Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương ĐCS Trung Quốc đã thông báo kỷ luật khai trừ đảng và cách chức đối với 4 ủy viên trung ương là lãnh đạo cấp tỉnh.
Đó là Chu Bản Thuận, Vụ trưởng Nội chính ủy ban Tư pháp quốc hội, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Bắc; Dương Đống Lương, Bí thư đảng ủy, Tổng cục trưởng Giám sát An toàn lao động quốc gia; Phan Dật Dương, UVTV Khu ủy, Phó Chủ tịch Khu tự trị Nội Mông; Dư Viễn Huy, UVTV Khu ủy Quảng Tây, Bí thư thành ủy Nam Ninh.
Các “hổ lớn” bị loại trước thềm Hội nghị trung ương 5 gồm Chu Bản Thuận, Dương Đống Lương, Phan Dật Dương, Dư Viễn Huy (từ trái sang) |
Trong 4 con “Hổ” này, Chu Bản Thuận và Dương Đống Lương là Ủy viên TW chính thức, hai người còn lại là Ủy viên dự khuyết, đều mới được bầu tại Đại hội 18 cuối năm 2012.
Chu Bản Thuận - thân tín của Chu Vĩnh Khang
Sinh năm 1953 tại Hồ Nam, có học vị Tiến sĩ Quản lý công thương và Tiến sĩ Luật, Chu Bản Thuận vốn là người luôn bên cạnh “hổ lớn” Chu Vĩnh Khang 10 năm với tư cách phó, Tổng thư ký Ủy ban Chính pháp, năm 2013 được điều về Hà Bắc. Sau khi Chu Vĩnh Khang bị xét xử (11/6/2015), ngày 24/7, UBKTKLTW thông báo Chu Bản Thuận bị cách ly điều tra, ngày 25/9 bị bãi chức đại biểu quốc hội khóa 12 và Phó chủ tịch HĐND tỉnh Hà Bắc,
Việc bắt giữ Chu Bản Thuận diễn ra rất bất ngờ: Sáng 24/7, Chu Bản Thuận dẫn đầu đoàn về Bắc Kinh tham dự hội nghị phối hợp công tác 3 địa phương Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc. Buổi trưa, sau cuộc họp, ông ta bị nhân viên của UBKTKLTW đến “mời đi”; đến tối thì UBKTKLTW ra thông báo Chu Bản Thuận bị bắt giữ.
Gần như cùng lúc, các cơ quan pháp luật đã bắt giữ thêm 5 thành viên khác trong gia đình Chu, gồm vợ Đoàn Nhạn Thu, con trai Chu Tĩnh, cháu rể (chồng của con anh trai) Tống Đạt Dũng, em vợ Lưu Diên Đào và viên thư ký của Chu. Báo điện tử Tài Kinh cho biết, Chu Bản Thuận từng là Giám đốc Sở Công an Hồ Nam được Chu Vĩnh Khang khi đó là Bộ trưởng Bộ Công an chú ý đến và điều lên làm thư ký cho ông ta từ tháng 11/2003 rồi bắt đầu thăng tiến như diều gặp gió.
Một số nguồn tin cho biết, không chỉ là thân tín của Chu Vĩnh Khang, Chu Bản Thuận còn là người chắp nối để hình thành “Liên minh Chu (Vĩnh Khang) - Lệnh (Kế Hoạch)” và chính Chu Bản Thuận là người thực thi mệnh lệnh của Chu Vĩnh Khang giúp Lệnh Kế Hoạch “thu xếp êm thấm” vụ tai nạn xe hơi thảm khốc rạng sáng 18/3/2012 khiến Lệnh Cốc, con trai Lệnh Kế Hoạch chết bằng cách phong tỏa hiện trường, ngăn cản đưa tin, thay tên đổi họ Lệnh Cốc, bịt miệng các nhân chứng…
Tội của Chu Bản Thuận được nêu trong thông báo của UBKTKLTW: Vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng và quy tắc chính trị, phát biểu ngược lại tinh thần của trung ương trong nhiều vấn đề quan trọng; không thực hiện nghiêm túc trách nhiệm chủ thể trong xây dựng liêm chính, gây rối, ngăn cản, việc thẩm tra; vi phạm nghiêm trọng kỷ luật tổ chức, tiến hành hoạt động ngoài tổ chức để được đề bạt, lựa chọn đề bạt cán bộ trái quy định, che giấu vấn đề cá nhân; vi phạm nghiêm trọng 8 điều quy định, sống xa hoa lãng phí, đồi trụy; lợi dụng chức quyền mưu lợi ích cho người khác để nhận hối lộ, mưu lợi ích cho việc kinh doanh của con trai, gia phong bại hoại, dung túng vợ con; vi phạm nghiêm trọng kỷ luật công tác, tàng trữ trái phép tài liệu mật, tiết lộ cơ mật của đảng và quốc gia.
