Theo dõi Báo Hànộimới trên

Từ 1/3: Tăng giá điện so với năm 2010 là 165 đồng/kWh

Lan Hương| 26/02/2011 18:37

(HNMO) – Từ ngày 01/03/2011, giá bán điện bình quân năm 2011 sẽ là 1.242 đồng/kWh, tăng so với năm 2010 là 165 đồng/kWh (tăng 15,3%). Theo Bộ Công thương, qua việc tăng giá điện, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống nhân dân và phát triển kinh tế đã được xem xét để giữ ở mức thấp nhất.


Buộc phải tăng giá điện


Chiều 26/2, lãnh đạo Bộ Công thương và Bộ Tài chính đã có buổi họp báo chính thức công bố về việc điều chỉnh giá điện năm 2011.

Liên Bộ Công thương – Tài chính cho biết, ngày 23 tháng 02 năm 2011 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 268/QĐ-TTg về biểu giá bán lẻ điện áp dụng từ năm 2011 và Quyết định số 269/QĐ-TTg về giá bán điện năm 2011. Việc điều chỉnh giá điện năm 2011 là bước đi cần thiết để thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc chuyển các mặt hàng sang thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước và thực hiện lộ trình điều chỉnh giá điện quy định tại Quyết định 21/2009/QĐ-TTg ngày 12/2/2009 của Thủ tướng Chính phủ về giá bán điện năm 2009 và các năm 2010 - 2012 theo cơ chế thị trường. Cũng qua đây nhằm xử lý một số vấn đề mang tính căn bản, dài hạn hơn để xử lý những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực phát triển điện lực ở nước ta thời gian qua, chủ yếu như: Giá điện của Việt Nam trong những năm qua vẫn đang ở mức thấp và thấp hơn giá thành thực tế cho sản xuất kinh doanh điện nếu tính đầy đủ các yếu tố đầu vào theo giá thị trường, do vậy không bảo đảm được cân bằng tài chính cho các đơn vị sản xuất điện, không hấp dẫn được các nhà đầu tư vào lĩnh vực này, dẫn tới tình trạng chậm đầu tư các nguồn điện mới; đồng thời cũng không khuyến khích doanh nghiệp và người sử dụng điện lựa chọn đổi mới công nghệ sản xuất, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả... Bên cạnh đó, hiện nay chi phí cho sản xuất kinh doanh điện cũng đã tăng cao.

Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hầu hết các chi phí thực tế cho sản xuất kinh doanh điện (số liệu chưa được kiểm toán) đều tăng cao hơn so với số liệu tính toán. Trong năm 2010, các nhà máy nhiệt điện chạy than mới đưa vào vận hành phát không ổn định, điều kiện thuỷ văn bất lợi, hạn hán kéo dài, các nhà máy thủy điện không đủ nước để vận hành, vì vậy hệ thống phải huy động các nguồn điện có giá cao (nguồn điện chạy dầu, nhập khẩu) làm tăng thêm chi phí hàng nghìn tỷ đồng. Các thông số đầu vào hình thành giá điện cũng đã tăng cao, cụ thể: tỷ giá ngoại tệ tăng cao (từ 18.500đ/USD vào thời điểm tính toán giá điện 2010 lên trên 20.000 đ/USD vào cuối năm), giá khí cho nhà máy điện Cà Mau tăng cao do giá dầu thế giới tăng…



Thành phố Hà Nội về đêm.

Nhà nước vẫn hỗ trợ giá điện cho các hộ nghèo, hộ thu nhập thấp

Theo Quyết định số 268/QĐ-TTg ngày 23 tháng 02 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về biểu giá bán lẻ điện áp dụng từ năm 2011 và Quyết định số 269/QĐ-TTg về giá bán điện năm 2011, Biểu giá điện năm 2011 được điều chỉnh trên nguyên tắc không gây ra sự biến động lớn về giá; bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt đối với các hộ nghèo và các hộ thu nhập thấp, tức là nhà nước vẫn có cơ chế hỗ trợ giá điện cho các hộ này; giá điện cho các thành phần được xây dựng minh bạch, không có bù chéo trong giá giữa các đối tượng khách hàng; giá điện được tính toán để tách bạch chức năng kinh doanh và bảo trợ xã hội của ngành điện.

Theo đó, sẽ tiếp tục áp dụng biểu giá điện bậc thang cho điện sinh hoạt gồm 7 bậc với bậc thang đầu tiên (từ 0 - 50 kWh) có giá ở mức chỉ bằng 80% giá bán điện bình quân 2011 và áp dụng cho các hộ có thu nhập thấp thường xuyên sử dụng điện ở mức dưới 50kWh/tháng; giá điện cho các bậc thang thứ 2 (từ 0 – 100kWh) áp dụng cho các hộ sử dụng điện thông thường, có giá ở mức bằng giá bán điện bình quân được duyệt; giá điện cho các bậc thang tiếp theo tăng dần để khuyến khích tiết kiệm trong sử dụng điện.

Các hộ thuộc diện hộ nghèo theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định được hỗ trợ giá điện cho 50kWh/tháng với mức hỗ trợ là 30.000 đồng/hộ/tháng.

Các hộ có thu nhập thấp thường xuyên có mức sử dụng điện không quá 50kWh/tháng cũng được hỗ trợ giá điện do được mua điện cho 50kWh của bậc thang đầu tiên hàng tháng với giá bằng 80% giá bán điện bình quân, không có lợi nhuận. Để được hỗ trợ giá, các hộ thu nhập thấp đăng ký với bên bán điện; trường hợp trong 3 tháng liên tiếp tổng lượng điện sử dụng của hộ đã đăng ký lớn hơn 150 kWh thì bên bán điện sẽ tự động chuyển hộ sử dụng sang áp dụng mức giá điện từ bậc thang thứ hai và các bậc tiếp theo trong các tháng còn lại trong năm.

