Gần đây Bộ Chính trị T.Ư Đảng Cộng sản Trung Quốc triệu tập hội nghị nhằm đẩy nhanh việc thực hiện chiến lược “miền Trung trỗi dậy”, sớm đưa khu vực này thoát khỏi tình trạng khó khăn và rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền ở Trung Quốc.
Dãy núi Hùng Sơn là một trong những thắng cảnh thu hút rất nhiều du khách của tỉnh An Huy (TQ)
Chiến lược “miền Trung trỗi dậy” lần đầu tiên được các nhà lãnh đạo Trung Quốc chính thức đề cập tại Hội nghị T.Ư về công tác kinh tế của Trung Quốc tháng 12-2004. Đây được coi là một trong những nhiệm vụ kinh tế quan trọng của Trung Quốc trong tương lai. Trong một cuộc thị sát ở Vũ Hán, (Hồ Bắc) Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo nhấn mạnh: miền Trung phải phát huy ưu thế về địa lý, tài nguyên và khoa học kỹ thuật, xây dựng miền Trung thành khu vực sản xuất lương thực, cung cấp năng lượng và phát triển khoa học kỹ thuật của Trung Quốc. Tuy nhiên, không giống với miền Đông, Đông-Bắc và miền Tây, miền Trung không phải là khu vực nhất thể hóa kinh tế mà là một khu vực lớn với những yếu tố về địa hình phức tạp. Chính vì vậy, gần hai năm qua, mọi biện pháp nhằm phát triển 6 tỉnh miền Trung trong chiến lược “miền Trung trỗi dậy” vẫn dừng lại ở những cuộc điều tra, nghiên cứu của chính phủ Trung Quốc.
Khu vực miền Trung của Trung Quốc bao gồm 6 tỉnh: Sơn Tây, Hà Nam, Hồ Bắc, Hồ Nam, An Huy và Giang Tây, với tổng diện tích chỉ bằng 1/10 diện tích Trung Quốc, chiếm 31,2% số nông dân trong cả nước. Nhiều năm qua, vai trò của miền Trung trong công cuộc cải cách kinh tế ngày càng giảm. Chênh lệch Tổng giá sản phẩm quốc nội (GDP) của miền Trung chỉ bằng 1/6 miền Đông. Thu nhập bình quân đầu người của miền Trung cũng thấp hơn so với cả nước. Trong khi xu thế và tốc độ phát triển không chỉ thấp hơn nhiều so với khu vực ven biển miền Đông, mà còn thấp hơn cả khu vực miền Tây. Từ khi Trung Quốc thực hiện chiến lược “Đại khai phá miền Tây”, đầu tư của Nhà nước vào miền Trung vốn đã ít nay càng ít hơn. Thêm vào đó, tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóacủa khu vực miền Trung còn thấp hơn mức bình quân của cả nước. Theo các chuyên gia kinh tế, có nhiều nguyên nhân khiến miền Trung tụt hậu. Cụ thể, khu vực miền Trung đang dần mất đi ưu thế phát triển sẵn có do tác động của công cuộc cải cách mở cửa; chiến lược phát triển đất nước của Trung Quốc thay đổi trong thời gian dài. Trung Quốc tập trung phát triển khu vực ven biển miền Đông bằng nhiều chính sách ưu đãi. Khu vực miền Trung không chỉ bất lợi về phân công kinh tế khu vực mà còn rơi vào thế bị động, mất đi ưu thế về nhân tài, vốn và tài nguyên. Chỉ dựa vào nội lực thì không đủ sức tạo nên ưu thế phát triển kinh tế của khu vực miền Trung. Thêm vào đó, tiến trình đô thị hóa chậm chạp ở khu vực miền Trung đã gây khó khăn trong giải quyết việc làm cho nông dân, nhất là những người sống ở những khu vực nửa thành thị, nửa nông thôn.
Các chuyên gia kinh tế Trung Quốc cho rằng, để thực hiện tốt chiến lược “miền Trung trỗi dậy”, cần phải có sự giúp đỡ mạnh mẽ từ bên ngoài. Trong đó, chính phủ Trung Quốc cần có nhiều ưu đãi hơn nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào khu vực này. Bên cạnh đó, chính phủ cần có biện pháp chuyển dịch ngành nghề từ miền Đông sang miền Trung; chuyển các dự án xây dựng trọng điểm quốc gia từ khu vực ven biển hoặc những nơi kinh tế phát triển khác sang miền Trung nhằm tạo động lực phát triển kinh tế. Song, trước mắt khu vực này phải dựa vào thế mạnh tài nguyên thiên nhiên, thế mạnh trong việc đi tắt đón đầu ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại. Một yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế miền Trung là dựa vào cải cách mở cửa nhằm tạo động lực mới thúc đẩy kinh tế miền Trung phát triển, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế giữa vùng này với các vùng khác ở đất nước 1,3 tỷ dân này.
Hữu Hùng
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.