Dương Đống Lương- Cha con bị bắt cùng ngày
Dương Đống Lương sinh năm 1954 ở Hà Bắc, là Cử nhân kinh tế và Tiến sĩ Luật, từng giữ chức Phó thị trưởng thường trực Thiên Tân trước khi điều lên trung ương. Trưởng thành từ công nhân khoan dầu, ông ta lên đến Phó TGĐ Tổng công ty Hóa dầu Thiên Tân trước khi chuyển sang chính trường, làm UVTV thành ủy, Phó thị trưởng thường trực Thiên Tân 11 năm rồi về trung ương làm Bí thư đảng ủy, Tổng cục trưởng Giám sát ATLĐ quốc gia.
Ngày 12/8, xảy ra “Vụ nổ Thiên Tân” đặc biệt nghiêm trọng, Dương Đống Lương dẫn đoàn công tác của Quốc vụ viện về điều tra. Tối 17/8 ông ta còn dự hội nghị về công tác khắc phục hậu quả, sáng hôm sau đã bị nhân viên UBKTKLTW đưa đi, cùng ngày trên website của cơ quan này xuất hiện tin “Dương Đống Lương bị tổ chức điều tra vì vi phạm kỷ luật pháp luật nghiêm trọng”.
Tội lỗi của Dương được nêu trong thông báo của UBKTKLTW: Vi phạm nghiêm trọng kỷ luật và quy tắc chính trị, tiến hành hoạt động chính trị ngoài tổ chức, gây rối, cản trở tổ chức thẩm tra; vi phạm nghiêm trọng kỷ luật tổ chức, nhận hối lộ trong tuyển dụng thư ký trái quy định, bố trí công tác cho con, chạy chọt để thăng chức, lựa chọn đề bạt cán bộ sai quy định, khi ra nước ngoài tự ý thay đổi kế hoạch và lộ trình; vi phạm nghiêm trọng 8 điều quy định, tiêu xài lãng phí tiền công, sử dụng xe trái quy định; vi phạm nghiêm trọng kỷ luật liêm khiết, lợi dụng chức vụ để chiếm hữu của công, mưu lợi cho người khác trong kinh doanh để nhận hối lộ, chiếm hữu nhiều nhà ở; can thiệp trái phép vào công tác kiểm tra kỷ luật và điều tra vụ án của cơ quan tư pháp, sử dụng tiền vốn quốc gia trái quy định...
Theo Tân Kinh báo, Dương Đống Lương đã lợi dụng các mối quan hệ trong ngành Dầu khí để đưa con trai Dương Huy vào Tập đoàn Điện khí Trung Hải từ năm 2011 làm Bí thư đoàn rồi lên đến làm Giám đốc phụ trách công tác chính trị. Dương Huy bị bắt giữ để điều tra cùng ngày 18/8 với cha.
Phan Dật Dương- Thăng tiến nhờ hối lộ
Phan Dật Dương sinh năm 1961, ở Quảng Đông, Tiến sĩ Triết, từng công tác lâu năm ở Quảng Đông, Giang Tây, là UVTV tỉnh ủy, Bí thư thành ủy Cống Châu (Giang Tây) trước khi luân chuyển về Nội Mông năm 2010. Phan Dật Dương bị cách ly điều tra từ 17/9/2014 vì “vi phạm kỷ luật pháp luật nghiêm trọng”. Phan được coi là thân tín của Tô Vinh, nguyên Bí thư Giang Tây đã ngã ngựa.
