Theo dõi Báo Hànộimới trên

''Truyền lửa'' hiếu học

Song nhật| 04/09/2022 06:11

(HNMCT) - Trong thời điểm học sinh cả nước hân hoan chuẩn bị đón chào ngày khai trường, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm chuyên đề về truyền thống hiếu học.

Triển lãm “Truyền thống hiếu học” diễn ra từ ngày 31-8 đến hết ngày 11-9, đưa người xem trở lại với không khí của nhiều thập niên trước, khi đất nước vừa giành độc lập, còn vô vàn khó khăn nhưng công tác giáo dục vẫn được Đảng, Nhà nước quan tâm đặc biệt.

Các tác phẩm nghệ thuật của các tác giả nổi tiếng như: “Lớp trung học đầu tiên” của họa sĩ Diệp Minh Châu, “Lớp học bình dân làng Bền” của họa sĩ Trần Văn Cẩn, “Bủ Đường biết đọc” của họa sĩ Tô Ngọc Vân, “Đi học bình dân” của họa sĩ Lê Công Thành… đã khắc họa chân thực, sinh động những lớp học được gây dựng từ phong trào Bình dân học vụ với mục tiêu Diệt giặc dốt, Chống nạn mù chữ...

Đây là phong trào do Bác Hồ phát động, là những bước đi đầu tiên, quan trọng, mang tính định hướng của Chính phủ Lâm thời Việt Nam đối với công tác giáo dục; giáo dục được phổ cập đến mọi người dân không phân biệt lứa tuổi, dân tộc, vùng miền.

Tiếp đó là những lớp học dưới thời chiến, trường học nơi sơ tán trong điều kiện thiếu thốn đủ bề, những lớp học đặc biệt ra đời ở hang đá, dưới hầm sâu, đi học đêm… được phản ánh trong nhiều tác phẩm như: “Lớp học miền núi” (Hoàng Đạo Khánh), “Lớp 5 dưới lòng đất” (Ngô Tôn Đệ), “Lớp học bổ túc ở Tây Nguyên” (Nguyễn Thế Vinh), “Giờ học văn hóa nữ du kích Củ Chi” (Đào Hữu Phước), “Giúp đỡ bạn” (Đào Văn Can), “Đi học đêm” (Nguyễn Thế Minh)…

50 tác phẩm với đủ chất liệu của 44 tác giả được sáng tác từ những năm sau 1945 cho đến gần đây, có thể nói vừa là những tác phẩm nghệ thuật giàu sức lay động của những tên tuổi hàng đầu của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam, vừa là nguồn tư liệu lịch sử quý. Qua các tác phẩm này, người xem hiểu hơn nữa về truyền thống hiếu học tốt đẹp của dân tộc, khơi dậy niềm tự hào, động viên thế hệ trẻ tiếp nối cha ông học tập, rèn luyện, phấn đấu để trở thành chủ nhân tương lai giỏi giang của đất nước. Thiết nghĩ, những triển lãm như vậy cần được lan tỏa rộng rãi hơn nữa thông qua nhiều hình thức khác nhau, để những tác phẩm quý tiếp tục “truyền lửa” hiếu học đến đông đảo công chúng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
''Truyền lửa'' hiếu học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.