Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trước hết là công dân tốt

Lê Hương| 15/01/2010 07:12

(HNM) - Chào đón năm 2010, đồng bào Công giáo Thủ đô và cả nước đang nô nức chuẩn bị các hoạt động cho Năm Thánh 2010 và nhiều việc làm ý nghĩa để kỷ niệm những ngày lễ lớn của dân tộc, mừng Thăng Long - Hà Nội tròn 1000 năm tuổi.


Đây cũng là dịp nhìn lại thành quả sau một năm đồng bào Công giáo chung lòng, chung sức cùng đồng bào các giới trong cả nước vượt qua khó khăn, thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2009. Nằm trong chương trình hội nghị toàn thể lần thứ hai Ủy ban Đoàn kết Công giáo (UBĐKCG) Việt Nam, sáng 14-1, đoàn đại biểu đã đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Chung sức vượt khó


Xây dựng đường làng ở xứ đạo Cần Kiệm, huyện Thạch Thất. Ảnh: Bá Hoạt


Linh mục Phan Khắc Từ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký UBĐKCG Việt Nam cho biết, với tinh thần "đồng hành cùng dân tộc", phong trào thi đua yêu nước năm 2009 của đồng bào Công giáo được tổ chức với nhiều nội dung thiết thực. Tiêu biểu như tỉnh Bắc Giang, các xứ đạo An Tràng, Núi Ô, Yên Lập tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng, tăng năng suất lúa lên 280-300kg/sào. Ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đồng bào Công giáo đã giúp nhau hơn 6 tỷ đồng cùng hơn 20.000 cây, con giống. Tại các xứ, họ đạo ở tỉnh Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Long An, Bình Phước, Phú Yên, Tiền Giang... phát triển mạnh mô hình kinh tế VAC, VACR gắn với đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống, giảm số hộ nghèo còn dưới 5% (riêng tỉnh Tiền Giang chỉ còn 2,5% hộ giáo dân nghèo).

Thủ đô Hà Nội chịu tác động rõ nhất của cuộc khủng hoảng kinh tế, nhưng trong khó khăn ấy, mới thấy hết sức mạnh, tiềm năng của nhân dân Hà Nội nói chung, đồng bào Công giáo nói riêng. Phó Chủ tịch UBĐKCG TP Hà Nội Phạm Huy Thông cho biết, hơn 175 nghìn giáo dân sống đan xen ở 29 quận, huyện đã hưởng ứng tích cực cuộc vận động (CVĐ) "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư". Với 10 nội dung thi đua trên 4 lĩnh vực: phát triển kinh tế; thực hiện chính sách pháp luật; tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo và xây dựng xứ họ đạo tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu, CVĐ đã góp phần quan trọng thay đổi bộ mặt nông thôn ở các vùng có đông giáo dân. Giờ đây, nhiều hộ trồng hoa ở Tây Tựu (Từ Liêm), làm gốm sứ ở giáo họ Kim Lan (Gia Lâm), làm bánh kẹo ở Cổ Nhuế (Từ Liêm)... có thu nhập 40-50 triệu đồng/năm. Có những hộ nông dân, như ông Nguyễn Văn Cần ở họ Trung Lương (Sóc Sơn) sản xuất, kinh doanh thu nhập 80 triệu đồng/năm, đặc biệt bà Nguyễn Thị Mùi, ở quận Tây Hồ có thu nhập 500 triệu đồng/năm. Hiện nay, ở Thủ đô không còn hộ giáo dân đói, số hộ khá, giàu chiếm 20-30%.

Vì hạnh phúc đồng bào

Trong không khí cả nước chào đón năm 2010 với nhiều sự kiện trọng đại - là Năm Thánh của đồng bào Công giáo, năm diễn ra Đại hội Đảng các cấp và Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội... GS Lương Tấn Thành, Phó Chủ tịch UBĐKCG TP Hà Nội, người vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Đại đoàn kết dân tộc đã bày tỏ niềm vui mừng, trân trọng cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào Công giáo. Không giấu được niềm xúc động, GS Thành tâm sự: "Cả cuộc đời tôi luôn tâm niệm và động viên đồng bào Công giáo thực hiện tốt tinh thần Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 1980 -Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào đối với người Công giáo không những là một tình cảm tự nhiên phải có, mà còn là một đòi hỏi của Phúc âm".

Tinh thần "Phúc âm giữa lòng dân tộc" là khởi nguồn của phong trào bác ái từ thiện tại các xứ, họ đạo. Hiện nay, trong các gia đình Công giáo ở giáo phận Hưng Hóa (Sơn Tây) vẫn duy trì "Hộp bác ái" để khuyến khích mọi người nhớ đến những em nhỏ mồ côi, người già không nơi nương tựa. Ở tỉnh Trà Vinh, họ giáo Định Bình đã hỗ trợ người già neo đơn hơn 20 triệu đồng; họ giáo Cái Đoi, Long Khánh tổ chức phát gạo cho người nghèo. Còn ở tỉnh Bến Tre, đồng bào Công giáo tự nguyện hỗ trợ ngày công và hơn 1,1 tỷ đồng sửa chữa, chống dột 516 căn nhà. Các giáo xứ Bến Dinh, Bến Siêu, Cao Lãnh (Đồng Tháp) đã giúp đỡ người nghèo hơn 300 triệu đồng. Năm 2009, chia sẻ nỗi đau, mất mát do thiên tai của nhân dân các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, nhiều giáo xứ ở hai giáo phận Hà Nội và Hưng Hóa đã quyên góp hơn 4 tỷ đồng ủng hộ. Riêng quận Đống Đa (Hà Nội) đã ủng hộ 350 triệu đồng cho các gia đình bị nạn và gần 1 tỷ đồng cho hoạt động từ thiện, bác ái. Ngoài ra, giáo dân Thủ đô còn hỗ trợ nhà trọ, phương tiện đi lại, giúp đỡ gần 2.000 lượt thí sinh dự thi tiết kiệm được 2 tỷ đồng. Tại tỉnh Đồng Nai, dòng bác ái Vinh Sơn đã mở và duy trì 72 lớp học tình thương cho 225 học sinh theo học; giáo hạt Xuân Lộc đã đóng góp gần 2,5 tỷ đồng làm hơn 4.000m đường... Còn tại tỉnh Long An, giáo dân các huyện Mộc Hóa, Bến Lức đã đóng góp xây dựng 9 cây cầu, rải sỏi và đổ bê tông các tuyến đường liên xóm ấp với kinh phí hơn 330 triệu đồng.

Dẫu ở đâu đó còn một số hạn chế nhất định, trong năm 2010 này UBĐKCG Việt Nam tiếp tục động viên đồng bào Công giáo cả nước đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu sống tốt đời, đẹp đạo, phát huy sức lao động, sáng tạo trên mọi lĩnh vực, góp phần vào sự thịnh vượng chung của đất nước theo đúng huấn từ của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI: "Một tín hữu Công giáo tốt cũng là một công dân tốt".
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trước hết là công dân tốt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.