Theo dõi Báo Hànộimới trên

Từ bản yêu sách đến Việt Nam yêu cầu ca của Nguyễn Ái Quốc

Lê Xuân Đức| 03/09/2015 07:15

(HNM) - Được biết tại Hội nghị Vécxây, các nước thắng trận thế chiến thứ II sẽ có tuyên bố trao trả độc lập cho các nước phụ thuộc, Nguyễn Ái Quốc thay mặt Hội Người Việt Nam yêu nước tại Pháp trực tiếp đến Văn phòng hội nghị trao bản Yêu sách của nhân dân An Nam (Revendcations du frenple An namite),



Bản Yêu sách cũng như yêu cầu của các dân tộc bị áp bức không được xem xét. Những tuyên bố nào là độc lập, tự trị, tự do, dân chủ cho các dân tộc chỉ là giả dối. Ngay sau khi Hội nghị Vécxây kết thúc, Nguyễn Ái Quốc đã cho in bản Yêu sách thành truyền đơn, đăng báo ở Pháp và đặc biệt chuyển ngữ thành bài ca Việt Nam yêu cầu ca bằng 47 câu lục bát và song thất lục bát dễ hiểu, dễ thuộc gửi về nước cùng bản Yêu sách để người dân hiểu, giác ngộ, tích cực tham gia đấu tranh đòi các quyền cho mình và cho dân tộc.

Nếu đem so Việt Nam yêu cầu ca với bản Yêu sách thì chuyển ngữ không theo nguyên văn của một văn bản chính luận - luận đề, mà nó là một thể loại diễn ca, vẫn bảo đảm nội dung tư tưởng và trình tự của bản Yêu sách, nhưng được diễn đạt một cách giản dị, mềm mại, dễ hiểu nhất, dễ đi vào lòng người phù hợp với tâm lý, tư tưởng của đông đảo người dân, vừa tác động đến nhận thức, vừa tác động vào tình cảm. Chúng ta so sánh để thấy được Nguyễn Ái Quốc rất quan tâm đến đối tượng đọc văn bản, chẳng hạn như, bản Yêu sách viết: "Từ ngày Đồng minh thắng trận tới nay, tất cả các dân tộc bị lệ thuộc đều chứa chan hy vọng rằng theo những lời cam kết chính thức và trịnh trọng mà các cường quốc Đồng minh đã tuyên bố với toàn thế giới, trong cuộc đấu tranh của văn minh với dã man, thì tiền đồ một thời đại công lý và chính nghĩa nhất định là phải đến với họ. Trong khi chờ cho đến nguyên tắc dân tộc sẽ từ lĩnh vực tư tưởng chuyển vào lĩnh vực hiện thực (…) xin trình với quý Chính phủ trong Đồng minh nói chung và Chính phủ Pháp đáng kính nói riêng, những yêu sách nhỏ sau đây". Khi chuyển thành bài ca tuy vẫn bảo đảm đủ các ý nhưng được diễn đạt một cách uyển chuyển: "Bằng nay gặp hội giao hòa/ Muôn dân hèn yếu gần xa vui tình/ Cậy rằng các nước Đồng minh/ Đem gương công lý giết hình dã man/ Mấy phen công bố rõ ràng/ Dân nào rồi cũng được trang bình quyền/ Việt Nam xưa cũng oai thiêng/ Mà nay đứng dưới thuộc quyền Lang Sa/ Lòng thành tỏ nỗi xót xa/ Giám xin đại quốc soi qua chút nào".

Hay như, bản Yêu sách trình bày 8 yêu sách từ 1 đến 8 ngắn gọn, rõ ràng, súc tích thể hiện những yêu cầu cơ bản, khẩn thiết: "1. Ân xá cho tất cả chính trị phạm; 2. Cải cách nền công lý ở Đông Dương bằng cách ban cho người bản xứ cũng được quyền hưởng những bảo đảm về mặt pháp luật như người Âu Châu; xóa bỏ hoàn toàn và triệt để các tòa án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong dân An Nam; 3. Quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận; 4. Quyền tự do lập hội và hội họp; 5. Quyền tự do xuất ngoại và đi du lịch nước ngoài; 6. Quyền tự do giáo dục, thành lập các trường kỹ thuật và công nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ; 7. Thay chế độ ra sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật; 8. Đoàn đại biểu thường trực của người bản xứ do người bản xứ bầu ra tại Nghị viện Pháp để giúp cho Nghị viện biết được những nguyện vọng của người bản xứ". Trong Việt Nam yêu cầu ca cũng ngắn gọn, rõ ràng…, cũng từ 1 đến 8. Song cách bày tỏ rất gần với cách nói của dân gian, bằng 8 mục xin nhã nhặn: "Một xin tha kẻ đồng bào/ Vì chưng Chính trị mắc vào tù giam/ Hai xin phép luật sửa sang/ Người Tây, người Việt hai phương cùng đồng/ Những tòa đặc biệt bất công/ Giám xin bỏ dứt rộng dung dân lành/ Ba xin rộng phép học hành/ Mở mang kỹ nghệ, lập thành công thương/ Bốn xin được phép hội hàng/ Năm xin nghĩ ngợi nói bàn tự do/ Sáu xin được phép lịch du/ Bốn phương mặc sức, năm châu mặc tình/ Bảy xin Hiến pháp ban hành/ Trăm điều phải có thần linh pháp quyền/ Tám xin được cử nghị viên/ Qua Tây thay mặt giữ quyền thổ dân".

