Mặc dù chuẩn bị rất công phu, nhưng trong loạt chạy vòng loại sáng nay, nhà vô địch châu Á Trương Thanh Hằng đã về cuối ở tốp bốn với thời gian 2:03.52. Vậy là tấm vé tới London vẫn chưa đến tay điền kinh Việt Nam.
Trái ngược với sự mong đợi, kết quả đấu loại của Trương Thanh Hằng nằm ngoài dự đoán của nhiều người. Xét về mặt lý thuyết, Hằng từng vượt chuẩn B Olympic vào năm ngoái tại Asiad 16 (2:00.91) và gần đây nhất tại giải vô địch châu Á, cô đạt thành tích 2:01.41. Vậy thì cơ hội để Hằng một lần nữa vượt qua mốc chuẩn B 2:01.30 là hoàn toàn có thể. Sự kỳ vọng to lớn dựa vào suy nghĩ ấy mà đặt luôn lên đôi chân của Trương Thanh Hằng.
Trương Thanh Hằng (ngoài cùng bên trái) không thể bứt tốp. |
Tuy nhiên, có một điều trên thực tế ít người nghĩ đến: Đó chính là môi trường thi đấu. Đường chạy châu Á và thế giới có một sự khác biệt rất lớn, dù độ chênh chỉ là 2-3 giây. Khi thi đấu ở châu Á, Trương Thanh Hằng luôn có động lực bởi có thể vượt qua và chinh phục đối thủ tương đối dễ. Ngược lại, bước ra thế giới, trước các đối thủ đều có trình độ hơn mình, khả năng vượt ngưỡng tâm lý, tìm được sự tự tin và hứng khởi để bứt phá trên đường chạy bị hạn chế rất nhiều. Điều đó đã xảy ra với Hằng trong buổi sáng hôm nay.
Bước ra đường piste với sáu đấu thủ, Hằng ý thức rằng chỉ có cô và VĐV Ấn Độ Tintu Luka trình độ tương đương nhau. Năm VĐV còn lại đều là những tay chạy xuất sắc của điền kinh thế giới, trong đó có nhà vô địch châu Âu - đồng thời là ứng cử viên ngôi vô địch năm nay - Mariya Savinova (Nga). Nhưng bất ngờ với nhà vô địch châu Á chính là cô không còn khoảng trống để lách chiến thuật cũng như không gian để tung sải chân bứt phá về đích như ở sân chơi châu lục, nơi Hằng hiểu biết nhiều các đối thủ và dày dạn kinh nghiệm thi đấu. Những điều từng giúp Hằng chiến thắng đã không thể phát huy ở đường chạy này. Nỗ lực lách tốp của Hằng bị vô hiệu hóa.
Kết quả, Hằng về cuối cùng trong số bảy VĐV với thành tích 2:03.52, chậm hơn nhiều so với mục tiêu ban đầu. VĐV Ấn Độ Tintu Luka, HC đồng châu Á, về thứ sáu nhưng giành quyền vào bán kết nhờ tấm vé vớt dành cho bốn tay chạy có thành tích tốt nhất sau nhóm bốn VĐV đứng đầu mỗi tốp (thời gian 2:01.89).
Các VĐV còn lại đều bỏ cách hai tay chạy châu Á khá xa. Đứng đầu tốp bốn là Mariya Savinova với thời gian 2:01.01, đứng thứ sáu là Emma Jackson (Anh) - 2:01.17.
Đạt thành tích cao nhất ở vòng loại là VĐV người Kenya, Janeth Jepkosgei Busienei, ở tốp ba (1:59.36).
Có lẽ đây là một cú sốc cho điền kinh Việt Nam sau khi đã say sưa với niềm vui chiến thắng ở đấu trường châu Á trong một thời gian dài. Tuy nhiên, việc trở lại với thực tế theo cách này là điều không tránh khỏi. Quan trọng nhất vẫn là việc Trương Thanh Hằng và các HLV sẽ bình tĩnh học hỏi được điều gì để có thể tiếp tục vượt ngưỡng - điều không bao giờ là dễ dàng trong bất cứ một sự bứt phá để vươn lên nào.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.