Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trường Sa ngày trở lại...

Tống Ngọc Thanh| 30/04/2022 06:42

(HNM) - Con tàu KN-491 rẽ sóng, đưa đoàn công tác của chúng tôi đến Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) đúng vào dịp kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng Trường Sa (29/4/1975 - 29/4/2022). So với những gì đọng lại trong ký ức của tôi từ chuyến đi của 11 năm trước, Trường Sa hôm nay đã thực sự phát triển, như một đô thị giữa biển khơi. Mỗi hòn đảo nhỏ được thiên nhiên kiến tạo ở nơi đầu sóng, ngọn gió đã, đang được biết bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân không quản gian khổ, hy sinh để giữ gìn, vun đắp...

Lớp học của thầy giáo Nguyễn Công Qua trên đảo Sinh Tồn.

Phút ngỡ ngàng nơi đảo xa

Những ngày cuối tháng tư, tôi theo đoàn công tác của thành phố Hà Nội đến thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đang làm việc, sinh sống trên quần đảo Trường Sa. Trước khi lên tàu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn, Trưởng đoàn công tác nói với tôi rằng: Hà Nội dù không có đảo, không có sóng, nhưng mỗi con sóng dội vào Trường Sa đều rung động đến trái tim của mỗi người dân Thủ đô. Câu nói mộc mạc nhưng giàu hình ảnh ấy khiến tôi bất chợt nhớ về chuyến đi Trường Sa của 11 năm trước và càng háo hức muốn sớm thấy diện mạo một Trường Sa mới trong lần trở lại này.   

Vượt qua hơn 1.000 hải lý, con tàu KN-491 lần lượt đưa đoàn công tác của chúng tôi đến 9 đảo, điểm đảo và Nhà giàn DK1/17 Phúc Tần. Trước mắt tôi là một Trường Sa xanh, sạch, đẹp theo nhiều nghĩa. Những ngôi nhà nhiều tầng vững chắc, sáng sủa, thoáng đãng đang dần thay thế những ngôi nhà cấp 4 lợp tôn hay tấm lợp xi măng trước đây. Trường tiểu học, bưu điện, nhà khách, thậm chí cảng hàng không đều đã có ở thị trấn Trường Sa (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa). Nguồn năng lượng sạch thu được từ nắng, từ gió đã đem lại cho cuộc sống của quân và dân trên đảo Trường Sa một diện mạo mới. Dọc khu vực cầu cảng và xung quanh các điểm đảo, đèn cao áp được thắp sáng trưng khi tối đến. Dù mới trải qua cơn bão số 9 tàn khốc hồi tháng 12-2021, nhưng những tán cây bàng vuông, phong ba, bão táp, hoa lá... vẫn xanh ngát một màu.

Ấn tượng với tôi hơn cả đó là sự phát triển của hệ thống y tế trên khu vực các đảo. Còn nhớ trước kia, đảo chỉ có đội quân y 3-4 người, thiết bị y tế sơ sài, chủ yếu thực hiện việc sơ cứu và các tiểu phẫu nhỏ. Giờ đây, Bệnh xá Trường Sa là một tòa nhà 4 tầng lừng lững giữa đảo xa với trang thiết bị y tế khá hiện đại như: Máy X-quang kỹ thuật số, máy siêu âm, máy xét nghiệm sinh hóa bán tự động… Thậm chí, có đảo còn được trang bị buồng tăng áp, máy đo phân áp ô xy để xử lý những ca cấp cứu tai nạn của ngư dân lặn sâu dưới biển. Thay cho vài ngày lênh đênh trên biển, giờ đây bệnh nhân nặng cần cấp cứu đã được vận chuyển bằng trực thăng về thẳng bệnh viện tuyến cuối nơi đất liền, tận dụng những “giờ vàng y tế” cứu sống nhiều người bệnh vượt qua thời khắc sinh - tử.

Trò chuyện với chúng tôi, bác sĩ Trần Công Trí, Trạm trưởng Bệnh xá đảo Trường Sa Lớn nói rằng, sự đồng hành của lực lượng quân y đã tạo thêm niềm tin, sức mạnh và là chỗ dựa giúp ngư dân, bộ đội yên tâm bám biển, giữ đảo, trở thành những cột mốc sống nơi tuyến đầu Tổ quốc.