Tại những khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo chưa nối lưới điện quốc gia, giá sàn điện sinh hoạt bằng 1,5 lần giá bán điện bình quân năm, giá trần bằng 2,5 lần giá bán điện bình quân năm.

Về mức điều chỉnh, giá bán điện bình quân năm 2011 sẽ là 1.242 đồng/kWh, tăng 165 đồng/kWh so với giá điện bình quân thực hiện năm 2010; thời gian áp dụng từ ngày 01 tháng 3 năm 2011, tương ứng với các thông số đầu vào tính toán của phương án giá điện.

Đáng chú ý, theo Bộ Công thương, trong việc tăng giá điện lần này, lợi nhuận của EVN được tính bằng 0%. Việc điều chỉnh giá điện lần này chủ yếu là để bù đắp các chi phí đầu vào được chuyển vào giá điện (như tăng giá than và giá khí cho phát điện) và chỉ để giảm một phần lỗ đã phát sinh cho doanh nghiệp, chứ không phải là tăng giá để đầu tư cho hệ thống.

Các chi phí phát sinh của EVN từ các năm trước vẫn chưa được tính vào giá điện năm 2011 để thu hồi, cụ thể các chi phí còn treo lại như: Chi phí vận hành bảo dưỡng (O&M) và chi phí công suất của nhà máy điện Cà Mau các năm 2008-2009; Chi phí tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn từ 2010 trở về trước còn lại; Chi phí hỗ trợ giá điện cho hộ nghèo năm 2011… Tổng cộng các khoản chi phí chưa được tính vào giá điện trong năm 2011 lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.

Như vậy, khi quyết định tăng giá điện, Chính phủ đã cân nhắc chỉ bù đắp một phần chi phí phát sinh cho ngành điện nói chung và cho EVN nói riêng, doanh nghiệp vẫn chịu lỗ khi giá điện được điều chỉnh ở mức thấp nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của tăng giá điện tới tốc độ tăng trưởng kinh tế và đời sống xã hội. Để đảm bảo khả năng cung cấp điện ổn định lâu dài của hệ thống điện, cần thiết phải có cơ chế điều chỉnh giá điện để doanh nghiệp thu hồi một phần các chi phí này khi điều kiện cho phép.

Điều chỉnh giá điện làm tăng CPI khoảng 0,46%

Theo đánh giá của liên Bộ Công thương – Tài chính, với mức tăng giá điện so với giá thực hiện năm 2010 là 165 đồng/kWh (15,3%), ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống nhân dân và phát triển kinh tế đã được xem xét để giữ ở mức thấp nhất. Do tăng giá điện, ước tính sẽ trực tiếp làm tăng CPI khoảng 0,46%.

Về tác động đến các ngành sản xuất, dự kiến giá điện cho sản xuất tăng bình quân khoảng 12%, làm tăng giá thành sản xuất của các ngành sản xuất từ 0,01 – 1,33%. Đối với các ngành cán thép, xi măng, sản xuất sợi, tỷ lệ tăng giá thành sản phẩm do điều chỉnh giá điện khoảng từ 0,38-1,33%; Đối với các ngành thuốc lá, bia, sản xuất bao bì, tỷ lệ tăng giá thành sản phẩm do điều chỉnh giá điện khoảng từ 0,01-0,46%.

Đối với các hộ sử dụng điện sinh hoạt, ảnh hưởng của điều chỉnh giá điện như sau: Đối với hộ tiêu thụ 100kWh/tháng, tiền điện phải trả tăng thêm là 32.000 đồng; Đối với hộ tiêu thụ 200kWh/tháng, tiền điện phải trả tăng thêm là 39.000 đồng; Đối với hộ tiêu thụ 300kWh/tháng, tiền điện phải trả tăng thêm là 45.000 đồng; Đối với hộ tiêu thụ 400kWh/tháng, tiền điện phải trả tăng thêm là 52.000 đồng.

Bên cạnh đó, đối với các hàng hoá thiết yếu cho sinh hoạt hàng ngày như thực phẩm, hàng may mặc, nhiên liệu xăng dầu…, thực tế, tỷ trọng chi phí tiền điện trong giá thành các mặt hàng này là rất nhỏ do đó tỷ lệ tăng giá các mặt hàng này do điều chỉnh giá điện là không đáng kể.

Có thể thấy, việc điều chỉnh giá điện năm 2011 là một bước đi trong lộ trình để thực hiện thị trường hoá giá điện và để giá điện thực sự trở thành tín hiệu thu hút đầu tư vào các công trình điện, đảm bảo cho hệ thống điện có đủ nguồn cung cấp, đủ năng lực truyền tải và phân phối điện, vận hành ổn định.

Tại Quyết định về giá bán điện năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương hoàn chỉnh Quy định về cơ chế giá bán điện theo cơ chế thị trường trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quý I năm 2011. Như vậy, việc điều chỉnh giá điện năm 2011 chỉ là một bước điều chỉnh giá điện để tiến tới thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường, đồng thời cơ chế giá điện áp dụng đảm bảo bù giá hợp lý giữa các nhóm khách hàng, thực hiện được chính sách bù giá điện của Chính phủ đối với người nghèo, người có thu nhập thấp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Từ 1/3: Tăng giá điện so với năm 2010 là 165 đồng/kWh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.