(HNM) - Chưa đầy 10 ngày trong tháng 8, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) đã phải 3 lần liên tiếp
Đây là số tiền lớn nhất mà PBoC tung vào thị trường kể từ tháng 1-2014, trong bối cảnh khả năng thanh toán tiền mặt trên thị trường tiền tệ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đối mặt không ít thách thức. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là PBoC liên tục "phá giá" đồng NDT so với đồng USD thời gian qua.
Chính phủ Trung Quốc đang quyết tâm ổn định tình hình kinh tế. |
Năm ngoái, nền kinh tế hơn 1,3 tỷ dân ghi nhận mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1990 khi chỉ đạt 7,4% so với mức 7,7% của năm 2013. Mục tiêu tăng trưởng được Trung Quốc đặt ra năm nay là 7%, với trọng tâm chuyển mô hình tăng trưởng từ dựa vào thương mại và đầu tư sang mô hình bền vững hơn - dựa trên tiêu dùng nội địa. Thế nhưng năm nay, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp tục ghi nhận các dấu hiệu giảm đà tăng trưởng, với tỷ lệ 7% trong hai quý đầu năm, bằng đúng mục tiêu đề ra cho cả năm. Trong đó, xuất khẩu được giả định tăng trưởng 6% nhưng lại đang trong tình trạng suy giảm. Đồng thời, các nhà máy đang cắt giảm hàng triệu việc làm.
Các ngành kinh tế mới như thương mại điện tử đang phát triển nhưng quy mô quá nhỏ, chưa thể bù lại số việc làm bị mất trong các ngành truyền thống. Dù Bắc Kinh đã thành công trong nỗ lực hạ nhiệt thị trường bất động sản và xây dựng, song việc tạo ra một nền kinh tế tiêu dùng cần thêm thời gian. Trong khi đó, các ngành công nghiệp nặng, khai thác than và thép đã cắt giảm lực lượng lao động... Cùng với đó, sự gia tăng chóng mặt và cú lao dốc bất ngờ của thị trường chứng khoán Trung Quốc những ngày qua khiến các nhà đầu tư nhỏ choáng váng. "Cú sốc" này có thể đe dọa kéo lùi kế hoạch cải cách kinh tế của chính phủ, với hy vọng khuyến khích nhiều người dân đầu tư vào các thị trường và các doanh nghiệp nhà nước huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu để giảm nợ.
Giới chuyên gia tài chính nhận định, một cuộc suy thoái toàn cầu sẽ không hiện hữu cho dù có những số liệu ảm đạm từ nền kinh tế Trung Quốc cũng như sự suy giảm của các thị trường dầu mỏ và chứng khoán toàn cầu thời gian qua. Việc PBoC liên tục điều chỉnh tỷ giá đồng NDT xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD được xem là nỗ lực lớn của Chính phủ Trung Quốc nhằm vực dậy hoạt động xuất khẩu đang giảm sút. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng giảm giá trị đồng NDT ở mức 3% là quá nhỏ để có thể xoay chuyển tình hình kinh tế nội địa khi nhu cầu toàn cầu thấp. Giới phân tích độc lập cho rằng, cách nhanh nhất để nền kinh tế Trung Quốc có thể lấy lại đà là đẩy nhanh hơn các cải cách đã cam kết để các doanh nghiệp trong nước đóng vai trò lớn hơn.
Nhằm trấn an dư luận về những thách thức mà nền kinh tế đầu tàu Châu Á đang phải đối mặt, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường - trong một phát biểu mới nhất - khẳng định, không có cơ sở cho việc đồng NDT tiếp tục giảm giá và tỷ giá hối đoái sẽ được giữ "ổn định cơ bản ở mức có thể thích ứng và cân bằng". Cho rằng việc Trung Quốc những ngày gần đây liên tiếp điều chỉnh tỷ giá đồng nội tệ là "phản ứng phù hợp" với những diễn biến trên các thị trường tài chính quốc tế, Thủ tướng Lý Khắc Cường nhấn mạnh: "Việc điều chỉnh này cũng được tiến hành như một phần trong nỗ lực cải cách đang diễn ra ở Trung Quốc". Theo nhận định của nhà lãnh đạo này, tình hình kinh tế thế giới phức tạp và thị trường bấp bênh có ảnh hưởng đến kinh tế Trung Quốc. Song, các nhân tố cơ bản của kinh tế Trung Quốc vẫn ổn định, tiếp tục tăng trưởng trong mức thích hợp với sự hỗ trợ của các yếu tố tích cực.
Vì thế, Trung Quốc được cho là vẫn đang tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế thông qua các biện pháp mạnh để điều chỉnh cơ cấu kinh tế theo hướng chi tiêu nội địa; đồng thời, phục hồi năng lực của thị trường và ngăn ngừa ảnh hưởng có thể của các nguy cơ từ bên ngoài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.