(HNM) - Ngày thứ 4, tàu KN 490 neo đậu tại vị trí gần đảo Cô Lin, cách đảo Gạc Ma khoảng 1,9 hải lý về phía Tây Bắc để đúng 16 giờ 30 phút, toàn đoàn công tác có mặt trên boong tàu thực hiện nghi lễ Tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong sự kiện ngày 14-3-1988 bảo vệ đảo Trường Sa.
Đại tá Hoàng Ngọc Dương ôn lại câu chuyện cảm tử của những người lính hải quân Việt Nam trong nỗi nghẹn ngào thống thiết cùng niềm tự hào chất ngất. Đầu năm 1988, để ngăn chặn ý đồ của Trung Quốc đánh chiếm một số bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Với ý chí quyết tâm “Bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng cao cả, là mệnh lệnh trái tim của người lính”, các lực lượng Hải quân đã dũng cảm vượt mọi khó khăn, gian khổ chạy đua với thời gian để củng cố, tăng cường thế đứng trên khu vực quần đảo với một tinh thần chủ động, bình tĩnh, khôn khéo xử lý các tình huống, thực hiện nghiêm đối sách, kiềm chế đến mức tối đa vì nghĩa cử cao đẹp: Giữ vững hòa bình, hữu nghị.
Song bất chấp công lý và lẽ phải, biết không khuất phục được ý chí kiên cường, quyết tâm sắt đá của cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam, ngày 14-3-1988, Trung Quốc đã ngang nhiên và bất ngờ tấn công quân sự đánh chiếm một số đảo đá ngầm của Việt Nam. Trong cuộc chiến không cân sức giữa cán bộ, chiến sĩ các tàu vận tải và lực lượng công binh xây dựng đảo, trong tay chỉ có cuốc, xẻng, xà beng và súng bộ binh chống chọi với lực lượng tàu chiến hùng hậu của Trung Quốc trang bị cũ khí hiện đại, đã xuất hiện những tấm gương sáng ngời của cán bộ, thủy thủ các tàu HQ 505, HQ 604 và HQ 605 thuộc Lữ đoàn 125; cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 146; Trung đoàn Công binh 83 Hải quân.
Biết rằng có thể hy sinh, nhưng trước sự đe dọa, trước những hành động dã man của Trung Quốc, các anh không hề run sợ, không lùi bước, dũng cảm, ngoan cường, chiến đấu hy sinh để bảo vệ biển, Đảo đến hơi thở cuối cùng. Trước sự tấn công của kẻ thù, Trung tá Trần Đức Thông-Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Đại úy Vũ Phi Trừ-Thuyền trưởng tàu HQ 604, Thiếu úy Trần Văn Phương- Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma bình tĩnh chỉ huy bộ đội bảo vệ tàu, giữ vững lá cờ Tổ quốc trên đảo. rước lúc hy sinh, Thiếu úy Trần Văn Phương đã hiên ngang quấn lá cơ Tổ quốc quanh thân mình, động viên đồng đội: “Không được lùi bước, phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng”. Trước tình thế mất đảo trong gang tấc, Thuyền trưởng- Thiếu tá Vũ Huy Lễ đã bình tĩnh, mưu trí chỉ huy Tàu HQ 505 vừa chiến đấu, vừa nhanh chóng lao lên bãi ngầm Cô Lin để con tàu trở thành pháo đài và cột mốc chủ quyền bất khả xâm phạm…
Trong trận chiến đó, 64 cán bộ, chiến sĩ đã ra đi trong khí phách sáng ngời niềm tin quyết thắng. Tên tuổi và sự hiên ngang kiêu hãnh của các anh đã làm cho kẻ thù run sợ, chùn bước. Các anh đã nằm lại nơi đây, hòa mình vào trong lòng biển đảo quể hương.
