(HNM) - Phụ nữ Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng từ cuối thế kỷ XIX trở về trước khi sinh con do bà mụ đỡ và thường ở mỗi làng, mỗi xã, mỗi phố có một bà mụ. Khi người phụ nữ sắp sinh, gia đình sẽ mời bà mụ đến thăm thai và bằng kinh nghiệm, bà mụ sẽ dự đoán thời gian sinh nở. Tuy nhiên, do những hủ tục mang nặng màu sắc mê tín nên có bà mụ bắt người chồng hay người thân làm một số mẹo để sản phụ dễ đẻ và tùy theo vùng miền sẽ có những mẹo khác nhau.
Trong bài thơ dân gian Đám cưới chuột ở vùng Liễu Đôi, khi chuột cái đau đẻ, bà đỡ khuyên vợ chồng chuột:
… Đau thì nén chịu con ơi
Qua cơn vượt cạn ấy thời rinh rang
Chú đi tìm bắc cái thang
Leo nhà ba bậc, lăn đàng năm tao
Rồi ra lặn cọc bờ ao
Xong rồi mới vào liếm láp đồ rau
Cứ y như phép nhiệm màu
Làm xong là đẻ chẳng đau đớn nào…
Sản phụ chờ sinh và người thân tại Nhà hộ sinh A (Ngô Quyền, Hà Nội).Ảnh: Minh Thùy |
Khuyên chuột nhưng thực ra là khuyên các ông chồng, “bắc cái thang”, “leo ba bậc” hay “lăn đàng năm tao”… chính là những mẹo để sản phụ dễ đẻ. Song dù dùng mẹo, kinh nghiệm của các bà mụ cũng có khi không tránh được việc thai nhi hay sản phụ tử vong vì thế có chửa “vừa là phúc cũng vừa là họa” nên dân gian có câu “Chửa là cửa mả” hay “Chửa con so làm lo láng giềng”. “Mẹ tròn con vuông” là mong mỏi của các gia đình nhưng tục lệ kiêng kỵ không cho người khác đẻ ở nhà mình, kể cả người ruột thịt, họ hàng đã gây nguy hiểm cho sản phụ đang đau đẻ, có gia đình buộc phải dựng lều sinh ngoài cánh đồng. Đáng thương nhất là những người đàn bà chửa gần đến tháng sinh vẫn phải lao động quần quật nên đã đẻ rơi ngoài đường. Theo thống kê năm 1928, tỷ lệ thai nhi bị chết lên tới 30%.
Năm 1902, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer ra quyết định thành lập Trường Y khoa Đông Dương (École de Médecine de l’Indochine - tiền thân Đại học Y Hà Nội hiện nay). Cùng với trường là bệnh viện thực hành được xây dựng tại ấp Thái Hà. Tuy nhiên, do Thái Hà khi đó ở vùng ngoại ô không thuận tiện cho việc đi lại nên năm 1904, chính quyền bảo hộ quyết định xung công khu đất thuộc tu viện Carmel do bà phước Aimec thành lập đồng thời với bệnh xá của bà phước Antoine trên đất Phủ Doãn từ năm 1888.
Việc xung công dựa theo chính sách thế tục hóa (laicisation) các trường học và bệnh viện thuộc nhà thờ công giáo của Chính phủ Đệ tam cộng hòa Pháp. Sau khi xung công, Toàn quyền Paul Beau (thay Paul Doumer) ra quyết định thành lập Bệnh viện Bảo hộ (Hospital du Protectorat - sau 1954 đổi thành Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức), nhưng vì xây trên đất Phủ Doãn xưa nên người dân gọi là Nhà thương Phủ Doãn. Còn phần đất thuộc tu viện Carmel trở thành nhà hộ sinh (maternite municipale) đầu tiên của Hà Nội (tiền thân của Viện Bảo vệ bà mẹ và trẻ em hiện nay). Paul Beau đã thay hiệu trưởng mới là bác sĩ Cognacq, Le Roy des Barres, người cùng thi đỗ trong đợt tuyển bác sĩ sang Đông Dương được cử làm giám đốc bệnh viện và phụ trách nhà hộ sinh. Việc thành lập Trường Y khoa Đông Dương nằm trong chính sách “khai hóa văn minh cho An Nam” của Chính phủ Pháp và cũng lần đầu tiên trong lịch sử, sản phụ ở Hà Nội sinh con theo kiểu phương Tây, nghĩa là gần đến ngày đẻ sản phụ vào bệnh viện, nếu khó sinh thì bác sĩ có thể mổ để lấy con hay cứu mẹ.
Theo Tạp chí Đông Dương (Revue Indochinoise - năm 1908), năm 1905 nhà hộ sinh thành phố đã đón 250 sản phụ, năm 1906 là 474 - số sản phụ tăng lên chứng tỏ các bà mẹ ở thành phố tin tưởng sinh con ở bệnh viện. Ngay từ khi bệnh viện thực hành Phủ Doãn thành lập thì Trường Y khoa Đông Dương đã mở lớp đào tạo nữ hộ sinh người Việt Nam, tuy nhiên, những năm đầu thế kỷ XX, phụ nữ có văn bằng tiếng Pháp rất hiếm vì hệ thống giáo dục phổ thông mới hình thành nên phải đào tạo theo kiểu không chính quy nghĩa là học nghề tại bệnh viện. Tính đến năm 1914 đã có 237 y sĩ, y tá và nữ hộ sinh được đào tạo, song số nữ hộ sinh chỉ có mấy chục người, nguyên nhân là nghề đỡ bị “mang tiếng” vì dư luận đồn đại bác sĩ Le Roy des Barrdes trực đêm hay “quan hệ với nữ hộ sinh” và ông này có nhiều vợ Việt Nam không chính thức, đa số làm nghề đỡ. Vả lại nghề hộ sinh không bằng nghề dạy học nên nhiều người học xong, nếu lấy chồng là bỏ nghề.
