Theo dõi Báo Hànộimới trên

"TT Huế cần phát huy lợi thế để phát triển bền vững"

Theo TTXVN/Vietnam+| 03/09/2011 00:14

Ngày 2/9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt Thừa Thiên Huế về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2011 của tỉnh và thực hiện Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị về xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế đã đạt được những kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó thu nhập bình quân đầu người cao so với bình quân cả nước và công tác xóa đói giảm nghèo được triển khai có hiệu quả.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thừa Thiên-Huế. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)


Khái quát một số nét chính về tình hình kinh tế-xã hội của đất nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị tỉnh tập trung rà soát lại quy hoạch để triển khai có hiệu quả Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020, đó là “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương trong vài năm tới, là trung tâm của khu vực miền Trung và một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hóa, du lịch; khoa học-công nghệ, y tế chuyên sâu và giáo dục-đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.”

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị lãnh đạo tỉnh tập trung tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho sản xuất nông nghiêp, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, ổn định giá cả thị trường…Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 11 của Chính phủ và phối hợp với các bộ, ngành xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012.

Thủ tướng gợi ý, Thừa Thiên Huế cần phát huy lợi thế về du lịch, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học để phát triển bền vững. Thủ tướng chỉ đạo Thừa Thiên Huế xây dựng cơ chế chính sách nhằm huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, nhất là hệ thống giao thông, đồng thời quan tâm chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, văn hóa, giáo dục đào tạo, y tế…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã cho ý kiến liên quan đến các kiến nghị của Thừa Thiên Huế về bố trí vốn 4 dự án đang thi công dở dang (hồ Tả Trạch, cầu Bạch Hổ, hồ Thủy Yên-Thủy Cam, đường La Sơn-Nam Đông), cho phép áp dụng cơ chế đặc thù đầu tư phát triển đô thị Huế và di tích Cố đô Huế theo Kết luận 48 của Bộ Chính trị, hỗ trợ trường đại học Huế phát triển đại học quốc tế…Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ cùng với Thừa Thiên Huế triển khai có hiệu quả Kết luận 48 của Bộ Chính trị.

Báo cáo với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, Nguyễn Văn Cao cho biết, ngay từ đầu năm 2011, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo rất quyết liệt các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương nhất là chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về những giải pháp cơ bản kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội thu được nhiều kết quả tích cực.

Tám tháng đầu năm 2011, kinh tế của tỉnh tiếp tục được tăng trưởng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, trong đó tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ vẫn tăng 22,2% so với cùng kỳ, thu ngân sách tăng 19.8%, xuất khẩu tăng 53,8% giá trị sản xuất công nghiệp tăng 12,45%, khách du lịch quốc tế đế Huế tăng 6,2% …Thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, Thừa Thiên Huế đã cắt, giãn tiến độ 40 công trình với tổng vốn đầu tư 44 tỷ đồng.

Theo Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế, Nguyễn Văn Cao, trên cơ sở kết quả 8 tháng đầu năm 2011, phân tích khả năng thực hiện các tháng cuối năm 2011, ước năm 2011 tỉnh có 13/14 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đã đề ra, trong đó thu nhập bình quân đầu người đạt 1.300 USD, giá trị xuất khẩu đạt 330 triệu USD, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống 9,16%, tạo việc làm mới cho 16.500 người, tỷ lệ lao động được đào tạo nghề đạt 44%...

Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn công tác của Chính phủ đã tới dâng hương, tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Khu di tích lịch sử Chín Hầm (phường An Tây, thành phố Huế). Khu Chín Hầm do thực dân Pháp xây dựng năm 1941 để cất giấu vũ khí. Năm 1954, Ngô Đình Cẩn đã cho cải tạo thành hầm ngục giam giữ, tra tấn các chiến sỹ cách mạng và những người yêu nước. Đây là một kiểu nhà tù đặc biệt, điển hình của chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm ở miền Trung.

Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới kiểm tra Dự án cầu đường bộ Bạch Hổ bắc qua sông Hương thuộc thành phố Huế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
"TT Huế cần phát huy lợi thế để phát triển bền vững"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.