(HNMO) - Chiều 15-9, Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội họp với các quận, huyện, thị xã theo hình thức trực tuyến. Dự và chỉ đạo cuộc họp có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội và đại diện các sở, ngành.
29 ngày Hà Nội không ghi nhận ca mắc mới, các F1 kết thúc cách ly
Báo cáo tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, đến nay đã 29 ngày, Hà Nội không ghi nhận thêm ca mắc mới ngoài cộng đồng. Bên cạnh đó, thành phố có 589 trường hợp F1 đã hoàn thành cách ly; 3.605 trường hợp F2. Số người còn cách ly tập trung là 1.457. Thành phố chỉ ghi nhận thêm 1 ca mắc nhập cảnh là BN1060 từ Nga về Việt Nam ngày 8-9, đã được cách ly tập trung.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội tiếp tục xét nghiệm RT-PCR cho các trường hợp nhập cảnh, người có biểu hiện sốt, ho, trường hợp có yếu tố dịch tễ. Từ ngày 11 đến 15-9, CDC Hà Nội đã xét nghiệm cho 722 trường hợp, đều cho kết quả âm tính.
Đánh giá về tình hình dịch, ông Hoàng Đức Hạnh cho biết, mặc dù Hà Nội không ghi nhận ca mắc mới ngoài cộng đồng nhưng vẫn có nguy cơ xuất hiện ca bệnh mới và dịch bùng phát trở lại do mầm bệnh tồn tại trong cộng đồng và sẽ có các ca bệnh xâm nhập từ nước ngoài. Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo người dân vẫn cần nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Các đơn vị tiếp tục tuyên truyền người dân không chủ quan, thực hiện phòng, chống dịch theo "thông điệp 5K": Đeo khẩu trang, khử khuẩn, không tập trung đông người, khai báo y tế, giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người khác.
Đề xuất cho phép thêm 8 khách sạn làm nơi cách ly tập trung có thu phí
Liên quan đến vấn đề chuẩn bị điều kiện cách ly cho các trường hợp nhập cảnh trong thời gian tới, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Ngô Minh Hoàng cho biết, Sở Du lịch đã phối hợp Sở Y tế tổ chức khảo sát một số khách sạn trên địa bàn. Hiện thành phố có 8 khách sạn đã được phê duyệt là nơi cách ly tập trung dành cho các chuyên gia nước ngoài, tổ bay với số lượng 915 phòng, 1.354 giường, công suất sử dụng buồng phòng hiện tại là 53,8%. Sở Du lịch tiếp tục hướng dẫn các khách sạn đăng ký để mở rộng làm nơi cách ly tập trung.
Bà Ngô Minh Hoàng cho biết, các khách sạn đăng ký làm nơi cách ly tập trung phải bảo đảm các tiêu chí về phòng chống dịch, đủ điều kiện kinh doanh cư trú tiêu chuẩn từ 3-5 sao, có vị trí thuận tiện, thông thoáng từ sân bay về nơi cách ly, có số buồng và giường nhiều... Sở Du lịch đã phối hợp với Sở Y tế khảo sát 16 khách sạn đăng ký mới (với 2.500 phòng). Sau khi kiểm tra, các đơn vị đang trình thành phố xem xét quyết định cho phép thêm 8 khách sạn nữa làm nơi cách ly tập trung có thu phí, nâng tổng số phòng đủ điều kiện làm nơi cách ly là 1.469 phòng.
Thời gian tới, Sở Du lịch tiếp tục hướng dẫn, rà soát các cơ sở lưu trú trên địa bàn đủ điều kiện làm nơi cách ly tập trung để nâng số lượng buồng, phòng đáp ứng đủ số lượng người nhập cảnh về Việt Nam trong thời gian tới.
Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận hoạt động trở lại từ tuần này
Là địa bàn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao trong thời gian tới, đặc biệt hướng tới kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Hoàn Kiếm Đinh Hồng Phong cho biết, công tác phòng, chống dịch trên địa bàn đã bảo đảm nghiêm túc như: Quản lý tốt người lưu trú trên địa bàn; xử phạt 462 trường hợp không đeo khẩu trang; tăng cường kiểm tra 153 cơ sở khám, chữa bệnh và các phòng khám tư nhân, nhà thuốc... Hiện, quận chỉ còn 69 trường hợp cách ly tập trung tại khách sạn Hòa Bình và Metropole.
Với tình hình kiểm soát dịch đã được bảo đảm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Hoàn Kiếm đề xuất UBND thành phố cho phép các không gian đi bộ trên địa bàn quận được hoạt động trở lại để bảo đảm thực hiện "mục tiêu kép": Vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm, đặc biệt là sau khi xảy ra trường hợp ngộ độc thực phẩm tại hai trường tiểu học thuộc xã Tiên Dương và Nguyên Khê của huyện Đông Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám cho biết, huyện đã yêu cầu hai trường này đình chỉ hoạt động của các bếp ăn, chờ kết quả xét nghiệm từ cơ quan chức năng, đồng thời yêu cầu hai trường phun khử khuẩn, vệ sinh lại trường, lớp bảo đảm đúng quy định. Huyện cũng có cuộc họp với các xã và trường học trên địa bàn để đánh giá, rút kinh nghiệm về vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Các cơ quan chức năng cũng tiến hành dẹp bỏ các hàng quán vi phạm ở khu vực cổng trường.