Trước đây mỗi lần lên đảo, tôi thường tìm đến các lớp học để được nghe tiếng trẻ ê a đọc bài, nghe tiếng của cô giáo và các con hát vang bài “Khúc quân ca Trường Sa” của nhạc sĩ Đoàn Bổng. Ngày đó, lớp học sơ sài, bàn ghế tuềnh toàng càng khiến gương mặt của cô trò thêm phần chai sạn, khắc khổ thì nay, đồ dùng dạy học của cô và trò đã đầy đủ hơn. Không còn cảnh những chiếc áo bạc màu nhàu nhĩ, những gương mặt khô quắt vì nắng gió, trẻ em trên đảo giờ cũng được học tập, vui chơi giống như mọi trẻ em ở đất liền. Thầy giáo Nguyễn Công Qua - phụ trách lớp học có độ tuổi từ mầm non đến lớp 3 trên đảo Sinh Tồn cho biết, anh ra đây đã được 4 năm và càng ngày càng đam mê với sự nghiệp “gõ đầu trẻ” nơi đảo nhỏ tiền tiêu. Là thế hệ tiếp nối, các em lớn lên tại đây sẽ hiểu đảo, yêu đảo và gìn giữ đảo tốt hơn ai hết.

Vì Tổ quốc thiêng liêng

Trong hải trình trên con tàu KN-491, Trung tướng Nguyễn Văn Bổng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân chủng Hải quân luôn nói với chúng tôi rằng: “Tổ quốc là máu thịt thiêng liêng, là tình yêu cao hơn tất thảy trong mỗi trái tim người dân đất Việt. Đối với những người lính biển, Tổ quốc vừa là trái tim, vừa là động lực tinh thần to lớn để họ suy nghĩ, hành động, chấp nhận gian khó và sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc”. Ngẫm câu nói của đồng chí Chính ủy Quân chủng Hải quân, soi rọi vào thực tiễn cuộc sống của quân và dân trên đảo, tôi càng thấm và cảm phục họ. Trở lại Trường Sa lần này có rất nhiều thứ thay đổi nhưng có lẽ với tôi, tình yêu đất nước, tình cảm của quân dân trên đảo dành cho khách đất liền vẫn vẹn nguyên trong từng ký ức.

Gặp tôi trên đảo An Bang, Đại úy Lê Duy Hồng, sinh năm 1984, nhà ở phường Phú Lương (quận Hà Đông) xúm lấy trò chuyện. Anh Hồng hỏi Hà Nội mình đỡ dịch chưa, học sinh được đi học lại chưa cùng bao thứ khác về cuộc sống nơi quê nhà. Có lẽ, những câu hỏi đó giúp Hồng vơi bớt nỗi nhớ nhà, nhớ 2 đứa con bé bỏng mà lúc sinh các cháu, anh đều vắng mặt. Tính đến nay, Đại úy Lê Duy Hồng đã có thâm niên 9 năm công tác ở Trường Sa. Thời gian tuy chưa phải quá dài đối với cuộc đời mỗi con người nhưng cũng không quá ngắn đối với chàng trai người Hà Nội có nhiều điều kiện để phát triển bản thân. 9 năm ở Trường Sa, anh Hồng đã in dấu chân trên 8 hòn đảo lớn, nhỏ của vùng biển thiêng liêng này. Làm lính thông tin là phải bảo đảm “mạch máu ngầm” luôn được nhanh chóng, kịp thời, an toàn và bí mật, vì thế Hồng luôn khép mình vào kỷ luật, sẵn sàng gác lại những dự định cho bản thân để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đại úy Lê Duy Hồng chia sẻ: “Dù liên tục vắng nhà nhưng được sự quan tâm, động viên của gia đình, người thân, tôi hoàn toàn yên tâm công tác, cống hiến”. Rồi anh cười hiền và nói: “Sau lưng tôi đã có cả một bầu trời hậu phương vững chắc…”.

Nhìn nụ cười tươi rói của Đại úy Lê Duy Hồng, tôi hiểu rằng nếu trong chiến tranh, niềm vinh dự tự hào và đẹp đẽ nhất của người lính là trên trận tuyến với quân thù, thì trong thời bình cuộc đời đẹp nhất của các chiến sĩ Trường Sa là vững chắc tay súng canh biển trời Tổ quốc. Đó là sứ mệnh thiêng liêng mà họ đã và đang được Đảng, Nhà nước, quân đội, nhân dân tin tưởng, giao phó. Để có Trường Sa vững chắc như ngày hôm nay, bao tấm gương đã anh dũng ngã xuống. Xương của các anh tan vào đảo nhỏ, máu của các anh hòa lẫn biển xanh. Chính sự hy sinh thầm lặng của những người đi trước là lý tưởng sống tốt đẹp cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Trường Sa hôm nay noi gương, tự hào tiếp bước...

Trường Sa 27-4-2022 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trường Sa ngày trở lại...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.