Đại tá Hoàng Ngọc Dương nói, những năm qua, Đảng, Nhà nước và Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, các cấp, các ngành mà trực tiếp là cán bộ, chiến sĩ Hải quân đã cố gắng làm hết sức mình, song, biển thì rộng và sâu, mà sức người thì có hạn, hoàn cảnh bất lợi nên đến nay hình hài nhiều đồng chí vẫn đang nằm lại giữa trùng khơi dưới đáy biển sâu.
Hòa cùng những lời thống thiết tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh bảo vệ đảo Gạc Ma của Đại Tá Hoàng Ngọc Dương là nước mắt của hàng trăm người đang kính cẩn nghiêng mình trước ban thờ các liệt sĩ. Những giọt nước mắt không bi thương mà ấm nồng, đầy tự hào kiêu hãnh. Đôi giọt nước mặn cũng nồng nơi khóe mắt trên khuôn mặt gồ ghề góc cạnh của những người lính biển. Những giọt nước mắt chắt ra từ trái tim. Nước mắt người lính đã chảy ngày hòa bình và chảy suốt đời bởi cái vùng nước mặn mênh mông ở phía Đông dải đất cong cong chữ S, một phần thiêng liêng của lãnh thổ Việt Nam chưa bao giờ yên ả...Đó là những giọt nước mắt của niềm kiêu hãnh, tự hào và chỉ có ở những con người trân trọng lắm cuộc đời này. Những ngày ở Trường Sa, tôi đã hiểu nước mắt đâu phải tất cả yếu mềm. Nước mắt người lính ngày hòa bình có cái gì đó lớn lao kiêu hãnh, tự hào. Họ không khóc cho đời mình, cho đồng đội mà là để nguyện cầu cho đất nước mãi mãi được sống trong hòa bình, trong nhân ái…
Cùng vòng hoa tưởng niệm là hàng trăm cành hoa cúc và chim hạc giấy trắng được thả xuống biển xanh thiêng liêng của Tổ quốc. Tôi bất chợt nhìn thấy một chiếc hộp mê-ca có đất mang từ đất liền. Đó là nắm đất được anh Hoàng Thanh Sơn, hiện đang công tác tại Ban Kế hoạch- Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc mang theo từ Thái Bình. Anh Hoàng Thanh Sơn cho biết, anh là người cùng thôn Cộng Hòa-xã Minh Hòa-huyện Hưng Hòa- tỉnh Thái Bình với Anh hùng liệt sĩ- Trung tá Trần Đức Thông- Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146. Khi biết anh vinh dự được đi Trường Sa trong đoàn công tác của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đồng đội và gia đình Anh hùng liệt sĩ-Trung tá Trần Đức Thông đã gửi nắm đất quê hương cho người con anh dũng của Thái Bình. Nắm đất được lấy từ mảnh đất nơi Anh hùng liệt sĩ-Trung tá Trần Đức Thông sinh ra và lớn lên với mong muốn nắm đất quê hương sẽ sưởi ấm vong linh người chiến sĩ cảm tử trong trận chiến đấu bảo vệ Gạc ma, nắm đất còn là tình cảm yêu thương của quê hương Thái Bình, của đất liền với những người lính đã hy sinh bảo vệ biển đảo.
Sau lễ tưởng niệm, tàu nhổ neo, tạm biệt Cô Lin, thoảng trong gió giữa mênh mang trùng khơi, chúng tôi vẫn nghe tiếng thì thầm: Giữa biển trời Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc, hướng về hương hỏa của Tổ Tiên, trước anh linh của những cán bộ, chiến sĩ, Hải quân ưu tú đã ngã xuống, chúng tôi xin nguyện mãi tiếp bước xứng đáng với niềm tin và lý tưởng của các anh, quyết đem hết sức mình hiến dâng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, xứng đáng với công lao và sự hy sinh cao cả của các anh. Mong các anh yên nghỉ an lòng trong bóng hình sóng nước, phù độ cho thế hệ hôm nay và mái sau mãi giữ yên biển trời Việt Nam, giữ vững Trường Sa thân yêu của Tổ Quốc.
(còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.