Sau khi đưa ra 8 yêu sách, đoạn kết của bản Yêu sách, Nguyễn Ái Quốc đặt niềm tin và hy vọng vào chính nghĩa, khích lệ các cường quốc và nước Pháp thực hiện những tuyên bố cao cả của họ. Nguyễn Ái Quốc viết: "Đưa ra những yêu sách trên đây, là nhân dân Việt Nam trông cậy vào chính nghĩa thế giới của tất cả các cường quốc và đặc biệt tin vào lòng rộng lượng của nhân dân Pháp cao cả, tức là của những người đang nắm vận mệnh của nhân dân An Nam (…) vì nhân dân An Nam biết rằng, nhân dân Pháp, đại biểu cho tự do và công lý, và không bao giờ từ bỏ lý tưởng cao cả của mình là bác ái toàn thế giới. Vì thế, nghe theo tiếng nói của những người bị áp bức là nhân dân Pháp sẽ làm tròn nhiệm vụ của mình đối với nước Pháp và đối với nhân loại". Cùng với việc diễn dịch trung thành ý tứ của yêu sách: "Tám điều cặn tỏ gần xa/ Chứng nhờ vạn quốc công dân xét tình/ Riêng nhờ dân Pháp công bình/ Đem lòng đoái lại của mình trong tay/ Pháp dân nức tiếng xưa nay/ Đồng bào bác ái sánh tày không ai/ Nỡ nào ngoảnh mặt ngơ tai/ Để cho mấy ức triệu người bơ vơ/ Dân Nam một dạ ước mơ/ Lâu nay từng núp bóng cờ tự do/ Rộng xin dân Pháp giúp cho/ Trong phò tiếng nước, sau phò lẽ công" vì Việt Nam yêu cầu ca gửi về nước cho đồng bào nên Nguyễn Ái Quốc nói rõ mục đích vì sao dịch bản Yêu sách mà có những ý bản Yêu sách không có: "Dịch mấy chữ quốc dân bày tỏ/ Để đồng bào lớn nhỏ đều hay/ Hòa bình mang lại hội này/ Tôn sùng công lý, đọa đày dã man". Bài ca đã chuyển tự nhiên sang thể song thất lục bát để mở rộng và nhấn mạnh tự do, củng cố và thuyết phục, bởi tại Hội nghị Vécxây, một số nước đã có đoàn đại biểu thay mặt các dân tộc bị áp bức và phụ thuộc như Ấn Độ, Ailen, Triều Tiên, Ả Rập… đến Vécxây để yêu cầu trao trả độc lập. Với An Nam mình: "Lẽ nào Nam lại chịu thân tôi đòi/ Hãy mở mắt mà soi cho tỏ/ Nào Ailen, Ấn Độ, Cao Ly/ Xưa, hèn phải bước suy vi/ Nay, gần độc lập cũng vì dân khôn". Tiếp sau đó là sự khích lệ toàn dân: "Hai mươi triệu quốc hồn Nam Việt/ Thế cuộc này phải biết mà lo/ Đồng bào bình đẳng tự do/ Xét mình rồi lại đem so với người" và giãi bày nỗi lòng mong được thấu tỏ: "Ngổn ngang lời vắn than dài/ Anh em đã thấu lòng này cho chưa".

Bản Yêu sách đã làm chấn động dư luận Pháp, trở thành một tiếng vang lớn trong giới nghị sĩ, trong nhân dân Pháp và các nước thuộc địa của Pháp. Bản Yêu sách còn là dấu mốc chuyển biến quan trọng trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Từ bản yêu sách đến Việt Nam yêu cầu ca của Nguyễn Ái Quốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.