(HNM) - Truy xuất nguồn gốc hàng hóa là một xu thế tất yếu và là quy định bắt buộc đối với các doanh nghiệp khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Không chỉ vậy, những đích đến thiết thực khác của “mũi tên” truy xuất nguồn gốc còn là tạo niềm tin cho người tiêu dùng, giúp ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại…, qua đó góp phần xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm, doanh nghiệp Việt Nam.
Nhận diện rõ giá trị sản phẩm
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, thói quen của người tiêu dùng cũng đã có nhiều thay đổi. Bên cạnh yêu cầu ngày càng cao về chất lượng hàng hóa, việc truy xuất nguồn gốc đang trở thành tiêu chuẩn bắt buộc khi người tiêu dùng muốn hiểu kỹ hơn về nơi sản xuất, quy trình và quy cách, đặc biệt là những sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng như thực phẩm, dược phẩm hay đồ may mặc...
Chị Hà Thị Thu (ngõ 324 đường Láng, quận Cầu Giấy) chia sẻ, gia đình chị thường mua hàng hóa ở siêu thị Winmart để bảo đảm an tâm về nguồn gốc của các loại thực phẩm. “Đứng từ góc độ người tiêu dùng, tôi hoàn toàn ủng hộ sản phẩm dán tem truy xuất nguồn gốc. Đó là cách bảo vệ quyền lợi của chính mình”, chị Hà Thị Thu nói.
Nắm bắt được xu thế này, nhiều doanh nghiệp đã chủ động xây dựng cho mình bộ truy xuất hàng hóa, đặc biệt là nông sản theo những tiêu chuẩn có uy tín như GAP, GlobalGAP, ASC, BAP... Các doanh nghiệp này không chỉ nỗ lực đáp ứng nhu cầu trong nước, mà còn hướng đến mục tiêu chinh phục thị trường quốc tế vốn có đòi hỏi cao và nghiêm ngặt về các chuẩn mực chất lượng.
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) Nguyễn Ngọc An cho biết, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong truy xuất nguồn gốc, sử dụng mã QR, mã vạch là xu hướng và nhu cầu tất yếu, tạo cho doanh nghiệp nhiều lợi ích, thế mạnh trong kinh doanh. Sản phẩm có tem truy xuất nguồn gốc sẽ có sự khác biệt so với sản phẩm cùng loại trên thị trường. Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Khóa Việt - Tiệp Nguyễn Văn Tuấn thông tin, hệ thống mã vạch truy xuất nguồn gốc có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ người tiêu dùng trước vấn nạn hàng giả. Từ năm 2015, Công ty cổ phần Khóa Việt - Tiệp đã áp dụng quy trình xác thực chống hàng giả, truy xuất nguồn gốc, giúp người tiêu dùng yên tâm khi mua sản phẩm.
Nhận định về vấn đề này, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho hay, truy xuất nguồn gốc sản phẩm đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với nhóm hàng hóa thực phẩm ở một số thị trường nhập khẩu lớn. Việc truy xuất nguồn gốc đã và đang góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các loại hàng hóa, nhất là hàng hóa nông sản của Hà Nội.
Xây dựng hệ thống truy xuất
Thực hiện Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19-1-2019 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc; Kế hoạch số 15/KH-UBND ngày 12-1-2022 của UBND thành phố Hà Nội về việc thực hiện Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2030, ngày 19-8 vừa qua, UBND thành phố đã ban hành Văn bản số 2723/UBND-KGVX yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong hoạt động truy xuất nguồn gốc; đào tạo, tập huấn về truy xuất nguồn gốc; điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng, nhu cầu của các doanh nghiệp trên địa bàn để xây dựng “Hệ thống quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của thành phố”, bảo đảm kết nối với cổng thông tin truy xuất nguồn gốc, sản phẩm hàng hóa quốc gia.
Việc Hà Nội đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc hàng hóa được cả doanh nghiệp, nhà quản lý và người dân quan tâm. Theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, truy xuất nguồn gốc giúp doanh nghiệp kiểm soát rủi ro phát sinh khi theo dõi, xác minh toàn bộ đường đi của hàng hóa. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp tạo sự tin tưởng nơi khách hàng, mà còn là “hàng rào” bảo vệ sản phẩm và doanh nghiệp. Đối với cơ quan quản lý nhà nước, đây là công cụ hữu ích phục vụ quản lý, kiểm soát thị trường, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại.
Theo Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp hội nhập và phát triển Phạm Thị Lý, hệ thống truy xuất nguồn gốc, đặc biệt với nông, lâm, thủy sản, thực phẩm thành phố Hà Nội, cho phép kết nối trực tiếp nhà quản lý, nhà sản xuất và người tiêu dùng. Đặc biệt, cho phép hiển thị thông tin sản phẩm bằng việc số hóa, cập nhật nhật ký sản xuất. Các thông tin này cũng chính là “hàng rào” kỹ thuật ngăn chặn hàng ngoại đội lốt hàng nội tiêu thụ tại thị trường Việt Nam.
Có thể thấy, việc tăng cường ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến, xây dựng và vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa là một trong những định hướng quan trọng để thực hiện mục tiêu phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu, nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của doanh nghiệp, ngành hàng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.