Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trước cuộc thử lửa

Quỳnh Chi| 16/11/2010 07:22

(HNM) - Tình trạng kinh tế yếu kém cùng hàng loạt chính sách cải cách gây tranh cãi khiến uy tín của Tổng thống Pháp N.Sarkozy tụt dốc là nguyên nhân buộc ông chủ Điện Elysée phải cải tổ nội các vào cuối tuần qua nhằm củng cố

Các cuộc biểu tình phản đối dự luật mới về chế độ hưu trí gây sức ép không nhỏ với chính quyền Pháp.


Thay vì 37 thành viên như trước, nội các mới được công bố sáng 15-11 (giờ Việt Nam), nay chỉ còn 30 thành viên (22 bộ trưởng và 8 quốc vụ khanh). Trong đó, có 11 gương mặt nữ và chiếm đa số nội các là thành viên đảng Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP) cánh hữu cầm quyền.

Hầu hết các vị trí trong nội các cũ vẫn được giữ lại như: Bộ trưởng Kinh tế, Tài chính và Công nghiệp Christine Lagarde, Bộ trưởng Nội vụ, Lãnh thổ hải ngoại, Các đơn vị hành chính lãnh thổ và nhập cư Brice Hortefeux, Bộ trưởng Giáo dục Đại học và Nghiên cứu Christine Lagarde... Thay đổi đáng chú ý nhất nằm ở "ghế" Bộ trưởng Ngoại giao. Dù Ngoại trưởng Bernard Kouchner (nay đã là cựu Ngoại trưởng) đã làm khá tốt ở vị trí này song ông lại là cựu thành viên đảng Xã hội đối lập. Trong khi đó, một bộ máy cần tính quyết đoán mạnh sẽ không chừa cơ hội cho bất kỳ sự ngả nghiêng nào. Đây là lý do bà Michèle Alliot-Marie, Bộ trưởng Tư pháp được cử giữ chức vụ này, trở thành nữ Ngoại trưởng đầu tiên của Pháp. Cũng vì thế, một nhân vật cánh hữu khác từng ngồi ghế Thủ tướng là Alain Juppe - Thị trưởng thành phố Bordeaux được trao ghế Bộ trưởng Quốc phòng và Cựu chiến binh thay ông Hervé Morin - vị trí "nóng"  thứ hai trong Chính phủ.

Cuộc cải tổ nội các diễn ra mau lẹ rõ ràng nhằm thu hút sự ủng hộ của cử tri với Điện Elysée. Thế nhưng, những lình xình trong chuyện tình cảm cá nhân của Tổng thống N. Sarkozy và sự kiện đụng chạm đến nền tảng cơ cấu xã hội vốn hình thành suốt 150 năm qua của "công dân số 1 nước Pháp", là lương hưu lại cho một "hiệu quả" khác. Liên tục trong nhiều tuần qua, các nghiệp đoàn ở Pháp đã thay phiên nhau xuống đường để biểu tình phản đối Chính phủ, gây sức ép. Ngoài ra, cuộc trục xuất ồ ạt cộng đồng người du cư Zigan được cho là làm xấu đi hình ảnh đất nước của "tự do, bình đẳng, bác ái" cũng đang gây làn sóng bất bình cả trong lẫn ngoài nước Pháp. Hậu quả là, uy tín của ông chủ Điện Elysée sụt giảm xuống dưới ngưỡng 30% - mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua.

Trên thực tế, cuộc cải tổ nội các vừa hoàn tất một cách êm thấm là kịch bản được Tổng thống N. Sarkozy soạn sẵn từ tháng 6-2010. Những ai đi và đến, ai ở lại đều đã được "điểm danh". Việc 2 bộ trưởng dính bê bối chi tiêu ngân sách phải sớm từ chức là tín hiệu khởi đầu cho kế hoạch được tính trước nhằm giảm bớt áp lực dư luận lên Chính phủ Pháp trong thời gian qua. Sở dĩ Thủ tướng Francois Fillon được giữ lại vì ông được xem là nhà chính trị rất được lòng dân. Suốt hơn ba năm qua, dù Chính phủ Pháp đã phải trải qua không ít sóng gió, nhưng Thủ tướng Fillon luôn luôn có được chỉ số tín nhiệm cao của người dân trong các cuộc thăm dò dư luận, thậm chí còn cao hơn rất nhiều so với Tổng thống N.Sarkozy. Đây là nhân tố mang tính đòn bẩy có thể giúp Tổng thống N.Sarkozy vực dậy uy tín trong thời gian tới.

Quỹ thời gian của Tổng thống N.Sarkozy không còn nhiều, năm 2010 coi như đã hết, năm 2012 là năm bầu cử, nên chỉ còn một năm 2011 để thực hiện những gì cần thiết cho việc kéo dài quyền lực. Hiện tại, những "lá bài" có thể mang đến lợi thế cho Tổng thống N. Sarkozy trong cuộc đua sắp tới không có nhiều. Vì vậy, năm 2011 sẽ là thời gian thách thức thật sự với Tổng thống N. Sarkozy và nội các mới. Và cuộc cải tổ nhằm thu gọn "đội hình" không nằm ngoài mục đích hình thành một "êkíp" gọn nhẹ nhưng hiệu quả hơn để Điện Elysée đón trước cuộc thử lửa được dự báo sẽ rất cam go trên chính trường Pháp trong năm tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trước cuộc thử lửa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.