bắc nào mà lại không ra vào nhà hát cô đầu". Ông không ngần ngại khi gọi phố cô đầu Khâm Thiên là "Cái nôi văn nghệ của Hà Nội". Vũ Bằng viết tiếp: "Các văn nghệ sỹ hội họp uống rượu, ngâm thơ, đánh một khẩu trống để thưởng một câu văn hay, một tiếng đàn khéo bấm, hay một giọng ca buông bắt thật tài tình. Đôi khi tức cảnh, họ tạo nên những câu mưỡu, bài hát nói hay những vần thơ bát cú hoặc lục bát thật hay". Còn TchyA (Đái Đức Tuấn) cho rằng: "Khâm Thiên là đường Nhà trời, đến đây để quên đau khổ bằng rượu, phiện, gái". Sau này Văn Cao gọi chốn Khâm Thiên là phường Dạ Lạc. Các nhà văn, nhà báo Phùng Bảo Thạch, Vũ Đình Chi, Nguyễn Triệu Luật, Lưu Văn Phụng, Hy Sinh, Vũ Liên, Ngô Tất Tố lúc làm cho các báo "Việt Nữ", "Công Dân", "Vịt Đực" mỗi khi bàn về số báo ra kỳ tới vẫn thường hội ý và kẻ makét ở nhà hát vào đêm khuya trong lúc im ắng tiếng đàn giọng ca.
Trong tiểu luận "Ca trù Thăng Long - Hà Nội: Những diễn biến trong tiến trình lịch sử" của nhà nghiên cứu Trần Thị Kim Anh có đoạn: "Những bài viết sâu sắc với những từ ngữ đẹp đẽ nhất dùng để miêu tả ngợi ca nghệ thuật ca trù của Phạm Quỳnh, Nguyễn Xuân Khoát, Ngô Linh Ngọc đều bắt nguồn từ đây. Nhạc của Nguyễn Văn Thương, thơ của Vũ Hoàng Chương, Trần Huyền Trân lấy cảm hứng từ đây. Bản dịch "Tương tiến tửu" của Đái Đức Tuấn, tác phẩm "Con voi già của vua Hàm Nghi" của Lưu Trọng Lư đều bắt đầu viết ở đây trong những cơn cao hứng. Đặc biệt Nguyễn Tuân yêu quý và trân trọng ca trù tới mức, dường như với ông, ca trù là một ngôi đền linh thiêng để hóa giải những nỗi đau tục lụy. Ca trù trong ông luôn như một nỗi ám ảnh và nỗi ám ảnh đó từng được thể hiện sâu sắc, đau đớn trong những truyện ngắn như "Chiếc lư đồng mắt cua" (1941), "Đới Roi" (1943) "Chùa Đàn" (1946) - những truyện ngắn đánh dấu một giai đoạn tuyệt diệu trong cuộc đời sáng tác của ông". Không chỉ gây cảm hứng mà cô đầu Khâm Thiên còn là đề tài cho một số nhà văn trong đó Kim Lân có truyện "Đứa con người cô đầu". Tuy nhiên nhìn ở góc độ khác, nhà thơ Trần Huyền Trân lại cho rằng sở dĩ đám văn nghệ sỹ thích chơi với cô đầu vì bọn họ thiếu tiền nhưng thừa tình người. Họ làm ra vẻ hiểu và thông cảm với chị em khi bị xã hội ruồng bỏ. Thậm chí nhà báo Hoàng Tích Chu du học Pháp về làm báo Đông Tây còn sống "boóng" (sống dựa) vào cô đầu và sau này cặp kè với Đốc Sao.
Đằng sau chốn ăn chơi kia là thân phận của các cô đầu với cuộc sống bi ai không lối thoát. Gia đình nhà thơ Trần Huyền Trân sống trên chiếc lều kiểu nhà sàn dựng bằng tre ghếch lên bờ Cống Trắng. Khu vực này cũng là nơi trọ của nhiều cô đầu nên ngay từ khi còn đi học, các cô đầu có giọng hát hay nhưng không biết chữ nhờ Trần Huyền Trân viết thư tình cho các anh "chồng hờ" vòi vĩnh tiền đánh bạc, Trần Huyền Trân kể, ông thấy thương họ hơn là ghét. Có một chuyện ít người biết là khi họa sỹ Cát Tường thiết kế chiếc áo dài Lemur và họa sỹ Lê Phổ hoàn chỉnh thì chính chị em cô đầu Khâm Thiên mặc đầu tiên, sau đó mới lan ra các cô gái con nhà nền nếp khi đó đang nô nức với phong trào giải phóng phụ nữ. Ngày 2-9-1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, các nhà hát Khâm Thiên bị đóng cửa. Ngày 19-12-1946, Thủ đô bước vào cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp, có cô đầu không trở về quê, ở lại tham gia các đội tải thương, thậm chí có người đã hy sinh. Và không có nhà văn, nhà báo nào viết về họ.
