Chuyện đó đây

Trung Quốc tặng vé số, Hàn Quốc nới chính sách cho vay để khuyến khích sinh con

Kim Phượng 28/02/2024 16:50

Chính quyền thành phố Tây An, Trung Quốc tuyên bố sẽ chi 700.000 nhân dân tệ (97.000 USD) mua vé số để trao thưởng cho các cặp vợ chồng mới cưới xuất trình giấy đăng ký kết hôn, trong nỗ lực khuyến khích kết hôn vào thời điểm tỷ lệ sinh ở quốc gia này ngày càng thấp.

Theo Reuters ngày 28-2, dân số Trung Quốc giảm năm thứ hai liên tiếp vào năm 2023, với số ca sinh mới giảm xuống còn khoảng một nửa so với năm 2016, trong khi tỷ lệ kết hôn đạt mức thấp kỷ lục vào năm 2022.

Với tỷ lệ kết hôn gắn chặt với tỷ lệ sinh do các bà mẹ chưa kết hôn thường bị từ chối trợ cấp nuôi con, chính quyền thành phố Tây An hứa tặng một vé số cho bất kỳ cặp đôi nào xuất trình giấy đăng ký kết hôn kể từ ngày 1-3 tới.

"Đây không chỉ là sự khởi đầu của một cuộc sống hạnh phúc sau khi nhận được giấy đăng ký kết hôn, mà còn có nhiều khả năng cá cặp đôi nhận được một món quà nhỏ", Văn phòng dân sự thành phố cho biết trên tài khoản Wechat chính thức. Chương trình này sẽ kéo dài đến ngày 30-11.

Trung Quốc là một trong quốc gia có chi phí nuôi dạy một đứa trẻ đắt nhất thế giới, nếu so với GDP bình quân đầu người, một tổ chức tư vấn của Trung Quốc cho biết. Ngày càng ít phụ nữ nước này lựa chọn sinh con do chi phí chăm sóc con cái cao hoặc chưa sẵn sàng kết hôn hay tạm dừng sự nghiệp.

giam-ty-le-sinh.jpg
Chính phủ Hàn Quốc đã đặt ưu tiên là đảo ngược tỷ lệ sinh đang giảm và hứa sẽ đưa ra “các biện pháp đặc biệt” để giải quyết vấn đề. Ảnh: Getty

Cùng ngày, theo Yonhap, cuộc khủng hoảng nhân khẩu học của Hàn Quốc ngày càng trầm trọng hơn sau khi dữ liệu vừa công bố cho thấy, tỷ lệ sinh của nước này, vốn đã thấp nhất thế giới, đã giảm xuống mức kỷ lục mới vào năm 2023, bất chấp chính phủ đầu tư hàng tỷ USD vào các chương trình nhằm thuyết phục các gia đình sinh thêm con.

Các báo cáo cho thấy, dân số Hàn Quốc đã giảm năm thứ tư liên tiếp. Số con trung bình mà một phụ nữ Hàn Quốc có trong đời giảm từ 0,78 xuống 0,72 vào năm 2022, giảm gần 8% theo dữ liệu từ Cơ quan thống kê Hàn Quốc. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với mức trung bình 2,1 trẻ em mà đất nước này cần để duy trì dân số hiện tại là 51 triệu người.

​Kể từ năm 2018, Hàn Quốc là thành viên duy nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) có tỷ lệ sinh dưới 1. Ngoài ra, phụ nữ Hàn Quốc sinh con lần đầu ở độ tuổi trung bình là 33,6 - cao nhất trong số các thành viên OECD.

Theo Viện Đo lường và Đánh giá y tế tại Đại học Washington ở Seattle (Mỹ), nếu tỷ lệ sinh tiếp tục thấp, dân số của nền kinh tế lớn thứ năm châu Á được dự đoán sẽ giảm gần một nửa, xuống còn 26,8 triệu người vào năm 2100.

Theo người đứng đầu bộ phận điều tra dân số tại Cơ quan Thống kê Hàn Quốc - Lim Young-il, số trẻ sơ sinh nước này vào năm 2023 là 230.000, ít hơn 19.200 trẻ so với năm trước, giảm 7,7%.

Kể từ năm 2006, Chính phủ Hàn Quốc đã đầu tư hơn 360 nghìn tỷ won (270 tỷ USD) vào các chương trình khuyến khích các cặp vợ chồng sinh thêm con, bao gồm trợ cấp tiền mặt, dịch vụ trông trẻ và hỗ trợ điều trị vô sinh. Chính quyền của Tổng thống Yoon Suk Yeol đã coi việc đảo ngược tỷ lệ sinh giảm là ưu tiên quốc gia, và vào tháng 12-2023 đã cam kết đưa ra “các biện pháp đặc biệt” để giải quyết tình hình.

Tuy nhiên, tài chính và các biện pháp khuyến khích khác không thuyết phục được các cặp vợ chồng, khi họ cho rằng, chi phí nuôi con và giá bất động sản tăng vọt, thiếu việc làm được trả lương cao và hệ thống giáo dục khắc nghiệt của đất nước là những trở ngại cho việc có con.

Các chuyên gia cho rằng, các yếu tố văn hóa cũng là nguyên nhân, bao gồm cả việc các bà mẹ gặp khó khăn khi phải sắp xếp công việc của mình với việc gia đình và chăm sóc con cái.

Các đảng chính trị lớn của Hàn Quốc đang đưa ra chính sách nhằm ngăn chặn tình trạng suy giảm dân số trước cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 4 tới, bao gồm tăng cường nhà ở công cộng và các khoản vay dễ dàng hơn, với hy vọng cải thiện nguy cơ “tuyệt chủng quốc gia”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trung Quốc tặng vé số, Hàn Quốc nới chính sách cho vay để khuyến khích sinh con

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.