Thông báo của UBKTKLTW cho biết tội lỗi của Phan Dật Dương gồm: “Vi phạm nghiêm trọng kỷ luật và quy tắc chính trị, tiến hành hoạt động chính trị ngoài tổ chức, không báo cáo trung thực vấn đề với tổ chức; vi phạm nghiêm trọng kỷ luật tổ chức, đưa tiền và vật cho người khác để được điều chỉnh chức vụ; vi phạm nghiêm trọng kỷ luật liêm khiết, lợi dụng chức vụ để mưu lợi cho người khác trong kinh doanh để nhận hối lộ…”.
Dư Viễn Huy- Câu kết đại gia để kiếm lợi
Sinh năm 1964, người dân tộc Dao, được đào tạo cơ bản, có bằng Thạc sĩ chính trị và Tiến sĩ kinh tế, Dư Viễn Huy được coi là “hạt giống đỏ người dân tộc thiểu số” nên thăng tiến rất nhanh, trung bình 2 năm một chức. Sau khi được bầu làm UV dự khuyết tại ĐH18, tháng 5/2013 Dư được bầu làm ủy viên thường vụ Khu ủy Quảng Tây, Bí thư thành ủy Nam Ninh. Ngày 22/5/2015 ông ta bị UBKTKLTW cách ly điều tra vì “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật, pháp luật”.
Theo thông báo của UBKTKLTW hôm 16/10, Dư Viễn Huy đã “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật và quy tắc chính trị, công khai phát biểu những lời nói đi ngược lại quy định của đảng; vi phạm nghiêm trọng kỷ luật tổ chức, đưa người nhà vào làm Thư ký, che giấu không báo cáo vấn đề của cá nhân; vi phạm nghiêm trọng kỷ luật liêm khiết, lợi dụng chức vụ để mưu lợi cho người khác trong kinh doanh để nhận hối lộ, tạo điều kiện cho thân hữu hoạt động kinh doanh kiếm lợi, tiêu xài lãng phí…”.
Về nguyên nhân trực tiếp khiến Dư Viễn Huy ngã ngựa, theo tạp chí “Tài Kinh” có liên quan đến việc khi là Bí thư thị ủy Ngô Châu (1/2008 - 1/2009) đã “huy động” mấy chục triệu tệ từ các đại gia địa phương mang “hiếu kính” Chủ nhiệm Văn phòng TW Lệnh Kế Hoạch để được nhanh chóng thăng tiến. Ông Lý Nghị, nguyên Chủ tịch Chính Hiệp Ngô Châu đã xác nhận điều này…Tài Kinh cho rằng, mối quan hệ giữa Dư Viễn Huy với giới kinh doanh địa phương là “quan thương câu kết”. Ông ta đã bị một số công ty, điển hình là tập đoàn Trung Hằng thao túng.
Theo thông báo của UBKTKLTW, cả 4 người nêu trên “là Ủy viên và Ủy viên dự khuyết trung ương nhưng đã đánh mất niềm tin lý tưởng, vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng; sau Đại hội 18 vẫn không ngừng lại, tính chất xấu xa, tình tiết đặc biệt nghiêm trọng. Căn cứ quy định của Điều lệ xử lý kỷ luật ĐCSTQ, hội nghị ban thường vụ UBKTKLTW đã nghiên cứu báo cáo hội nghị Bộ Chính trị xem xét, quyết định xử lý kỷ luật khai trừ đảng, Bộ Giám sát báo cáo Quốc vụ viện phê chuẩn cách chức, khai trừ về mặt hành chính; thu hồi mọi khoản thu nhập do vi phạm kỷ luật mà có; chuyển vấn đề có dấu hiệu phạm tội, manh mối và tang vật sang cơ quan tư pháp xử lý theo pháp luật”. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.