Ca trù hôm nay
Hát ả đào hay hát cô đầu chỉ là cách gọi lối hát ca trù mà không phải là thể loại âm nhạc. Từ ả đào có hai cách giải thích, theo "Việt sử tiêu án" của Ngô Sỹ Liên, vua Lý Thái Tổ (1010-1028) có ca nhi Đào thị hát hay, tài giỏi được vua ban thưởng, vì mộ danh Đào thị nên sau này người ta gọi các con hát là Đào nương. Còn sách "Công tư diệp ký" ghi cuối đời nhà Hồ (1400-1470) Hưng Yên có ca nhi họ Đào người làng Đào Xá lập mưu giết giặc Minh, khi nàng chết, dân làng lập đền thờ và gọi thôn nơi nàng ở là thôn Ả Đào, từ đấy người đi hát ca trù gọi là Ả Đào hay Đào nương. Về từ "cô đầu", sách "Ca trù bị khảo" giải thích: Các ả đào thành danh khi đi dạy học trò thành nghề thường cho họ đi hát theo, mỗi lần như vậy trò trích ra một số tiền để cung dưỡng thầy, số tiền này được gọi là tiền "đầu", sau này người ta dùng chữ "cô" thay cho chữ "ả" và chữ "đầu" thay cho chữ "đào" và vì thế mà “ả đào” biến thành “cô đầu”. Tuy nhiên từ cô đầu bị hiểu theo nghĩa rất xấu.
Sau năm 1954, do bị "mang tiếng" cô đầu là tệ nạn xã hội, là tàn dư của chế độ cũ nên không ai hát ca trù và cũng không có đơn vị nào tổ chức hát ca trù. Tám năm sau, qua sự gợi ý của một cán bộ văn hóa về giá trị của nghệ thuật này và người ta biến tướng ca trù để kiếm lời nên Tết Nhâm Dần năm 1962, Sở Văn hóa Hà Nội đã tổ chức chương trình ca trù tại Văn Miếu. Chương trình kéo dài gần 2 tiếng và trong số khách mời có vị khách đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau này NSND Quách Thị Hồ kể lại, chưa bao giờ bà run khi hát ca trù nhưng hôm đó quá cảm động vì có Bác nghe nên có đoạn bà hụt hơi.
Sau sự kiện đó, ca trù được "giải oan" nhưng miền Bắc bị không quân Mỹ ném bom nên ca trù chưa được hát nhiều trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Năm 1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, miền Bắc sống trong hòa bình nên ca trù bắt đầu được quan tâm. Một số ca nương lừng danh một thời như Nguyễn Thị Phúc, Nguyễn Thị Mùi, Đinh Thị Bản, Quách Thị Hồ... lại được những người hoạt động âm nhạc chú ý. Thời Pháp, giọng ca của ca nương Quách Thị Hồ đã được Hãng thu âm Pathé làm thành đĩa thì nay Quách Thị Hồ và đào nương hát cửa đình Nguyễn Thị Mùi được chọn để ghi âm và xuất bản. Nói về nghệ thuật ca trù không thể không nói đến Quách Thị Hồ, bà là đào nương duy nhất được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân. Năm 1983, bà tham gia Liên hoan Quốc tế âm nhạc truyền thống châu Á tại Bình Nhưỡng và là nghệ sỹ Việt Nam duy nhất được trao giải thưởng. Còn nghệ nhân Nguyễn Thị Mùi quê ở xã Liên Hà (huyện Đông Anh) là người giữ được lối hát khuôn trong hát thờ của giáo phường Lỗ Khê. Những năm cuối đời, bà đã kịp truyền lại một số thể cách hát múa cho con cháu làm sống lại lối hát cửa đình.
Một sự kiện làm nức lòng người dân Việt Nam là ngày 30-9 và ngày 1-10-2009, dân ca quan họ đã được UNESCO vinh danh là văn hóa phi vật thể của nhân loại, còn ca trù là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Thực ra trước khi ca trù được UNESCO vinh danh, Hà Nội có rất nhiều câu lạc bộ ca trù ra đời. Không chỉ phục vụ nhu cầu của khán giả mà các câu lạc bộ này còn góp phần bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có một không hai này. Tuy nhiên hầu hết các câu lạc bộ vẫn chưa được đầu tư xứng đáng về cơ sở vật chất và họ vẫn phải tự thân vận động cho dù Nhà nước đã có hành động quốc gia bảo vệ ca trù giai đoạn 2010-2015.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.