Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trường chất lượng cao: Tăng học phí phải gắn với tăng chất lượng

Thống Nhất| 19/12/2019 06:33

(HNM) - Năm học 2020-2021, mức trần học phí cấp tiểu học và trung học phổ thông công lập chất lượng cao trên địa bàn thành phố Hà Nội được điều chỉnh tăng 400.000 đồng/học sinh/tháng. Đây là nội dung trong Nghị quyết “Quy định mức trần học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô năm học 2020-2021” vừa được HĐND thành phố Hà Nội thông qua. Tuy nhiên, việc tăng học phí phải căn cứ các điều kiện bắt buộc, đồng thời đi liền với tăng chất lượng giáo dục.

Việc tăng học phí trường chất lượng cao phải gắn với tăng chất lượng giáo dục. Ảnh: Minh Đức

Điều chỉnh học phí theo lộ trình

Sau một thời gian thí điểm, mô hình trường chất lượng cao tại Hà Nội bắt đầu vận hành từ năm học 2016-2017. Ngoài các tiêu chí bắt buộc ở mức độ cao, nhằm bảo đảm chất lượng “đầu ra”, việc thu học phí được thực hiện theo Nghị quyết số 14/2016/NQ-HĐND ngày 6-12-2016 của HĐND thành phố Hà Nội. Tính đến tháng 11-2019, toàn thành phố có 19 trường mầm non và phổ thông chất lượng cao, trong đó có 14 trường công lập, 5 trường ngoài công lập.

Thực tế hoạt động, các trường chất lượng cao đều bảo đảm tiêu chí và có sự khác biệt về chất lượng. Ông Trần Tuấn Anh, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Nam Từ Liêm (quận Nam Từ Liêm) - một trong những trường đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, chia sẻ: Nhà trường có nhiều ưu thế về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại… Đặc biệt, sĩ số của trường chất lượng cao luôn được khống chế ở mức dưới 30 học sinh/lớp.

Về việc thu học phí của trường chất lượng cao, bà Đào Hải Yến, Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, Nghị quyết số 14/2016/NQ-HĐND đã quy định rõ về lộ trình tăng học phí căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội chung. Tuy nhiên, bên cạnh đó, các trường phải bảo đảm một số điều kiện bắt buộc, đi đôi với tăng chất lượng giáo dục.

Liên quan đến nghị quyết quy định mức trần học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao mà HĐND thành phố vừa thông qua, bà Đào Hải Yến thông tin, việc này chỉ tác động tới 2 trường, là Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú (quận Đống Đa) và Trường Tiểu học đô thị Sài Đồng (quận Long Biên) vì đã áp dụng mức thu học phí đạt 100% mức trần theo quy định tại Nghị quyết số 14/2016/NQ-HĐND (tức là đã thu từ 5,1 triệu đồng đến 5,3 triệu đồng/tháng/học sinh). Những trường công lập chất lượng cao khác đều thu học phí ở dưới mức trần, trong đó có trường mới chỉ thu bằng 40%.

Không thể tùy tiện tăng học phí

Trường Tiểu học Nam Từ Liêm (quận Nam Từ Liêm) được đầu tư cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại.

Trước băn khoăn của một số phụ huynh học sinh về việc các trường chất lượng cao sẽ đồng loạt tăng học phí từ năm học 2020-2021, phóng viên Báo Hànộimới đã tiến hành khảo sát và ghi nhận, thời điểm hiện tại, hầu hết các trường đều chủ trương giữ ổn định mức học phí. Chẳng hạn, Trường Mầm non Mai Dịch (quận Cầu Giấy) có mức thu cao nhất là 3 triệu đồng/trẻ/tháng, bằng 59% so với mức trần quy định; Trường Tiểu học Nam Từ Liêm (quận Nam Từ Liêm) có mức thu cao nhất là 3,95 triệu đồng/học sinh/tháng (chỉ áp dụng với lớp 1), bằng 77% mức trần và học sinh lớp 5 đóng học phí là 2,28 triệu đồng/học sinh/tháng, chưa bằng 50% mức trần…

Bà Lê Thị Mai, phụ huynh học sinh Trường Trung học cơ sở Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) cho biết: "Gia đình tôi đang đóng học phí cho con, mức 2,1 triệu đồng/tháng. Hiện chưa có thông tin về việc nhà trường sẽ điều chỉnh mức học phí, nhưng gia đình hoàn toàn yên tâm, bởi khi nhập học, nhà trường đã có cam kết về lộ trình tăng học phí (nếu có) trong suốt cấp học".

Hai trường có mức thu chạm trần cũng đã có kế hoạch về lộ trình điều chỉnh mức học phí trong năm học 2020-2021. Ông Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú thông tin: Năm học 2020-2021, nhà trường dự kiến chỉ tăng học phí đối với học sinh lớp 10. Tuy nhiên, mức tăng như thế nào còn phải căn cứ vào nhiều quy định của cấp quản lý và sẽ thông báo cụ thể với phụ huynh học sinh trước khi tuyển sinh.

Còn theo bà Lê Thị Thu Hường, Hiệu trưởng Trường Tiểu học đô thị Sài Đồng, nhà trường dự kiến tăng học phí đối với lớp học theo Chương trình tiếng Anh Cambridge vào năm học 2020-2021. Số học sinh theo học lớp này chiếm khoảng 20% trong tổng số 550 học sinh toàn trường. Nhà trường sẽ thông tin cụ thể với phụ huynh tại cuộc họp phụ huynh học sinh cuối học kỳ I sắp tới.

Liên quan đến vấn đề này, bà Đào Hải Yến, Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội khẳng định: Trước hết, trần học phí mà HĐND vừa thông qua là áp dụng cho trường chất lượng cao, không liên quan đến các trường công lập nói chung. Thứ nữa, không phải nghị quyết ban hành là các trường có thể tùy tiện tăng học phí, bởi để được tăng học phí, các trường phải xây dựng đề án cụ thể, làm rõ các căn cứ, dự toán và phải được cơ quan quản lý phê duyệt. Bên cạnh đó, khi tuyển sinh các trường đã cam kết chất lượng giáo dục, công khai lộ trình thực hiện học phí… Mặt khác, các nhà trường còn phải giữ ổn định, tiến tới phát triển quy mô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trường chất lượng cao: Tăng học phí phải gắn với tăng chất lượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.