Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trước mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013: Giảm lượng để tăng chất

Quỳnh Phạm| 29/01/2013 06:58

(HNM) - Gần đây, Bộ GD-ĐT đã phát đi thông điệp sẽ dừng mở mới những ngành đang thừa đầu ra. Chuẩn bị cho mùa tuyển sinh sắp tới, một lần nữa Bộ khẳng định lại điều này bên cạnh việc khuyến khích tuyển sinh một số ngành khác.


Đào tạo ngành kinh tế - Thừa lượng, thiếu chất

Theo thống kê từ Bộ GD-ĐT, tình trạng mất cân đối về cơ cấu ngành nghề đã diễn ra trong thời gian dài. Các trường chủ yếu tuyển sinh các ngành dễ dạy, dễ học, ít phải đầu tư cơ sở vật chất, không phải thí nghiệm thực hành. Về phía thí sinh, có tới hơn 40% đăng ký vào học kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính - ngân hàng, kế toán.

Sinh viên ngành kinh tế - tài chính có nguy cơ khó tìm việc làm. Ảnh: Chí Lâm


Theo ông Nguyễn Áng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, nếu xu hướng này tăng dần lên quá 50% chỉ tiêu đào tạo chung thì không tránh được tình trạng khó tìm được việc sau khi ra trường. Các số liệu cho thấy số sinh viên kinh tế hiện đang chiếm 30% toàn hệ thống, tức khoảng 570.000 người. Tuy nhiên, trong năm 2012 và dự kiến năm 2013, số doanh nghiệp ra đời, mở rộng sản xuất kinh doanh cũng chỉ xấp xỉ con số rời khỏi thị trường nên khó có đủ chỗ làm cho sinh viên ra trường.

Tuy nhiên, bên cạnh lý do "thừa" về lượng, khó khăn về đầu ra còn do "thiếu" về chất. Điều này, theo một số chuyên gia, là do hiện nay hầu hết các trường đào tạo kinh tế đang cạnh tranh nhau trong mở rộng và đa dạng hóa các ngành đào tạo. Bên cạnh đó, các trường thuần túy đào tạo kỹ thuật cũng "lấn sân" sang đào tạo lĩnh vực kinh tế. Nếu như năm 2001 chỉ có 8 trường mở chuyên ngành kế toán thì năm 2011 là 49 trường. Ngành quản trị kinh doanh từ 14 lên 49 trường. Ngành tài chính - ngân hàng từ 5 lên 35 trường. Riêng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2012 cũng có tới 1.800 chỉ tiêu ĐH của Viện Quản lý và kinh tế. Điều này, theo bà Nguyễn Thị Tùng Phương, Trường ĐH Kinh tế quốc dân lý giải sở dĩ học sinh đổ xô đi học các ngành kinh tế vì được xem là nhẹ nhàng hơn các ngành kỹ thuật. Các trường kinh tế, vốn được cho là có truyền thống về đào tạo thì khó giữ được ưu thế của mình. Còn các trường mới mở, đào tạo ồ ạt đã làm giảm chất lượng do thiếu kinh nghiệm.

Siết ngành thừa, tăng chỉ tiêu ngành thiếu


Không chỉ với khối ngành kinh tế, từ hai, ba năm nay ngành điều dưỡng, ngành dược trình độ trung cấp cũng đã được báo động về tình trạng thừa nhân lực trầm trọng. Bộ Y tế đã phải có ý kiến chính thức với Bộ GD-ĐT về tình trạng đào tạo tràn lan khiến cung vượt quá xa nhu cầu thực tế trong nước. Vì quá đông, ngay cả ở các thành phố lớn, học viên cũng khó tìm được chỗ thực tập trong các bệnh viện. Từ năm 2012, Bộ GD-ĐT đã phải từ chối cho phép mở ngành đào tạo điều dưỡng, dược trình độ trung cấp đối với 5 trường.

Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng, ông Lê Văn Thành cũng lên tiếng cảnh báo về tình trạng dễ dãi trong đào tạo kỹ sư công trình, kỹ sư xây dựng với con số hơn 30 đơn vị đào tạo hai ngành này. Với tốc độ gia tăng hiện nay, đầu ra sẽ sớm bị bão hòa. Quan trọng hơn, theo ông Thành, chất lượng đào tạo không bảo đảm trong khi đó là những ngành liên quan tới tính mạng con người. Ông Lê Văn Thành đề nghị Bộ GD-ĐT kiểm tra chặt, nhất là ngành đào tạo kỹ sư công trình.

Tình trạng thừa sinh viên tốt nghiệp sư phạm cũng đã được đề cập từ nhiều năm nay và vẫn là vấn đề nhiều lãnh đạo trường băn khoăn, như Hiệu trưởng Đinh Xuân Khoa, Trường ĐH Vinh: Ngành này đang được đào tạo theo kiểu "nhà nhà mở lớp" khi tỉnh nào cũng có một trường sư phạm. Trong bối cảnh bão hòa nhân lực ở nhiều ngành, thì ngược lại, một số ngành có nhu cầu xã hội nhưng ít trường dạy, ít người học. Lãnh đạo Bộ KH-CN mới đây cho biết rất khó tìm được người học các chương trình đào tạo về hạt nhân, kể cả đi học nước ngoài. Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, sẽ khó cải thiện được tình hình nếu không có ưu đãi trong tuyển sinh, chế độ học bổng, cơ hội việc làm và đãi ngộ của ngành này.

Ở các trường y, vốn được coi là "đắt khách", cũng có nhiều chuyên ngành hầu như không có thí sinh nào có nguyện vọng học. Nhằm thu hút thí sinh, mới đây, Bộ GD-ĐT đã dự kiến miễn học phí cho học sinh, sinh viên học các chuyên ngành giải phẫu bệnh, giám định pháp y, pháp y tâm thần. Học sinh ngành năng lượng nguyên tử cũng có thể được hỗ trợ tối đa bằng học bổng, ở ký túc xá miễn phí, ưu tiên tuyển dụng, không phải qua thời gian thử việc...

Trong phương hướng năm học 2012-2013, Bộ GD-ĐT cũng khuyến khích các trường thay đổi về cơ cấu theo hướng tăng chỉ tiêu các ngành xã hội có nhu cầu thuộc nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ, nông lâm, thủy sản, y dược, nghệ thuật... Mặc dù thừa nhận phải chấp nhận việc chọn ngành theo cảm tính của thí sinh, song ông Nguyễn Áng cho rằng, trách nhiệm của cơ quan quản lý là cung cấp công khai, minh bạch các thông tin về ngành nghề để giúp người học có cơ sở chọn lựa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trước mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013: Giảm lượng để tăng chất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.