Thành ủy sẽ kiểm tra đột xuất công tác phòng, chống dịch tại các địa phương, đơn vị
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng biểu dương và đánh giá cao các đơn vị, địa phương đã chỉ đạo, triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, nhờ đó, qua 29 ngày, Hà Nội không có ca nhiễm mới ngoài cộng đồng. Kết quả đó có được nhờ sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị, đặc biệt là đội ngũ tuyến đầu chống dịch. Thông qua kêu gọi, vận động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, đến nay, các tổ chức, đơn vị, cá nhân trên địa bàn thành phố đã hỗ trợ 45 tỷ đồng cùng hàng hóa nhu yếu phẩm, thiết bị y tế trị giá 88 tỷ đồng cho các đơn vị nhằm phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhận định, tuần tới là thời gian cao điểm các hoạt động kỷ niệm của thành phố Hà Nội và là tiền đề quan trọng để thành phố tổ chức thành công các sự kiện trọng đại trong tháng 10. Mặc dù đã kiểm soát được dịch bệnh, song Hà Nội vẫn là địa phương có nguy cơ lây nhiễm. Vì vậy, Hà Nội vẫn phải tập trung thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các đơn vị, địa phương.
Từ những đánh giá trên, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế; tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền để người dân không chủ quan, lơ là, vừa nghiêm túc thực hiện phòng, chống dịch theo "thông điệp 5K" của Bộ Y tế, vừa chuyển sang trạng thái bình thường mới để ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đề nghị Ban Cán sự đảng UBND thành phố tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh, nhất là các ca bệnh từ nước ngoài về để từ đó nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch, rà soát các đối tượng liên quan. Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu, việc thực hiện cách ly tập trung tại các khách sạn có thu phí phải được kiểm soát chặt chẽ, tránh để lây nhiễm bệnh ra cộng đồng, bởi các khách sạn gần khu dân cư. Ngoài ra, các đơn vị cần tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống các dịch bệnh khác tại các cơ sở y tế, trường học, cơ sở dạy nghề...
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đề nghị UBND thành phố, Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố căn cứ vào tình hình thực tế để xem xét quyết định nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch theo lộ trình, đặc biệt với từng loại hình hoạt động kinh doanh như karaoke, quán bar, vũ trường, hoạt động văn hóa thể thao... để đảm bảo an toàn. Thời gian tới, các đoàn kiểm tra của Thành ủy sẽ kiểm tra đột xuất công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm... trên địa bàn thành phố; quy trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy nếu để xảy ra vi phạm.
Mặt khác, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố tiếp tục phối hợp với các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân không chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch, cũng như tiếp tục các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, an sinh xã hội; góp phần tổ chức tốt các phong trào thi đua chào mừng Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII...
Cho phép dịch vụ bar, karaoke, vũ trường hoạt động trở lại
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Ngô Văn Quý cho biết, Hà Nội tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch trên tinh thần bảo đảm "nhiệm vụ kép" vừa phòng dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Đánh giá Hà Nội vẫn còn nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch do là nơi có mật độ dân cư cao, đồng thời chuẩn bị đón số lượng người nhập cảnh từ nước ngoài về cách ly tập trung, đồng chí Ngô Văn Quý cho biết, thời gian tới, Hà Nội vẫn phải cảnh giác, phát hiện, xử lý mầm bệnh bên trong cũng như ngăn chặn lây lan dịch bệnh từ bên ngoài.
Đồng chí Ngô Văn Quý đề nghị các địa phương, sở, ngành trong thời gian tới tuyên truyền người dân nghiêm túc thực hiện "thông điệp 5K". Thành phố không giới hạn tập trung quá 30 người, nhưng các địa phương vẫn nên hạn chế tổ chức các lễ hội, hoạt động đông người. Các sự kiện, hội nghị, hội thảo cần thiết phải tổ chức thì yêu cầu người tham gia đeo khẩu trang.
Thành phố cũng đồng ý với quận Hoàn Kiếm cho phép hoạt động trở lại hoạt động của phố đi bộ, bắt đầu từ cuối tuần này. Các quán bar, karaoke, vũ trường được phép hoạt động trở lại từ 0h ngày 16-9 nhưng phải bảo đảm phòng, chống dịch, an toàn phòng cháy, chữa cháy...
Các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo hoạt động có hiệu quả tổ giám sát cộng đồng. Tất cả trường hợp đi về từ vùng dịch vẫn phải tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nếu có biểu hiện sốt, ho, khó thở phải thông báo cơ sở y tế địa phương để được kiểm tra.
Bên cạnh đó, đồng chí Ngô Văn Quý giao Sở Y tế, Sở Du lịch, Công an thành phố, Bộ Tư lệnh Thủ đô thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch trong các khu cách ly tập trung, ngăn chặn dịch lây lan từ bên ngoài và lây nhiễm chéo trong khu cách ly. Sở Y tế phải chịu trách nhiệm kiểm tra, lên danh sách người nhập cảnh có nhu cầu cách ly tập trung có thu phí. Sở Du lịch chủ trì, phối hợp Sở Y tế rà soát các khách sạn làm nơi cách ly tập trung có thu phí cho người nhập cảnh.
“Thời gian tới, dự kiến mỗi tuần Hà Nội sẽ đón 6 chuyến bay quốc tế, với khoảng 1.800 đến 2.000 người. Như vậy, nếu tính cách ly mỗi người nhập cảnh trong 14 ngày thì chúng ta cần khoảng 4.000 phòng. Vì vậy, Hà Nội phải bảo đảm ít nhất 5.000 giường khách sạn sẵn sàng làm nơi cách ly tập trung có thu phí", đồng chí Ngô Văn Quý lưu ý.
Bên cạnh đó, Sở Y tế phải tăng cường kiểm tra tại các bệnh viện, cơ sở y tế bảo đảm đủ tiêu chí an toàn và an toàn cao; chịu trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị mua sắm ngay các trang thiết bị y tế, sinh phẩm phục vụ cho công tác phòng, chống dịch. Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí tiếp tục thông tin tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch của thành phố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.