Năm 1918, Hà Nội xuất hiện nhà hộ sinh tư đầu tiên là “Rồng vàng” ở số nhà 40 Rue Takou (nay là phố Hàng Cót). Người đứng ra mở là cô Tiến, một trong những học viên khóa năm 1916 của Trường Y Hà Nội. Khóa này được đào tạo chính quy đầu tiên. Nhà hộ sinh “Rồng vàng” trang bị đầy đủ cơ sở vật chất lại do bác sĩ Le Roy des Barrdes đỡ đầu và mỗi khi gặp ca khó thì chính bác sĩ này trực tiếp xử lý nên thu hút rất đông sản phụ Hà Nội thuộc tầng lớp trung lưu. Tầng lớp này không muốn đẻ ở Bệnh viện Phủ Doãn vì ngại nằm chung phòng với tầng lớp tiểu thương và dân nghèo, song họ lại không thể đẻ ở Bệnh viện Saint Paul nơi chỉ dành cho vợ quan lại, công chức cao cấp người Việt, người Pháp. Tiếp sau bà Tiến, cô Josephine người Pháp cũng mở nhà hộ sinh ở số 10 phố Đồng Xuân.
Để khuyến khích phụ nữ theo học hộ sinh, chính phủ bảo hộ chỉ yêu cầu có bằng tiểu học (tức là có thể nói được tiếng Pháp), người trúng tuyển được cấp học bổng, năm thứ nhất là 6 đồng/tháng, năm thứ hai là 8 đồng/tháng. Tốt nghiệp đi làm bệnh viện công hưởng lương 25 đồng/tháng (một tạ gạo thời điểm này là 3 đồng), cao hơn y tá nhưng lại kém lương giáo viên tiểu học. Những chuyện “thành kiến” với nữ hộ sinh hoặc có bảo đảm của bác sĩ Tây dần vào quá khứ và xã hội đã tin tưởng vào chuyên môn của các nữ hộ sinh Hà Nội.
Số bác sĩ tốt nghiệp Trường Y Hà Nội ngày càng nhiều, có bác sĩ làm bệnh viện công, có bác sĩ làm việc cho các ngành nhưng cũng nhiều bác sĩ mở bệnh viện tư, ví dụ như Bệnh viện Đặng Vũ Lạc, Hoàng Thụy Ba, Nguyễn Văn Chính… và các bệnh viện này đều có khoa sản. Trước khi trở thành Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội cuối tháng 8-1945, bác sĩ Trần Duy Hưng có bệnh viện tư ở phố Bông Thợ Nhuộm và chính ông đã đỡ đẻ cho em gái mình. Cho đến năm 1945, khu vực nội thành không còn ai đẻ tại nhà, tất cả đều đẻ tại bệnh viện.
Sau 1954, mỗi khu phố có một nhà hộ sinh trực thuộc phòng y tế khu phố, tuy nhiên sản phụ có thể sinh con tại các bệnh viện. Tại các xã ngoại thành, các trạm y tế đều có người đỡ đẻ được đào tạo bài bản. Trong các nhà hộ sinh của Hà Nội thì Nhà hộ sinh B (người dân quen gọi là nhà hộ sinh Cây đa nhà bò) ở cuối phố Lò Đúc có nhiều đồn đại ma quỷ nhất. Cạnh cây đa có cái miếu nhỏ, ngày Rằm, mùng Một nghi ngút khói hương và chen chúc xì xụp khấn vái.
Vào những năm 1920, khu vực này có nhiều bãi đất trống và hồ ao nên nhà hàng Weil chuyên bán thịt bò ở đầu phố Hàng Giò (nay là Bà Triệu) mua bãi đất sát cây đa để thả bò trước khi giết mổ. Xung quanh cũng có vài gia đình Ấn kiều nuôi bò sữa, hằng ngày vắt rồi mang lên phố bán. Một số người Việt như: Cả Xây, Hai Hồ, Ba Cháo cũng bắt chước nuôi bò sữa và nhờ có bò sữa nên họ đã xây được nhà vì thế cái tên Cây đa nhà bò ra đời. Cuối những năm 1930, Hãng Hàng không Pháp (Air France) mua lô đất này xây nhà, mở xưởng chuyên vẽ bản đồ bay, sau đó khu nhà lại thành phân xưởng cơ khí của Hãng ô tô Berset. Và cái xưởng cơ khí này thành Nhà hộ sinh B vào năm 1960 thì gia đình sản phụ thường thắp hương cầu khấn cho “mẹ tròn con vuông” xin “thần cây đa” đừng bắt đứa bé đi vì thế ngày nào nhà hộ sinh cũng có mùi hương và khói xông vào nên chính quyền buộc phải cho xây bảng tin ở phía ngoài để chặn người lễ.
Có thể nói phần lớn những người dưới 55 tuổi đã sống ở quận Hai Bà Trưng đều sinh ra ở Nhà hộ sinh B và nói một cách công bằng, kinh nghiệm cùng kiến thức chuyên môn của các nữ hộ sinh ở đây rất cao. Thế nhưng, bây giờ không chỉ Nhà hộ sinh B mà Hộ sinh A, Đống Đa, Ba Đình vắng sản phụ và các gia đình giàu có đã chấp nhận bỏ cả trăm triệu đồng để sinh con ở bệnh viện có vốn nước ngoài nào đó.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.