(HNM) - Cuối tháng 8-2012, Tổng thống Ai Cập lúc bấy giờ Mohamed Morsi đã tới Trung Quốc trong chuyến công du đầu tiên đến một quốc gia ngoài Trung Đông, với trọng tâm là tìm kiếm mối quan hệ kinh tế, đầu tư, chính trị mới.
Bảo đảm an ninh năng lượng là một trong những nhân tố thúc đẩy Trung Quốc tiến gần Trung Đông. |
Tuy nhiên, ngân khoản "khủng" này không phải là cam kết duy nhất của người khổng lồ Châu Á tại quốc gia Bắc Phi. Trước đó chỉ hai tuần, Tập đoàn Công nghiệp hàng không Trung Quốc (AVIC) đã trở thành đơn vị thiết kế và xây dựng tuyến đường sắt chạy bằng điện đầu tiên tại Ai Cập dài 80km với tổng kinh phí 800 triệu USD. Với những kế hoạch liên tiếp trên nhiều lĩnh vực, sự hiện diện của Trung Quốc tại xứ Kim tự tháp đang ngày một lớn. Qua đó, Bắc Kinh đã định hình rõ ràng hơn nữa chính sách phát triển quan hệ đối tác với Cairo như một lựa chọn chiến lược.
Mặc dù vậy, "việc làm ăn" với Ai Cập không phải là chuyện mới lạ đối với các doanh nghiệp Trung Quốc. Những dự án xây dựng tuyến đường sắt nối Medina tới Mecca ở Saudi Arabia, nối Địa Trung Hải với Biển Đỏ, nối Ankara với Istanbul ở Thổ Nhĩ Kỳ hay sự tồn tại của các công ty Trung Quốc ở Trung Đông đã trở nên quen thuộc với nhiều người dân Arab. Tuy nhiên, mối liên kết đang ngày một chặt chẽ hơn với Cairo cũng đã cho thấy một định hướng không giấu giếm của Bắc Kinh trong việc tiến đến Trung Đông một cách bền bỉ. Bất chấp hai cuộc cách mạng nhuốm máu, Ai Cập vẫn là một tiếng nói đầy trọng lượng trong thế giới Arab. Vì thế, việc khẳng định chỗ đứng tại quốc gia có vai trò dẫn dắt tại Trung Đông là con đường ngắn và rộng đưa Trung Quốc tới gần khu vực được xác định sẽ gắn liền với sự thịnh vượng của nền kinh tế số 2 thế giới.
Với số dân vượt qua con số 1,3 tỷ người, nền kinh tế tăng trưởng thần kỳ của đất nước được ví như công xưởng của thế giới cũng mang đến cơn khát năng lượng luôn ở mức cao. Kể từ thời điểm trở thành quốc gia nhập khẩu dầu mỏ vào năm 1993, hiện khoảng 50% nhu cầu nhiên liệu của Trung Quốc được cung cấp bởi các nhà xuất khẩu Trung Đông. Dự báo 70% nhu cầu năng lượng của Bắc Kinh sẽ phải phụ thuộc vào "rốn dầu" ở phía bên kia lục địa Châu Á trong những năm tới không còn là chuyện viển vông. Do đó, với Trung Quốc, "làm bạn" với Trung Đông cũng có nghĩa là tìm đáp số cho tương lai. Việc phải duy trì "hệ số an toàn" tối đa cho vấn đề an ninh năng lượng đã thành nguyên tắc bất di bất dịch. Trong hành trình đi tìm nguồn nhiên liệu khổng lồ cho đất nước, Bắc Kinh cũng đã chọn Châu Phi là một chặng dừng chân. Tuy nhiên, ngoài việc trữ lượng khó có thể so sánh với Trung Đông giàu có, những thể chế chính trị thiếu ổn định cũng khiến Lục địa đen nhạt nhòa hơn so với vùng đất vàng của thế giới.
Tuy nhiên, cũng phải nhận thấy thực tế, so với Mỹ, quốc gia vốn xem Trung Đông là địa bàn chiến lược, hay Nga, đất nước vẫn duy trì được ảnh hưởng nhất định tại khu vực thì Trung Quốc chỉ là một "vị khách mới". Do đó, việc cạnh tranh bằng tiềm lực quân sự với hai "ông lớn" ở vùng đất quan trọng này để kéo gần Trung Đông về phía mình sẽ chẳng khác nào "trứng chọi đá". Thế nên, Bắc Kinh đã lựa chọn cách thức khác với những mối quan hệ chính trị thân mật hơn, "làm quen" người dân Arab bằng những hàng hóa phong phú và một cộng đồng doanh nghiệp năng động ở một loạt quốc gia Hồi giáo. Hiện trao đổi thương mại giữa Trung Quốc - Arab đạt 222 tỷ USD, gấp 12 lần so với năm 2002, vượt quá con số 193 tỷ USD kim ngạch ngoại thương hai chiều giữa Mỹ và các nước Arab. Thành công này đã chứng minh cho đường lối sử dụng đòn bẩy kinh tế để tăng cường ảnh hưởng ngoại giao tại Trung Đông mà Bắc Kinh đã xác định là ưu tiên. Từ nền tảng đó, Trung Quốc đã dần can dự vào nhiều vấn đề của khu vực, từ thúc đẩy hòa bình giữa Israel và Palestine, cuộc chiến Syria hay đàm phán hạt nhân Iran… Việc sở hữu một lá phiếu quyết định tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng đã tạo cho Trung Quốc những cơ hội hiếm có để tạo dựng vị trí lớn hơn ở vùng đất này.
Song, phải khẳng định rằng, thời thế cũng đã ủng hộ cho chính sách ngoại giao của Bắc Kinh. Sự độc lập hơn về năng lượng, một nhân tố làm Mỹ chuyển trọng tâm về Châu Á đã để lại những khoảng trống nhất định để Trung Quốc thực hiện kế hoạch mở rộng ảnh hưởng toàn cầu cho tương xứng với danh hiệu cường quốc số 2 thế giới. Nhưng vấn đề đặt ra là làm sao phải giữ cho được một Trung Đông ổn định để bảo vệ sự thông suốt của dòng năng lượng lại đặt ra không ít thử thách ở một vùng đất đã luôn là trung tâm của sự "tranh giành" giữa các nước lớn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.