Để làm rõ 4.500 tỷ đồng tăng vốn điều lệ của VNCB đang ở đâu, nhằm thu hồi khắc phục thiệt hại, nữ điều tra viên và hàng loạt người bị thẩm vấn.
Ông Phạm Công Danh. |
Ngày 15-1, bước sang tuần làm việc thứ hai, phiên xử ông Phạm Công Danh (cựu Chủ tịch VNCB, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh), Trầm Bê (cựu Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank) cùng đồng phạm tiếp tục với phần thẩm vấn. Các luật sư hỏi bị cáo và những người liên quan về khoản tiền 4.500 tỷ đồng ông Danh dùng để tăng vốn điều lệ hiện ở đâu, nhằm khắc phục hậu quả vụ án.
Trong những ngày trước, ông Danh khai đã dùng 4.000 tỷ trong số 4.700 tỷ vay của BIDV cộng với 500 tỷ từ gói vay của TPBank để chuyển về Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước, nhằm tăng vốn điều lệ cho VNCB. Ngân hàng Nhà nước sau đó không chấp nhận phương án tăng vốn điều lệ nhưng số tiền này đã "đi đâu" ông Danh không rõ.
Luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang - bào chữa cho bị cáo Nguyễn Ngọc Sơn (nguyên Trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp BIDV) - thẩm vấn đại diện Ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xây dựng - CB (trước là VNCB, sau khi NHNN mua lại với giá 0 đồng và đổi tên thành CB) về số tiền 4.700 tỷ đồng ông Danh vay của BIDV đã được sử dụng vào việc gì.
Đại diện CB cho biết, số tiền đó đã "hòa vào dòng tiền chung của ngân hàng" để sử dụng, không bóc tách ra được. Tính đến trước ngày 5-3-2015, tổng số tiền còn lại trên tổng số 13.000 tỷ đồng tại CB là hơn 6.000 tỷ đồng.
"6.000 tỷ đó có bao gồm 4.500 tỷ đồng tăng vốn điều lệ không?", chủ tọa chất vấn sau câu hỏi của luật sư. Đại diện CB cho biết, "bao gồm nhiều nguồn tiền, không xác định được".
Luật sư cũng đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến đường đi của số tiền 4.500 tỷ đồng nhưng đại diện CB không trả lời vì "chưa nắm hết được các số liệu liên quan".
Sau khi nghe các luật sư thẩm vấn, chủ tọa cho rằng 4.500 tỷ đồng do ông Danh chuyển vào để tăng vốn điều lệ nhưng việc hạch toán khoản tiền này CB vẫn chưa làm rõ. HĐXX yêu cầu đại diện CB chuẩn bị hồ sơ tài liện để quay lại trả lời cho các luật sư trong phiên làm việc chiều 16-1.
Cũng liên quan đến khoản tiền 4.500 tỷ đồng, bị cáo Mai khẳng định với luật sư của mình: "Quan điểm cho rằng không thể tách bạch được khoản tiền này do đã hòa chung vào dòng tiền của ngân hàng, là không chính xác. Toàn bộ số tiền đều được sử dụng vào các chi phí, mục đích cho ngân hàng, trong đó có chăm sóc khách hàng".
Trước đó, các luật sư bào chữa cho ông Danh cũng đặt nhiều câu hỏi về đường đi của khoản tiền. Đại diện của CB cho biết, thời điểm CB tiếp quản VNCB từ Ngân hàng Nhà nước thì tài sản của nhà băng đã bị âm.
Tương tự, luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa cho ông Phạm Công Danh) đặt vấn đề với điều tra viên Tăng Thị Nga, nhằm làm rõ 4.500 tỷ đồng đã được chuyển lại VNCB để tăng vốn điều lệ, có hay không được thu hồi và cấn trừ vào khoản thiệt hại hơn 6.000 tỷ đồng.
Bà Nga xác nhận, quá trình điều tra, cơ quan điều tra đề nghị xem xét thu hồi khoản tiền này để khắc phục hậu quả vụ án. Tuy nhiên, khoản tiền đã hòa chung vào dòng tiền của VNCB như lời khai của các bị cáo trước đó, và đã được các bị cáo chỉ đạo sử dụng hết trước khi vụ án bị khởi tố, nên cơ quan điều tra không có căn cứ để thu hồi.
Điều tra viên Bộ Công an. |
Luật sư Hoài hỏi: "Kết luận điều tra xác định hành vi của ông Danh và đồng phạm trong việc tăng vốn điều lệ từ 3.500 tỷ lên 7.000 tỷ đồng có được xem là thủ đoạn trong vụ án hay không?". Bà Nga nói rằng, trong giai đoạn hai của vụ án, cơ quan điều tra chỉ làm rõ việc ông Danh và đồng phạm đã sử dụng tiền của VNCB để vay tại các ngân hàng gây thiệt hại hơn 6.000 tỷ đồng, chứ không xác định đây là thủ đoạn.
Chủ tọa liền lưu ý luật sư Hoài: "Việc tăng vốn điều lệ từ 3.500 tỷ đồng lên 7.000 tỷ đồng đã được xác định trong giai đoạn một của vụ án, bằng bản án có hiệu lực 'là thủ đoạn' vì thực tế các cổ đông của VNCB không hề có tiền'".
Trong giai đoạn hai của đại án VNCB, ông Danh và đồng phạm bị cáo buộc sử dụng 29 lượt pháp nhân các công ty do mình thành lập và mượn làm hồ sơ khống vay 1.800 tỷ đồng của Sacombank, 4.700 tỷ của BIDV, 1.666 tỷ đồng của TPBank.
Do các công ty này không có hoạt động kinh doanh nên ông dùng tiền của VNCB để bảo lãnh và bị các ngân hàng thu nợ, gây thiệt hại hơn 6.100 tỷ đồng cho VNCB.
Ngoài ông Danh và Trầm Bê, 44 bị cáo còn lại đều bị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 Bộ luật Hình sự 1999), khung hình phạt 10-20 năm tù.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.