(HNMCT) - “Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội không hạn chế người dùng cũng như việc sử dụng mạng xã hội mà hướng tới khuyến khích và phát huy mặt tích cực của hoạt động này”. Đó là tinh thần cuộc trò chuyện của Hànộimới Cuối tuần với ông Đỗ Quý Vũ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông - đơn vị trực tiếp xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, về vấn đề này.
- Sự ra đời của Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội là điều hiển nhiên cần thiết, nhưng việc ban hành trong thời điểm này có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
- Môi trường mạng xã hội hiện nay rất đa dạng và phức tạp. Bên cạnh các nội dung bổ ích thì các thông tin vi phạm pháp luật cũng xuất hiện tràn lan, dưới nhiều hình thức. Cùng với đó, việc xuất hiện các hành vi ứng xử không phù hợp, trái với thuần phong mỹ tục của Việt Nam cũng phổ biến hơn và không gian mạng trở thành một môi trường “lý tưởng” để sản sinh ra những hành vi ứng xử tiêu cực có thể tác động xấu tới đời sống xã hội.
Trước tình trạng trên, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội theo Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ngày 17-6-2021 nhằm kịp thời định hướng cách thức ứng xử lành mạnh và văn minh, phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, góp phần phát triển môi trường mạng theo hướng an toàn, lành mạnh.
- Với 3 nhóm đối tượng áp dụng (cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước sử dụng mạng xã hội; tổ chức, cá nhân khác sử dụng mạng xã hội; nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội tại Việt Nam), theo ông, đâu sẽ là nhóm có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hiệu quả của Bộ Quy tắc ứng xử trong đời sống?
- Bộ Quy tắc áp dụng cho 3 nhóm đối tượng nêu trên với mục đích: Tạo điều kiện phát triển mạng xã hội lành mạnh tại Việt Nam, đảm bảo quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh, không phân biệt đối xử nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước, phù hợp với chuẩn mực, thông lệ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia; Bộ Quy tắc đưa ra khuyến nghị chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội, góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam.
Để Bộ Quy tắc phát huy tác dụng trong đời sống, phải kể đến vai trò của tất cả các bên liên quan, đặc biệt nhấn mạnh đến trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội và ý thức của người dùng cùng chung tay đẩy lùi các hành vi ứng xử không phù hợp với chuẩn mực đạo đức cũng như các hành vi vi phạm pháp luật trên môi trường mạng.
- Bên cạnh việc cố tình thông tin sai sự thật, không ít người sử dụng mạng xã hội lan truyền thông tin thiếu kiểm chứng, chủ quan, làm tổn hại đến người khác. Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng cũng sẽ góp phần điều chỉnh những hành vi này?
- Về cơ bản, các quy định về xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên mạng xã hội đã được quy định khá đầy đủ trong các văn bản luật và nghị định liên quan. Tuy nhiên, giải pháp pháp lý có thể vẫn không đủ để có thể loại bỏ các tin tức giả mạo, tin đồn sai lệch gây ảnh hướng xấu đến xã hội và bảo vệ các giá trị đạo đức, văn hóa và truyền thống tốt đẹp của quốc gia.
Bản chất của Bộ Quy tắc là tập hợp tất cả các quy định về các hành vi ứng xử, chuẩn mực đạo đức, văn hóa trên môi trường mạng. Bộ Quy tắc không chỉ góp phần giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong hành vi ứng xử trên mạng xã hội, mà còn góp phần truyền tải thông điệp, năng lượng tích cực, giúp mỗi người tham gia mạng xã hội hiểu được sự cần thiết phải thay đổi thói quen, văn hóa ứng xử trên môi trường ảo bởi nó có tác động đến xã hội thật, và trở thành một công dân số biết tôn trọng người khác, có trách nhiệm trong kỷ nguyên số.
- Hẳn đây không chỉ là các quy tắc ứng xử của riêng Việt Nam mà còn là đòi hỏi chung của thế giới, thưa ông?
- Ban soạn thảo đã nghiên cứu kinh nghiệm của nhiều nước để đảm bảo Bộ quy tắc tuân theo các chuẩn mực và thông lệ quốc tế về truyền thông và mạng xã hội, đồng thời vẫn phù hợp với thực tế của Việt Nam.
Khu vực châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Bhutan, và các nước châu Âu như Vương quốc Anh, Liên bang Nga, Pháp và Liên minh Châu Âu (EU)... đã xây dựng, triển khai bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, được coi là “luật ứng xử mềm” để tăng cường quản lý luồng thông tin trên môi trường mạng.
Cụ thể, Hiệp hội Internet Trung Quốc đã thông qua Nghị quyết mang tên “7 giới hạn ứng xử trên mạng” áp dụng cho tất cả người sử dụng Internet với một loạt hướng dẫn về hành vi chấp nhận được trên mạng, các thông tin không thể vi phạm nhằm tạo ra một môi trường trực tuyến lành mạnh.
Năm 2016 Ủy ban Châu Âu đã đưa ra “Bộ Quy tắc ứng xử về chống lại những thông tin gây thù hận, nói xấu bất hợp pháp trên mạng”. Bộ Quy tắc đưa ra khái niệm “hate speech” được hiểu là phát ngôn có nội dung gây thù hận, nói xấu trên mạng xã hội, bao gồm tất cả hành vi công kích, kích động bạo lực hoặc thù hận chống lại một nhóm hay một thành viên của nhóm người được xác định thông qua chủng tộc, màu da, tôn giáo, gốc gác, quốc tịch hay dân tộc. Tuy nhiên, đối tượng điều chỉnh ở đây không phải là người sử dụng mạng xã hội mà là các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội. EU đã yêu cầu 4 công ty công nghệ lớn là Facebook, Twitter, Microsoft và YouTube phải ký cam kết thực hiện các nội dung của Bộ Quy tắc. Đến nay, Tiktok là thành viên thứ 5 ký kết thực hiện.
Có thể thấy, các nước xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội trên tinh thần khuyến khích người dùng, phát huy mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực tác động đến đời sống xã hội, cũng như bảo vệ các giá trị văn hóa cơ bản chứ không làm hạn chế việc sử dụng mạng xã hội.
- Nhà báo Ulrik Haagerup, nguyên Giám đốc, Tổng Biên tập nhiều tờ báo, tập đoàn truyền hình của Đan Mạch, cho rằng: “Vấn đề của truyền thông không phải là đưa tin nhanh hơn mạng xã hội hay các đối thủ 8 giây mà là đưa tin phù hợp và có ý nghĩa kiến tạo với cuộc sống”. Như vậy, thông tin trên mạng xã hội cũng cần có tinh thần “kiến tạo”, thưa ông?
- Không chỉ báo chí chính thống mà ngay cả mạng xã hội hay bất kỳ phương tiện truyền thông nào cũng cần có tinh thần “kiến tạo” khi thông tin. Sự đa dạng các nền tảng mạng xã hội và sự hỗ trợ của công nghệ trong thời đại cách mạng 4.0 đã làm thay đổi mạnh mẽ cách thức đưa tin. Tuy nhiên, dù đưa tin dưới hình thức nào thì cũng cần có chuẩn mực đạo đức phù hợp với những giá trị tốt đẹp của xã hội. Đặc biệt, những người làm báo chuyên nghiệp càng cần tinh thần luôn tự trau dồi, rèn luyện và tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân khi hoạt động trên không gian số.
- Chân thành cảm ơn những chia sẻ của ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.