Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trùng tu di tích: Gấp rút đào tạo nhân lực

Minh Ngọc| 01/02/2012 07:29

(HNM) - Việt Nam có nguồn di sản vô giá với hơn 3.200 di tích quốc gia, hầu hết đều cần được trùng tu. Song nguồn nhân lực cho công tác trùng tu di tích chưa được đào tạo chuyên nghiệp.

Bức xúc trước tình trạng làm sai lệch, biến tướng di sản, GS Hoàng Văn Khoán (ĐH Quốc gia Hà Nội) đưa ra dẫn chứng về hòn đá tự nhiên có hình dáng giống người phụ nữ không đầu, được người dân đem về lập am thờ ở đền Cổ Loa (Đông Anh), coi đó là hình ảnh nàng Mỵ Châu công chúa. Trước đây, hòn đá được phủ một tấm vải đỏ, đặt bên cạnh là ngọn đèn dầu lạc hắt hiu, đúng như tinh thần truyền thuyết câu chuyện tình bi thương thời Âu Lạc. Giờ thì hòn đá đó đã được phủ các lớp vải gấm thêu hoa, treo đầy trang sức vàng bạc, châu báu… Đền Hùng là một di tích có tầm quan trọng đặc biệt, ngày Giỗ Tổ được Nhà nước quy định là Quốc lễ, nhưng tượng Vua Hùng, Lạc Long Quân lại tạc đầu đội mũ cánh chuồn, mặc long bào, chân đi hia, mắt xếch, rất giống với các nhân vật vua Trung Quốc trên phim ảnh. Chùa Bái Đính xây mới đồ sộ trên một vùng đất lịch sử thời Đinh, Lê, nhưng lại mang dáng dấp đặc trưng thời Nguyễn thế kỷ XIX... Đấy là chưa kể những mặt trái của việc xã hội hóa bảo tồn làm xuất hiện không ít những điều "chướng tai gai mắt" về mặt di sản. Có lẽ không quá lời khi PGS Trần Lâm Biền khẳng định: "Nếu nhìn vào những di tích được tu bổ từ xưa đến nay, bảo họ làm đúng chưa thì tôi xin thưa thật rằng chưa một di tích nào được tu bổ chính xác 100%".

Chùa Bái Đính mang dáng dấp thời Nguyễn, thế kỷ XIX. Ảnh: Nguyên An


GS TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia lo lắng: "Với tốc độ xã hội hóa không được kiểm soát như hiện nay, chỉ một thời gian ngắn nữa thôi sẽ không còn di tích để trùng tu".

GS Lưu Trần Tiêu đưa ra dẫn chứng, việc trùng tu, tôn tạo di tích trên mặt đất ở Nhật Bản, Hàn Quốc họ nghiên cứu tư liệu rất kỹ. Có những công trình dù có tư liệu khảo cổ, cùng với ảnh người Pháp để lại tương đối đầy đủ, rõ ràng, thế nhưng họ vẫn không dám phục dựng. Bởi, tu sửa di tích đều phải tuân thủ công ước quốc tế, luật di sản, những văn bản pháp quy về trùng tu.

Nhân lực thiếu và yếu

KTS Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích cho biết: "Hiện nhiều công trình trùng tu không đúng như nguyên gốc vì có hai xu hướng. Thứ nhất là khi trùng tu, người ta thường muốn to đẹp, hoành tráng hơn, đưa nhiều yếu tố mới vào di tích. Thứ hai là đội ngũ làm trùng tu không có kiến thức về trùng tu, thậm chí nhiều đơn vị chỉ là những công ty xây dựng bình thường. Trong khi đó, người làm bảo tồn phải có kiến thức, sự hiểu biết sâu rộng và kỹ năng làm nghề tốt. Ví như một kiến trúc sư, ngoài kiến thức kiến trúc còn cần phải hiểu biết về lịch sử, văn hóa và bảo tồn di sản thì mới đủ năng lực hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn, trùng tu di tích. Đáng tiếc là, phần lớn việc trùng tu các di tích ở nước ta vẫn do các đơn vị xây dựng dân dụng thực hiện và trùng tu di tích được triển khai như cải tạo, nâng cấp công trình dân dụng. Những người trực tiếp trùng tu di tích vẫn chỉ là những thợ xây bình thường. Sự thiếu hụt đội ngũ chuyên nghiệp và những thao tác thiếu chuyên nghiệp của những người có trách nhiệm cả trong quản lý, giám sát và thực thi công tác bảo tồn di tích đã dẫn đến chất lượng trùng tu di tích không bảo đảm, gây nhiều bức xúc trong xã hội.

Cùng quan điểm, TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa cho rằng: "Nguồn nhân lực ngành di sản văn hóa chưa đáp ứng được nhu cầu đặt ra trong chiến lược phát triển văn hóa. Đội ngũ những người làm công tác bảo tồn trong cả nước còn ít về số lượng, tính chuyên nghiệp chưa cao, lúng túng trong việc xử lý những vấn đề phức tạp do thực tiễn đặt ra, làm ảnh hưởng đến chất lượng bảo tồn, tôn tạo di tích, thậm chí sai lệch, biến dạng yếu tố nguyên gốc của di tích".

Cần có mã ngành bảo tồn di tích

Trước thực trạng trên, nhiều nhà khoa học đề nghị nên mở mã ngành đào tạo chuyên sâu về bảo tồn di tích trong một số trường đại học. Nhiều ý kiến khác cho rằng, cần từng bước xây dựng Viện Bảo tồn di tích hiện nay thành một trung tâm đào tạo chuyên ngành về bảo tồn di tích ở Việt Nam; đồng thời cử cán bộ đi học tập ở nước ngoài để sau này trở thành những chuyên gia có năng lực.

Trả lời câu hỏi cần phải làm gì để xây dựng và phát triển nguồn nhân lực trong hoạt động bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa, GS TSKH Lưu Trần Tiêu nói: Trước hết phải thống nhất nhận thức bảo tồn di tích là hoạt động khoa học mà đối tượng nghiên cứu là di sản văn hóa, là tài sản vô giá của cha ông để lại… Thứ nữa là đổi mới mang tính đột phá về quản lý, tổ chức, đào tạo nhằm xây dựng và phát triển nguồn nhân lực. Một số ý kiến khác đề nghị các cơ quan chức năng khẩn trương tổ chức các lớp tập huấn cho các đơn vị, công ty có chức năng trong việc bảo tồn di tích, sau đó đề xuất cấp có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề theo đúng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa. Trên thực tế, Luật Di sản văn hóa đã có hiệu lực hơn một năm nhưng cho đến nay chưa có đơn vị, doanh nghiệp nào được cấp chứng chỉ.

Việc đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp vẫn ở tương lai xa, trong khi các dự án trùng tu vẫn được phê duyệt và thực hiện từng ngày. Và sự lo lắng không còn di tích để trùng tu không phải là không có cơ sở.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trùng tu di tích: Gấp rút đào tạo nhân lực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.