(HNM) - Kể từ năm 2012, thị trường truyền hình trả tiền trong nước bước vào thời kỳ phát triển và có sự cạnh tranh gay gắt, nhất là tại các khu đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh…
Hiện nay, cả nước có gần 40 nhà cung cấp dịch vụ THTT với các phương thức và công nghệ truyền dẫn như truyền hình analog, số vệ tinh, truyền hình kỹ thuật số mặt đất, truyền hình qua IPTV… đạt gần 7 triệu thuê bao. Trong số này lần lượt các "nhà đài" dẫn đầu về lượng thuê bao là SCTV, VTVCab…
Ảnh minh họa từ internet |
Với sự xuất hiện của hàng loạt nhà cung cấp dịch vụ THTT, từ năm 2012 đến nay, thị trường THTT đã có sự cạnh tranh quyết liệt, đặc biệt là từ cuối năm 2012, khi Tổng công ty Truyền hình cáp SCTV chuyển hướng đầu tư kinh doanh ra Hà Nội và các tỉnh miền Bắc. "Nhà đài" này đã thực hiện chiến lược đầu tư nhanh chóng bằng việc thiết lập hạ tầng cung cấp dịch vụ tại các quận Hà Đông, Hoàng Mai. Cùng với đó, nhà đài này cũng đưa ra các chính sách giá cước hấp dẫn như tặng kèm đầu thu kỹ thuật số, tặng thêm thời gian sử dụng cho thuê bao mới khi nộp tiền trước… dẫn tới giá thuê bao dịch vụ này xuống khá thấp so với mặt bằng chung.
Kết quả, chỉ sau thời gian ngắn ra Hà Nội, SCTV đã thu hút lượng thuê bao lớn và trở thành đối thủ mạnh đe dọa việc kinh doanh của các nhà đài VTVCab, HCaTV (Truyền hình cáp Hà Nội) - vốn có thế mạnh tại thị trường ở đây. Cùng với đó, từ đầu năm 2012 khi Tập đoàn Viettel chính thức xin cơ quan quản lý nhà nước cấp phép để kinh doanh dịch vụ truyền hình cáp cho đến thời điểm được Bộ TT-TT cấp phép (tháng 4-2013) dư luận liên tục "dậy sóng" vì những bàn luận xung quanh vấn đề này, khi các nhà đài lo ngại Viettel có thể đưa ra giá thành thấp hơn giá thị trường…
Mặt khác không thể không kể đến một đặc điểm cơ bản của THTT là khác với viễn thông - càng phát triển nhiều thuê bao thì giá càng rẻ, việc đầu tư cho sản xuất chương trình, nội dung, bản quyền sẽ chỉ có tăng mà không có giảm. Do vậy, có thể hiểu là nếu muốn xem các chương trình truyền hình chất lượng về nội dung, hình ảnh thì sẽ không có THTT giá rẻ. Trong khi đó, việc quản lý nhà nước mới chỉ tập trung nội dung, mà chưa có các quy định liên quan để bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà cung cấp.
Hiện tại, giá cung cấp dịch vụ THTT tại Việt Nam đang ở mức thấp nhất trong khu vực ASEAN. Cụ thể, đơn giá thuê bao THTT ở Việt Nam đang ở mức 4-5USD/thuê bao/tháng trong khi các nước khu vực ở mức từ 10 USD đến hơn 30USD/thuê bao/tháng. Do vậy, VN Pay TV cho rằng cần phải xây dựng đơn giá THTT trên cơ sở bảo đảm không thấp hơn giá thành để tránh được sự cạnh tranh không lành mạnh.
Đơn giá THTT được chia tạm ra các lĩnh vực giá cước với từng phương thức truyền dẫn. Cụ thể, với truyền hình analog (chiếm tỷ lệ 70-75% thuê bao THTT), đơn giá được căn cứ trên việc xây dựng mạng truyền dẫn, tuy đầu tư ban đầu lớn nhưng không thường xuyên và có chi phí lớn cho bản quyền, thuê cột điện, bảo dưỡng nhiều, do vậy sẽ có 2 mức giá gồm: Kênh cơ bản ở mức 40-45 kênh (gồm 20 kênh thiết yếu, một số kênh thể thao, phim truyện nước ngoài) giá cước 60-65.000 đồng/tháng; kênh cơ bản ở mức 65 đến 72 kênh giá cước 90.000 đồng/tháng; kênh HD với 110-120 kênh có giá 180-220.000 đồng/ tháng. Với kênh số mặt đất và số vệ tinh có đặc điểm không phải chi phí cho hạ tầng, nhưng phải trả phí thuê vệ tinh tần số mặt đất được xác định đề xuất các mức 65.000 đồng/tháng, 90.000 đồng/tháng, 250.000 đồng/tháng. Các gói kênh với dịch vụ truyền hình IPTV được đưa ra mức 85-90.000 đồng/tháng/thuê bao.
Như vậy, với mức giá mà Hiệp hội đề xuất trình cơ quan quản lý nhà nước hầu như không có sự khác biệt so với hiện nay. Theo các chuyên gia, việc đưa ra "giá sàn" trong thời điểm này là rất cần thiết cho việc ổn định thị trường THTT để bước sang giai đoạn phát triển nhanh về chất lượng nội dung chương trình và công nghệ truyền dẫn hiện đại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.